Mạng di động ảo: Đi theo lối nhỏ có an toàn?

0:00 / 0:00
0:00
Trong tình thế thị trường bão hòa, cạnh tranh lớn, các mạng di động ảo (MVNO) phải tìm lối đi riêng để tồn tại và phát triển.
Mạng di động ảo: Đi theo lối nhỏ có an toàn?

Chật chội, nhưng vẫn có chỗ đặt chân

Trên thế giới, mạng di động ảo vẫn phát triển mạnh mẽ. Hiện tại, cả thế giới đã có gần 2.000 mạng di động ảo hoạt động với tổng doanh thu khoảng 78,15 tỷ USD vào năm 2022, dự kiến vượt qua mốc 124,81 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,9% trong giai đoạn 2021-2028.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), hiện số lượng thuê bao di động của các nhà mạng ảo mới chỉ đạt 2,65 triệu thuê bao, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường. Bộ TT&TT đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam gồm Đông Dương Telecom, Mobicast (nay là Masan), ASIM, Digilife (thuộc VNPAY) và FPT Retail mới được cấp phép hồi tháng 4/2023. Có thể nói, phân khúc mạng di động ảo tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển.

Tuy nhiên, phân khúc này không hề “dễ ăn”. Thị trường mạng di động Việt Nam hiện có doanh thu trung bình trên mỗi đơn vị (ARPU) thấp với mức chi tiêu trung bình cho dịch vụ di động chỉ vào khoảng 70.000 - 90.000 đồng/tháng. Do đó, sẽ rất khó cho các MVNO có thể lôi kéo được khách hàng mới tham gia.

Trong khi đó, sự thâm nhập của các nhà mạng truyền thống đối với những dịch vụ giá trị gia tăng, tiện ích khác như giáo dục, y tế và dịch vụ chuyển đổi số là rất sâu rộng, khiến nhà mạng ảo khó cạnh tranh.

Ở góc độ khác, nhà mạng ảo cung cấp dịch vụ di động qua việc thuê lại lưu lượng của nhà mạng truyền thống, nói cách khác là “mua sỉ, bán lẻ” nên trong tình trạng vừa là đối thủ, vừa là đối tác phụ thuộc.

Theo dự thảo đánh giá tác động của Dự án Luật Viễn thông sửa đổi đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến, nguyên nhân của việc thị trường MVNO ở Việt Nam chậm phát triển là do các doanh nghiệp MVNO gặp khó khăn trong việc thuê hạ tầng, mua lưu lượng. Cơ sở đàm phán giá thuê hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng chưa hoàn chỉnh, khung pháp lý hiện nay chưa đầy đủ.

Trong sửa đổi Luật Viễn thông lần này, Bộ TT&TT đưa ra các quy định đầy đủ, cụ thể hơn về việc cho thuê hạ tầng, quy định để minh bạch giá bán buôn lưu lượng nhằm giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp MVNO, thúc đẩy thị trường MVNO phát triển. Mục tiêu khi điều chỉnh sửa đổi quy định hướng đến thúc đẩy thị trường bán buôn, tạo ra sân chơi mới, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp MVNO. Dự kiến trong vài năm tới, số lượng MVNO tăng lên 5-10 doanh nghiệp.

Đi vào thị trường ngách

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, nhà mạng ảo hiện chỉ chiếm một lượng nhỏ người dùng, các dịch vụ cung cấp cũng mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn, chưa có dịch vụ thực sự tạo ra thế mạnh riêng. Để thúc đẩy sự phát triển, các nhà mạng ảo nên tìm một dịch vụ thực sự mang lại lợi ích cho người dùng, ví dụ như các dịch vụ về tài chính, học tập, hay các dịch vụ liên quan đến thị trường ngách mà nhà mạng lớn không thể chạm đến. Đây là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và sẽ góp phần thúc đẩy các dịch vụ nội dung phát triển, tạo thêm nhiều dịch vụ viễn thông trên nền Internet băng rộng.

Theo ông Nhã, do không sở hữu hạ tầng, không phải tham gia xin cấp phép tần số, quy định về việc cung cấp dịch vụ đối với các nhà mạng ảo tương đối dễ dàng. Nhà mạng ảo chỉ cần ký hợp đồng mua SIM của các nhà mạng di động khác là đã có thể cung cấp dịch vụ.

Trong quá trình sửa đổi Luật Viễn thông, Cục Viễn thông đã đưa thêm chính sách bán buôn để tạo hành lang pháp lý minh bạch hơn, dễ dàng hơn, giúp các nhà mạng thuận lợi đàm phán trong quá trình mua lưu lượng, từ đó có thể cung cấp dịch vụ chất lượng tốt với giá thành hấp dẫn.

“Các nhà mạng ảo cần tìm cho mình một thị trường ngách hấp dẫn để duy trì lượng thuê bao ổn định và có mức ARPU cao so với mức trung bình hiện nay. Ví dụ, thị trường ngách ở nông thôn có thể là lĩnh vực nông nghiệp thông minh, các dịch vụ hỗ trợ người dân trong hoạt động nông nghiệp, ngành nghề sản xuất thông qua các ứng dụng di động. Việc các nhà mạng tìm thấy thị trường ngách cho mình ở các khu vực khác nhau hoàn toàn là lựa chọn của doanh nghiệp, không có việc bị nhà mạng có hạ tầng áp đặt kinh doanh”, ông Nhã khuyến nghị.

Trên thực tế, các nhà mạng ảo cũng đang hướng tới thị trường ngách của riêng mình. Hay nói cách khác là dùng mạng ảo phục vụ cho hệ sinh thái riêng của mình hoặc nhắm vào đối tượng khách hàng riêng biệt.

Điển hình như Masan với mạng di động Wintel mới đổi tên, không giấu giếm ý định mục tiêu giúp tăng quy mô hội viên WIN của Masan ở cả offline và online lên 30-50 triệu người. Wintel đang thực hiện chiến lược trải nghiệm số “Tất cả trong một”, nhắm tới hàng chục triệu khách hàng thuộc các thương hiệu thành viên khác như Phúc Long, Techcombank, WinMart... nằm trong hệ sinh thái Masan Group.

Hay như iTel tập trung vào thị trường ngách, người dùng trẻ là các học sinh, sinh viên, các khu công nghiệp và có giá cước tối ưu, hợp lý cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc hệ sinh thái dịch vụ số iTel, không gian thị trường cho mạng di động ảo Việt Nam còn rất lớn. Các MNVO sẽ tập trung vào thị trường ngách để phát triển và chiếm khoảng 15 - 20% thị phần (khoảng 15 - 20 triệu thuê bao) trong tổng số thuê bao di động. Mô hình kinh doanh MNVO khá đa dạng, thường tập trung vào thị trường ngách như thị trường MVNO dành riêng cho doanh nghiệp, cho dịch vụ IoT, M2M, cho các tập khách hàng giải trí, bóng đá như Brazil đã làm. Các công ty tài chính, bảo hiểm có nhiều tập khách hàng lớn có thể tham gia vào thị trường viễn thông.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục