1. Tôi vừa ghé qua thăm nhà hàng xóm ở căn hộ nghỉ dưỡng biển. Ông bà đã nghỉ hưu, có nhà cửa rộng rãi tại Biên Hòa. Khi dự án căn hộ này được mở bán, ông bà chọn mua căn đẹp nhất với mục đích cuối tuần cùng con cháu tới chơi.
Ông đặt xưởng mộc mua gỗ về sấy cho thiệt khô, rồi đóng đồ trong nhà. Nói thiệt, nhìn nội thất trong căn hộ này, chẳng biết mắc rẻ, bền chắc thế nào, nhưng thiệt là buồn tẻ với đồ gỗ nặng nề quá. Nhưng thôi, phù hợp với sở thích của chủ nhân, cũng không vấn đề gì.
Có tôi ghé chơi, ông bà giành nhau kể chuyện. Đây con coi, việc thế này có phải là quá khó không. Ngày trước chọn mua mãi, 3 người khách cùng bốc thăm, may mắn lắm ông bà mới mua được căn hộ này. Vì thiếu tiền nên cũng phải đi vay ngân hàng, giờ mỗi tháng trả 16 triệu đồng cả vốn lẫn lãi.
Tiền lương hưu của cả ông lẫn bà cùng tiền hỗ trợ của các con thì trả được, nhưng chẳng lẽ lại không ăn xài gì! Cứ kéo đầu này, xô đầu kia cũng qua tháng, mà phải tằn tiện nên bà khó chịu lắm.
Nhìn tới nhìn lui bạn bè ở tuổi ngoài 60, đi du lịch khắp nơi trong và ngoài nước, còn mình thì tuổi này rồi vẫn còn gom tiền trả góp cho ngân hàng, hỏi sao mà vui được.
Nên bà nói với ông, thôi bán quách căn hộ này cho rồi. Trả xong số tiền nợ, còn dư thì đi chơi và mỗi tháng coi như có hẳn 16 triệu đồng để muốn làm gì thì làm, khỏe re thân.
Ý của bà như vậy mà ông lại chưa chịu. Ông nói, tôi thích căn hộ này lắm. Khi tới coi là tôi đã mê rồi. Gió thổi lồng lộng, đồ biển ngoài chợ tươi ngon. Cuối tuần cả nhà tụ tập, cũng là đi du lịch rồi.
Theo dự tính, chừng 5 năm nữa là trả xong tiền nợ ngân hàng, căn hộ này hoàn toàn thuộc về mình, chẳng phải là vui hơn sao. Đó, mọi người nhìn đi, đồ đạc trong nhà tốt lắm, chắc chắn khủng khiếp, nhiều năm nữa vẫn chưa hư được. Nhìn ra ngoài là thấy biển, một bức tranh sống động, khỏi cần phải trang trí tranh ảnh gì trong nhà cho mệt. Vậy là cuộc sống hay rồi, chứ còn muốn sao.
Cứ như thế, ông nói kiểu ông, bà nói kiểu bà. Ai cũng có lý lẽ của riêng mình, tôi ngồi giữa chẳng biết nghe ai. Bà còn dọa sẽ ly dị khi không tìm được tiếng nói chung trong việc này. Vì theo bà, “5 năm nữa thì quá già rồi, sức đâu nữa để mà đi du lịch biết đây đó khắp nơi. Hơn thế, cũng không biết gió máy ra sao. Đùng một cái có thể giã biệt cuộc đời, mà vẫn còn để lại cục tiền nợ ở ngân hàng, hỏi sao mà thanh thản cho được”.
Tôi nói, để con coi nếu có bạn bè nào quan tâm thì sẽ giới thiệu giúp cho ông bà. Nhưng khổ nỗi, ông lại đưa ra cái giá cao quá, đồ đạc của ông, có thể là đồ gỗ chắc chắn thiệt, nhưng lại không hợp gu với sự hiện đại và sáng sủa của căn hộ. Dỡ mang đi thì cũng hư cả nhà. Mà ông lại còn tính với giá như lúc mua, thì chịu rồi. Thương lắm, mà có khi lại đành khó giúp được.
2. Trở về nhà, tôi nghĩ mãi về câu chuyện của người hàng xóm. Và quả thực là tôi thích cách suy nghĩ quyết liệt và biết tận hưởng cuộc sống hơn là cách dè sẻn, tiết kiệm “9 xu đổi lấy 1 hào”.
Tôi nhắn tin cho bà hàng xóm với sự ủng hộ và động viên ông bà nên bán nhà sớm với giá phù hợp. Khi đã muốn bán, thì phải chấp nhận giá thấp hơn thị trường một chút mới có thể giao dịch thành công nhanh chóng. Đó là còn chưa kể, quay đi quay lại, tiền lãi của ngân hàng cũng lậm vào, chẳng mấy chốc cũng vượt quá tiền bớt đi cho khách.
Đi mua nhà là sự chủ động, đi bán nhà là sự bị động. Và quan trọng, thái độ sống tích cực và thoáng đãng ở lứa tuổi nghỉ hưu cần được nhìn nhận với sự tôn trọng vô cùng. Còn bao nhiêu thời gian nữa đâu, mà phải suy tính thiệt hơn.
Cũng như tôi đi sang thăm ông bà hàng xóm về xong, đã lại hết 1 ngày!