MAFM VN30 ETF sẽ tăng quy mô lên 2.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Soh Jin Wook, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset Việt Nam (MAFMC) cho biết, giai đoạn đầu, Quỹ MAFM VN30 ETF sẽ huy động khoảng 100 - 200 tỷ đồng, nhưng dự kiến trong vòng 1 năm sẽ tăng quy mô tài sản ròng lên 2.000 tỷ đồng. 
MAFM VN30 ETF sẽ tăng quy mô lên 2.000 tỷ đồng

Quỹ MAFM VN30 ETF đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng (IPO), MAFMC ghi nhận sự quan tâm của các nhà đầu tư như thế nào đối với Quỹ?

Chúng tôi chưa nhắm tới nhóm khách hàng cá nhân trong giai đoạn IPO này. Thay vào đó, thành viên lập quỹ (AP) tham gia vào quá trình IPO sẽ xem xét nhu cầu ngắn hạn của nhà đầu tư sau khi hoàn thành IPO.

Cho đến nay, chúng tôi đã ký hợp đồng AP với Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam và 3 công ty chứng khoán hàng đầu khác. Vai trò của các AP rất quan trọng trong hoạt động giao dịch quỹ ETF.

Chúng tôi tin rằng, MAFM VN30 ETF sẽ là một công cụ tốt để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam và ở giai đoạn đầu tiên này, các AP đang thể hiện sự quan tâm lớn đến Quỹ.

Vì sao MAFMC thành lập thêm quỹ ETF giai đoạn này và lựa chọn chỉ số tham chiếu là VN30, thay vì VN Diamond?

Mặc dù nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng thị trường cổ phiếu phục hồi rất nhanh. Dòng tiền quốc tế thời gian qua đã đổ dồn vào một vài cổ phiếu vốn hóa siêu lớn có mức tăng trưởng cao tại các thị trường phát triển.

Ngược lại, các thị trường mới nổi (Emerging Market) chưa thu hút được nhiều sự quan tâm.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh quốc gia, chưa có nước nào có tỷ lệ tăng trưởng GDP vượt bậc như Việt Nam. Tôi tin tưởng, dòng vốn ngoại dồi dào cuối cùng cũng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam.

Khi dòng vốn dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên xem xét các chỉ số phát triển quốc gia, theo cách tiếp cận từ trên xuống (top-down).

Thông thường, họ sẽ ưu tiên các cổ phiếu thuộc danh mục VN30, gồm nhiều cổ phiếu bluechips - thuộc những doanh nghiệp kinh doanh rất tốt, đầu ngành, có tiềm năng tăng trưởng.

VN Diamond cũng là chỉ số rất hấp dẫn và chúng tôi có kế hoạch sẽ xây dựng thêm quỹ ETF dựa trên chỉ số này.

Nhưng trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi ưu tiên sử dụng VN30, bởi VN Diamond hướng đến các cổ phiếu đã kín giới hạn sở hữu nước ngoài (room) khiến cho độ bao phủ của chỉ số so với toàn thị trường khá hẹp. Quan trọng hơn, Chính phủ Việt Nam đang dần mở rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là điểm tích cực.

Dự kiến ban đầu, Quỹ sẽ thu hút quy mô vốn như thế nào?

MAFM VN30 ETF dự kiến được thành lập với quy mô 100 - 200 tỷ đồng. Mục tiêu của Quỹ là nhanh chóng tăng quy mô giá trị tài sản ròng (NAV) lên 2.000 tỷ đồng trong vòng 1 năm.

Thực tế, chúng tôi là một công ty quản lý quỹ Việt Nam và đang quản lý dòng vốn từ các nhà đầu tư Hàn Quốc. Ở giai đoạn đầu, chúng tôi mới chỉ quảng bá cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhưng mục tiêu dài hạn là cung cấp thêm sản phẩm đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ổn định.

Xu hướng dòng vốn ngoại vẫn đang rút ròng trên thị trường, nhưng vì sao các quỹ ETF lại thu hút được vốn từ các nhà đầu tư. Là tổ chức tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư ngoại, ông có ghi nhận gì về kỳ vọng của họ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam?

Như tôi đã đề cập, nhà đầu tư toàn cầu đang rất quan tâm đến các cổ phiếu có giá trị vốn hóa khổng lồ tại các thị trường phát triển đang tăng trưởng tốt ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thị trường Việt Nam thực sự vẫn rất hấp dẫn với cách tiếp cận từ trên xuống. Tuy nhiên, rất khó để tìm ra được các cổ phiếu công nghệ có vốn hóa siêu lớn tại Việt Nam như ở các nước phát triển.

Kể cả nếu có, nhà đầu tư nước ngoài cũng e ngại trong việc hiểu rõ được các yếu tố nền tảng nội tại của công ty.

Do vậy, họ sẽ ưu tiên đầu tư vào ETF để tiếp cận thị trường rộng hơn, thay vì các quỹ đầu tư chủ động với chiến lược lựa chọn các cổ phiếu đơn lẻ.

Thực tế cũng cho thấy, các quỹ ETF hút dòng tiền vào, trong khi các quỹ chủ động bị rút ra, từ đó khiến nhiều cổ phiếu bị bán ròng. Tôi cho rằng, đây chỉ là xu hướng ngắn hạn và về dài hạn, các quỹ chủ động cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư như quỹ ETF.

Các quỹ ETF sau khi huy động vốn sẽ có kế hoạch giải ngân vào thị trường, điều này có tác động như thế nào đến các cổ phiếu bluechips? Và theo ông, định giá các cổ phiếu bluechips Việt Nam đang ở mức đắt hay rẻ?

Việc giải ngân của các quỹ ETF có tác động đến giá cổ phiếu, đôi khi còn làm méo mó thị trường. Đây không chỉ là vấn đề xảy ra ở thị trường Việt Nam, mà diễn ra ở giai đoạn đầu khi ETF bắt đầu phát triển tại các thị trường khác.

Tôi tin rằng, ETF có nhiều ưu điểm hơn là khuyết điểm. Nhiều loại ETF khác nhau sẽ dần được triển khai, thu hút nhiều vốn hơn và hỗ trợ thị trường phát triển.

Sự ra mắt gần đây của chỉ số VN Diamond và VN Finlead là những ví dụ điển hình. Khi nhiều chỉ số mới được phát triển, chúng tôi có thể hỗ trợ thị trường thông qua các quỹ ETF.

Về định giá, không thể nói đơn giản là đắt hay rẻ. Phương pháp định giá truyền thống (P/E, P/B) không còn hợp lý bởi môi trường lãi suất thấp tại các nước phát triển được duy trì trong thời gian dài. Vấn đề không phải là đánh giá mức giá, quan trọng hơn là đánh giá doanh nghiệp tốt hay không.

Ông có dự báo gì về xu hướng dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới?

Rất bình thường khi sự chú ý của các nhà đầu tư đến các thị trường mới nổi như Việt Nam đang giảm xuống trong một giai đoạn nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng nên sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Trong quá khứ, dòng tiền vào thị trường Việt Nam có những giai đoạn rút ròng trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn là vào ròng, nhất là khi có thêm các cổ phiếu bluechips được niêm yết.

Ngày 4/8/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ra công chúng số 154/GCN-UBCK cho Quỹ MAFM VN30 ETF với chỉ số tham chiếu là VN30, do Công ty TNHH Quản lý quỹ Mirae Asset Việt Nam (MAFMC) quản lý.

Theo bản cáo bạch, danh mục chứng khoán cơ cấu bao gồm tối thiểu 50% số chứng khoán cơ sở hình thành VN30 (danh mục chứng khoán của chỉ số tham chiếu), giá trị danh mục chứng khoán cơ sở không thấp hơn 95% giá trị của danh mục chứng khoán tương ứng của chỉ số VN30.

Trong giai đoạn phát hành chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng, vốn điều lệ của Quỹ tối thiểu 50 tỷ đồng. Thanh viên lập quỹ kiêm đại lý phân phối gồm Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, BSC, HSC và BVSC. Ngân hàng giám sát là Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam.

MAMF VN30 ETF sẽ là quỹ ETF thứ ba sử dụng chỉ số cơ sở (benchmark) là VN30, sau 2 quỹ VFMVN30 ETF và SSIAM VN30 ETF.

Hiện tại, MAFMC đang quản lý Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Mirae Asset Việt Nam (MAGEF), quy mô 430 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, Top 10 khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị tài sản ròng của MAGEF gồm VCB (8,3%), VNM (8,2%), MWG (6,1%), MSN (4,5%), HPG (4,3%), FPT (4,2%), ACB (4,2%), VHM (4,1%), MBB (3,4%), VTP (3,4%).

MAFMC được sở hữu 100% vốn bởi Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset Global Investment Co.,Ltd (thành lập năm 1997, thành viên của tập đoàn tài chính lớn của châu Á là Mirae Asset Financial Group).

Trọng điểm đầu tư của Mirae Asset Global Investment là các thị trường mới nổi, có mạng lưới chiến lược tại 14 quốc gia và đang quản lý tài sản trị giá 134 tỷ USD. Đây cũng là công ty ra mắt quỹ tương hỗ đầu tiên tại Hàn Quốc vào năm 1998, hướng đến các nhà đầu tư cá nhân.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục