Sau thời gian dài hoạt động kiểu cầm chừng, đến năm 2016, đón đầu làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Hàn Quốc vào Việt Nam, Mirea Asset đã có bước đi táo bạo với việc đạt được thoả thuận mua lại toàn bộ cổ phần từ đối tác nội địa, chính thức sở hữu 100% vốn tại công ty.
Và ông Kang Moon Kyung được điều động về làm Tổng giám đốc Công ty. Lần trở lại này của ông Kang mang theo tâm thế mới khi tích lũy bề dày kinh nghiệm từ thị trường mới nổi tại châu Mỹ.
Dưới sự điều hành của Tổng giám đốc Kang, Mirea Asset Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Giai đoạn 2016 - 2019, Mirae Asset Việt Nam có thể được xem là công ty chứng khoán có tốc độ tăng vốn nhanh, mạnh nhất trên thị trường, từ mức vốn 700 tỷ đồng (năm 2016) tăng lên 2.000 tỷ đồng (năm 2017), lên 4.300 tỷ đồng vào năm 2018.
Với việc tăng vốn điều lệ lên 5.455 tỷ đồng vào năm 2019, Mirea Asset Việt Nam đã trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường tính đến quý IV/2019.
Cuối năm 2019, Mirae Asset Việt Nam trở thành công ty chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cho vay ký quỹ mạnh nhất năm với giá trị cho vay margin là 7.006 tỷ đồng, tăng 3.585 tỷ đồng so với cuối năm 2018, trở thành công ty có quy mô cho vay lớn nhất thị trường.
Kết quả đi kèm theo đó là thị phần môi giới tăng vọt từ mức 0,3% khi ông Kang mới quay trở lại Việt Nam lên 2% trong nửa đầu năm 2018 và đến quý IV/2019 đã lọt vào Top 5 thị phần môi giới trên HOSE với thị phần 5,44% và Top 10 trên HNX với thị phần 4,5%.
Ông Kang đã chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về những quan điểm quản trị và định hướng của Công ty tại Việt Nam
Mirae Asset Việt Nam tăng vốn khủng, kèm theo đó là tăng vọt về thị phần môi giới trên cả hai sàn HOSE và HNX, môi giới và cho vay ký quỹ có phải là mảng chính trong chiến lược hoạt động của Công ty, thưa ông?
Môi giới là nghiệp vụ cơ bản của một công ty chứng khoán. Tại Việt Nam, trên 95% công ty chứng khoán đều có dịch vụ môi giới và mảng này đang đóng góp doanh thu đáng kể cho Mirea Asset, trung bình từ 30 - 40% trên tổng doanh thu.
Tuy nhiên, tình hình thị trường có nhiều thay đổi trong những năm gần đây, thị trường chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư mới tham gia.
Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, buộc một số công ty phải chuyển chiến lược sang các mảng khác như ngân hàng đầu tư (IB), cho vay margin… để tìm kiếm sự tăng trưởng trong ngắn hạn.
Đối với Mirae Asset Việt Nam, ngay khi trở thành công ty chứng khoán 100% vốn ngoại thì đã xác định sẽ có đầy đủ chức năng hoạt động, bao gồm các hoạt động môi giới, tự doanh, ngân hàng đầu tư và kinh doanh tài chính.
Tuy nhiên, căn cứ theo chiến lược phát triển tại từng thị trường, Tập đoàn sẽ đưa ra định hướng phát triển tập trung tại từng thời điểm.
Cụ thể, tại Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2019, chúng tôi lựa chọn hoạt động môi giới để tập trung phát huy thế mạnh Tập đoàn, chiếm lĩnh thị phần nội địa. Tôi đánh giá, đây là chiến lược tập trung đúng đắn trong thời gian qua.
Dựa theo tình hình thị trường, khi mảng kinh doanh môi giới cá nhân trong thời gian tới sẽ chậm lại. Đây được coi là thời điểm phù hợp để chúng tôi hướng tới các hoạt động tự doanh, ngân hàng đầu tư, tư vấn sáp nhập doanh nghiệp. Chúng tôi đã có những chuẩn bị nhất định cho việc phát triển kinh doanh IB, tự doanh.
Hiện tại, bộ phận tự doanh của chúng tôi thường xuyên tìm hiểu những sản phẩm tốt, vừa là tự doanh, vừa tư vấn cho khách hàng các sản phẩm chất lượng như trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh các sản phẩm ETF, phái sinh….
Việc quản lý một công ty chứng khoán có tốc độ tăng vốn nhanh như vậy, ông có cảm thấy áp lực về giải ngân để sử dụng hiệu quả nguồn vốn hay không?
Thực tế, chúng tôi đã chuẩn bị cho lộ trình này cách đây 3 - 5 năm. Tất nhiên, việc tăng vốn cũng phải đi liền với kế hoạch và mục đích sử dụng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Chính vì vậy, tôi không cảm thấy áp lực, mà ngược lại rất vui mừng khi kế hoạch đã được triển khai. Và sau khi tăng vốn, Chứng khoán Mirae Asset đã đạt được những thành quả nhất định như lọt vào Top 5 thị phần môi giới, thương hiệu được nhiều người biết đến hơn…
Với dư nợ cho vay ký quỹ đang thuộc hàng lớn nhất thị trường, hơn 7.000 tỷ đồng, thì công tác quản trị rủi ro là rất quan trọng, ông thực hiện điều này như thế nào?
Quản trị rủi ro luôn là ưu tiên hàng đầu của Mirae Asset. Trở thành công ty có dư nợ cho vay dẫn đầu thị trường, chúng tôi có các nguyên tắc đánh giá và kiểm soát rủi ro chặt chẽ của riêng mình.
Đầu tiên, chúng tôi tuân thủ chặt chẽ các quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong điều hành và quản lý rủi ro, ví dụ như quy trình quản lý rủi ro cho tất cả các hoạt động cho vay ký quỹ, bắt đầu từ khi khách hàng mở tài khoản cho đến khi khách hàng trả hết nợ ký quỹ.
Thứ hai, thực hiện theo quy trình kiểm soát rủi ro của Tập đoàn, xem xét cổ phiếu cho vay ký quỹ hàng tháng để cập nhật với tình hình thực tế của thị trường và doanh nghiệp.
Thứ ba, chúng tôi tuân thủ theo nguyên tắc cốt lõi của Tập đoàn, nhắm mục tiêu của mình vào các công ty niêm yết có tài sản tốt, lợi nhuận lớn, báo cáo tài chính minh bạch và có triển vọng kinh doanh.
Chiến lược này sẽ tăng cường danh mục cho vay ký quỹ của Công ty trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, còn có những nhóm chuyên gia độc lập xem xét và đánh giá các quyết định cung cấp khoản ký quỹ cho cổ phiếu một cách khách quan nhất. Điều đó đem lại sự cân bằng cũng như quản trị rủi ro hợp lý khi chúng tôi làm việc với các khách hàng có yêu cầu khoản vay ký quỹ đáng kể.
Điểm cốt lõi chính là Mirae Asset luôn đặt sự an toàn của tài sản khách hàng lên hàng đầu. Chúng tôi coi việc bảo vệ tài sản khách hàng là sứ mệnh trong quản lý đầu tư.
Mirae Asset Việt Nam cũng được xem là đi sau về mảng IB so với một số công ty chứng khoán nội địa khác, ông nhìn thấy cơ hội cũng như thách thức nào ở mảng này?
Cơ hội càng cao, thách thức càng lớn. Điều quan trọng là cần đánh giá đúng về tiềm năng, cơ hội lẫn rủi ro, đồng thời tìm kiếm được đội ngũ có năng lực cao để thực thi các chiến lược Công ty đề ra tại thị trường Việt Nam.
Hiện tại, nguồn tín dụng từ các khoản vay ngân hàng đang chiếm tỷ trọng quá lớn trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Theo đó, tình hình này sẽ gây ra rủi ro lớn đối với nền kinh tế.
Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và không đủ khả năng hoàn trả khoản vay ngân hàng, chính ngân hàng cho vay cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng xấu. Việc này sẽ tạo ra một tác động tiêu cực mang tính dây chuyền tới nền kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp huy động vốn từ nguồn trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro dây chuyền này sẽ bị loại bỏ. Đó là lý do mà theo tôi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện còn nhiều dư địa để phát triển.
Do đó, Mirae Asset coi mảng IB (tập trung vào bảo lãnh phát hành trái phiếu) là một trong những trọng tâm hoạt động của Công ty trong thời gian tới. Đồng thời, IB và tự doanh có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, giúp chúng tôi cung cấp các nguồn vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Về lợi thế, Mirae Asset Việt Nam thừa hưởng thế mạnh từ tập đoàn mẹ như tài chính, nhân sự, kinh nghiệm và am hiểu thị trường nội địa, nên chúng tôi tự tin về khả năng cung cấp đa dạng và chuyên sâu các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đầu tư cho khách hàng doanh nghiệp (từ huy động vốn trên thị trường vốn, thị trường nợ, mua bán sáp nhập đến các dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp khác).
Ngoài ra, với mạng lưới toàn cầu của Tập đoàn và là đối tác tin cậy của nhiều quỹ đầu tư trên thế giới, chúng tôi sẽ là cầu nối vững chắc cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận được với nguồn vốn quốc tế.