Tín dụng bắt đầu chảy
Khảo sát của Tổng cục Thống kê về tình hình đơn hàng xuất khẩu năm 2024 mới đây cho thấy, 22% số công ty được hỏi khẳng định, số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 33% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Trong khi đó, về tiêu dùng nội địa, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Đây là những cơ sở để tin tưởng, tình hình kinh tế năm 2024 sẽ sáng hơn, doanh nghiệp dần trở lại nhịp độ sản xuất - kinh doanh bình thường và khả năng hấp thụ mức tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi.
Từ phía ngân hàng, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB nhận định, năm 2024 vẫn là một năm khó khăn, thách thức với nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng, nhưng cơ hội cũng không ít. Nhu cầu vốn tín dụng sẽ cao hơn năm 2023 khi các yếu tố vĩ mô đều hướng tới sự ổn định, chắc chắn ngành ngân hàng sẽ hưởng lợi.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước đó.
Thực tế, ba quý đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt mức 6,9% (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước) và trong quý cuối năm qua, tín dụng tăng thêm 6,81 điểm phần trăm, tức gần bằng 3 quý đầu năm cộng lại. Đà tăng tập trung vào tháng cuối năm, đưa tăng trưởng tín dụng nhảy vọt từ mức 9,15% vào cuối tháng 11 lên 13,71% vào cuối tháng 12/2023, theo số liệu công bố mới nhất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Xét theo số tuyệt đối, có hơn 578.300 tỷ đồng vốn tín dụng được bơm ròng ra nền kinh tế trong tháng 12/2023, nâng số dư nợ tăng ròng trong năm 2023 lên hơn 1,63 triệu tỷ đồng. Đáng lưu ý, mức tăng trưởng này gần như chỉ tập trung vào 10 ngày cuối tháng.
Theo kế hoạch, sẽ có hơn 2 triệu tỷ đồng vốn tín dụng được bơm ra nền kinh tế trong năm nay.
Mức tăng trưởng tín dụng chỉ trong 10 ngày cuối tháng 12/2023 chiếm gần 20% tổng mức tăng trưởng tín dụng của cả năm 2023 cho thấy kinh tế đang hồi phục tốt hơn, giúp nhu cầu vay vốn tăng mạnh trở lại. Với kết quả tích cực của tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng, với hạn mức trung bình toàn ngành là 15%. Dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2023 là gần 13,56 triệu tỷ đồng. Như vậy, theo kế hoạch sẽ có hơn 2 triệu tỷ đồng vốn tín dụng được bơm ra nền kinh tế trong năm nay.
Nếu như những năm trước, room tín dụng là những khoản cấp phát, phân bổ thì hiện nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu đạt chỉ tiêu.
“Bởi vì năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room, nhưng rất nhiều đơn vị không hết room, thậm chí có nhà băng tăng trưởng tín dụng âm. Những ngân hàng tăng trưởng âm, tăng trưởng thấp đó có thể do chưa mạnh dạn tăng trưởng. Do đó, việc thay đổi cơ chế là để các ngân hàng này phải phấn đấu đạt mức chỉ tiêu tín dụng được giao”, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú giải thích.
Lan tỏa khi lãi suất thấp
Mặt bằng lãi suất cho vay đang trên đà giảm theo lãi suất huy động và dự báo lãi suất cho vay còn giảm tiếp trong năm 2024. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay được kỳ vọng tốt hơn năm 2023 khi mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm hơn 2%/năm so với đầu năm 2023. Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt 21% trong năm qua, riêng tháng 12 tăng tới 9%, khi mặt bằng lãi suất cho vay chỉ còn 6%/năm, thấp hơn một nửa so với giai đoạn đầu năm. Theo ông Tùng, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới, cùng với sự hồi phục của kinh tế thì sức hấp thụ vốn cao hơn, tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, khác với các quốc gia có nền kinh tế và thị trường tài chính - tín dụng phát triển, nguồn cung ứng vốn cho doanh nghiệp Việt Nam đa phần đến từ tín dụng ngân hàng thương mại, chiếm khoảng 70%. Ở điều kiện bình thường đã vậy, trong năm 2024, các nguồn huy động vốn dài hạn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa thể phục hồi. Do đó, trong năm nay, doanh nghiệp sẽ chủ yếu trông chờ vào nguồn tín dụng từ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh và bổ sung vốn lưu động. Nhà điều hành quyết định mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mọi năm một phần cũng vì lý do này.
“Dĩ nhiên, để có thể tiếp cận tốt nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp phải tự mình vươn lên đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng. Trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn về tài sản thế chấp, ngân hàng cũng nên cân nhắc xem xét cho vay theo dự án hay cho vay theo dòng tiền thì vướng mắc về tài sản thế chấp sẽ giảm bớt”, ông Thịnh khuyến nghị.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nêu quan điểm, tăng trưởng tín dụng chưa thể kỳ vọng đột biến trong năm nay, vì sức hấp thụ vốn còn yếu, lãi suất có giảm thêm cũng chưa giải quyết được bài toán “thừa tiền” trong hệ thống ngân hàng. Nền kinh tế phải sôi động thì tín dụng mới tăng nhanh, nên trước hết, Chính phủ cần tiếp tục kích cầu đầu tư công, tiêu dùng... Phía ngân hàng cần có cơ chế cởi mở, thủ tục thông thoáng hơn trong cho vay vốn, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, nhưng phải đảm bảo kiểm soát được rủi ro.
Với hơn 2 triệu tỷ đồng sẵn sàng bơm vào nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng sẽ đỡ vất vả hơn năm trước.