M&A xuyên biên giới dần phổ biến

(ĐTCK) Xu thế mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) xuyên biên giới đang dần phổ biến khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Các chính sách của Nhà nước và các doanh nghiệp cần thích ứng với không gian kinh tế mở và xu thế M&A này.
M&A xuyên biên giới dần phổ biến

Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Khối Tư vấn, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Trong những năm qua, có không ít thương vụ M&A xuyên biên giới đã diễn ra như: The NawaPlastic Industries, một công ty thành viên của Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) mua khối lượng lớn cổ phần NTP và BMP năm 2012; Sement Gresik của Indonesia mua lại 70% Xi măng Thăng Long năm 2012; SCG mua 85% Prime năm 2013…

Xu thế M&A xuyên biên giới đang dần phổ biến là do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đặc biệt, năm 2015 được coi là năm của hội nhập, năm của dấu ấn các hiệp định thương mại tự do khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa 10 nước ASEAN với 6 nước đối tác (RCEP) được ký kết, Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, với Hàn Quốc…, sắp tới là phê chuẩn tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các ngành kinh tế thâm dụng lao động bấy lâu nay được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do là nông lâm thủy sản, dệt may, da giày. Bên cạnh đó, bán lẻ, bất động sản được nhìn nhận là mảnh đất màu mỡ khi dự báo ngày càng có nhiều hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài tràn vào Việt Nam, làm gia tăng cạnh tranh đối với các hàng hóa sản xuất trong nước do hưởng lợi về thuế từ các hiệp định mang lại, cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhanh chân nhảy vào trước theo xu thế “cắm cờ, hớt váng”.

Theo số liệu đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam mà Cục Đầu tư nước ngoài công bố ngày 28/7/2016, trong vòng 1 năm tính tới ngày 20/7/2016 có khoảng 1,894 tỷ USD được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 1.709 doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn mua cổ phần. Tính riêng 7 tháng đầu năm, con số này lần lượt là 1,512 tỷ USD và 1.284 doanh nghiệp.

Trong đó, bất động sản là ngành thu hút được nhiều vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài nhất (350,1 triệu USD), tiếp đến là bán lẻ (318,9 triệu USD), bán buôn (77,3 triệu USD), các vị trí tiếp theo thuộc về vận tải hàng không, sản phẩm nhựa các loại…

Trong các thương vụ M&A năm 2015, có không ít thương vụ M&A xuyên biên giới giá trị lớn như: Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua 49% Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ và giải pháp NKT - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy và thương hiệu Nguyễn Kim; Central Group mua lại 100% hệ thống siêu thị Big C, trị giá 1,140 tỷ USD; TCC Holding (Thái Lan) mua lại 100% Công ty Metro Cash and Carry Việt Nam, trị giá 711 triệu USD; Fair Fax Asia Ltd mua 35% vốn của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV, trị giá 50 triệu USD; Dongbu Insurance (Hàn Quốc) mua 37% vốn của Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện; Keppel Lan mua 100% Empire City; Maple Tree Investment (Singapore) sở hữu 100% tòa nhà Kumho Asiana Plaza; Credit Saison mua 49% HDFinance; JX Nippon Oil and Energy trở thành cổ đông chiến lược của Petrolimex; ANA Holdings trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines; Taisho mua lại 24% cổ phần Dược Hậu Giang…

M&A xuyên biên giới không chỉ diễn ra theo chiều doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp Việt Nam mà còn diễn ra cả theo chiều ngược lại như: chủ sở hữu thương hiệu Nguyễn Kim đã mua 100% vốn của Zalora Việt Nam (thuộc Central Group), VNM mua 100% vốn của Công ty Drift Wood tại Mỹ. Các thương vụ này không chỉ nhằm mục đích hưởng lợi từ việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo quy định tại các hiệp định thương mại tự do khi xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia, mà còn hưởng lợi từ nền kinh tế đông dân, tầng lấp trung lưu đang tăng dần, cấu trúc hành vi tiêu dùng của người dân ở mức thấp và đang có xu hướng cải thiện, nhất là khu vực nông thôn.

Theo quan sát của BVSC, ngoài các lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ nêu trên thì nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, y tế, giáo dục, phát triển hạ tầng giao thông - những ngành nghề có lợi thế nhờ dân số đông và thu nhập trung bình đang tăng của Việt Nam, hay cảng biển - lĩnh vực có nguồn lực hữu hạn.

M&A xuyên biên giới dần phổ biến ảnh 1
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Khối Tư vấn, Công ty Chứng khoán Bảo Việt

Đáng chú ý, đối tượng của hoạt động M&A xuyên biên giới còn xuất hiện ở các công ty nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa, hoặc đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước muốn thoái vốn, chẳng hạn Petrolimex, Dược Hậu Giang, Vinamilk, Vietnam Airlines, dự báo sắp tới là Sabeco, Habeco. Với các cam kết mở cửa mạnh mẽ của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do, cũng như các quy định mới về quản lý vốn nhà nước và cổ phần hóa như Nghị định 91/2015/NĐ-CP, nhiều khả năng các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động M&A tại Việt Nam cho thấy, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua lại một doanh nghiệp nước ngoài thì chủ yếu mua là mua lại phần vốn góp của công ty mẹ tại một công ty đầu tư - như một công cụ có mục đích đặc biệt (SPV), mở tại các vùng lãnh thổ là “thiên đường thuế”; công ty tại Việt Nam như một công ty con của SPV.

Việc công ty mẹ thoái vốn là thoái sở hữu tại SPV không phát sinh giao dịch tại Việt Nam nên Nhà nước khó có thể thu được thuế. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua lại một doanh nghiệp Việt Nam thông qua mua phần vốn từ cổ đông trong nước thì Nhà nước thu được thuế từ cổ đông trong nước. Điều này vô hình trung tạo sự bất bình đẳng về thuế giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Do vậy, ở góc độ M&A xuyên biên giới, Việt Nam nên sửa đổi quy định về thuế trong chuyển nhượng vốn để không còn tình trạng bất bình đẳng trên. Đồng thời, nên nới lỏng các quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, về dịch chuyển luồng vốn, về quản lý ngoại hối, trừ các ngành nghề liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nên coi các hiệp định thương mại tự do là cơ hội nhiều hơn rủi ro. Đó là cơ hội để gia tăng quy mô, được quốc tế hóa, gia nhập vào chuỗi công ty đa quốc gia, gia tăng vị thế, thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị do được tiếp cận với cách thức quản trị tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó là cơ hội cho người lao động Việt Nam được đào tạo theo chuẩn thế giới, nâng cao năng suất lao động, ý thức lao động. Khi xác định được như vậy, doanh nghiệp sẽ dần dần tự chuẩn hóa được hoạt động, nâng cao tính minh bạch, cũng như kỹ năng của người lao động, từ đó tăng tính hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Nguyễn Minh Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục