M&A xanh, xu hướng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược và hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng không đứng ngoài xu thế “xanh hóa”.

M&A xanh được hiểu là hoạt động mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp dành sự quan tâm đến bảo vệ, cải thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm. Tại Việt Nam, thời gian qua, hoạt động M&A diễn ra sôi động trong lĩnh vực năng lượng và tiện ích - những ngành trụ cột trong chuyển đổi xanh.

Đối với ngành năng lượng, theo thống kê của Công ty Chứng khoán DSC, tổng giá trị các thương vụ đạt 758 triệu USD trong năm 2022. Năm 2023, M&A ngành năng lượng tương đối trầm lắng, một phần do kinh tế thế giới ảm đạm, ảnh hưởng tới dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; một phần do nhiều doanh nghiệp năng lượng trong nước sử dụng đòn bẩy tài chính cao gặp khó khăn khi thị trường trái phiếu bị “hãm phanh”. Tuy nhiên, về dài hạn, xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ là động lực lớn cho hoạt động M&A trong ngành năng lượng.

Đối với ngành tiện ích, hoạt động M&A diễn ra khá sôi nổi, đặc biệt là trong ngành nước, do tiềm năng phát triển lớn của ngành. Ngành tiện ích Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, đến từ Singapore, Nhật Bản… Đối với các doanh nghiệp trong nước, Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) có lẽ là bên hoạt động mạnh nhất trong năm 2023 khi đã thâu tóm, hoặc lên kế hoạch thâu tóm hàng loạt công ty con như Nước Long An, Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành…

Nhìn nhận về xu hướng M&A xanh, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, chuyển đổi công nghệ sản xuất ô tô đang là xu hướng lớn trên toàn thế giới. Dù hiện tại gặp không ít khó khăn, nhưng những gì Vinfast đã làm được trong những năm qua không thể không ghi nhận. Từ việc M&A rất nhiều doanh nghiệp trong chuỗi công nghệ sản xuất, phân phối xe điện, hiện Vinfast đã cơ bản hoàn thành giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất - phân phối ô tô điện, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở một số thị trường nước ngoài.

Hai “ông lớn” ngành ô tô hiện tại là Thaco và Huyndai Thành Công cũng rục rịch khởi động các dự án lắp ráp xe điện. Thị trường xe điện và M&A các doanh nghiệp liên quan trong chuỗi sản xuất, phân phối sẽ là mảng lớn trong bức tranh M&A xanh.

Ông Trần Việt Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, Việt Nam đang trong xu thế phát triển xanh, bền vững cùng với nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực như nông nghiệp, hạ tầng và năng lượng tái tạo. Ở thời điểm hiện tại, M&A xanh vẫn đang trong giai đoạn tạo lập, nên các tổ chức tư vấn đóng vai trò là cầu nối giúp gia tăng cơ hội tiếp cận dòng vốn xanh, bền vững từ các quỹ đầu tư và định chế tài chính quốc tế.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục