M&A sắp được trợ lực

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thông tin tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 cho thấy, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ được thúc đẩy bởi các bộ luật mới có hiệu lực từ đầu năm 2021.

Ảnh: Lê Toàn. Ảnh: Lê Toàn.

“Bình thường mới”, M&A sôi động hơn bình thường

Ngay sau khi nền kinh tế thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết đã nhanh chóng khởi động các hoạt động M&A bị gián đoạn trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thị trường chứng khoán ghi nhận hàng loạt thương vụ M&A trên nhiều lĩnh vực như tài chính, tiêu dùng, bất động sản, năng lượng, logistics… khi dịch bệnh được kiểm soát.

Các doanh nghiệp bất động sản đã nhanh chóng “chốt deal”. Ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư Công ty cổ phần đầu tư Nam Long (NLG) cho biết, Công ty đã chốt được thỏa thuận thương mại mua lại 2 dự án với quy mô 50 ha, giá trị 2.000 tỷ đồng mỗi dự án. Các điều khoản hợp đồng và thủ tục có thể hoàn thành cuối năm hay đầu năm sau.

Tháng 6, Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG) đã nhận chuyển nhượng Dự án khu căn hộ Sông Đà Riverside, khi chi 626 tỷ đồng để mua 99,9% vốn cổ phần Công ty Bất động sản Hiệp Phúc, công ty con của Quốc Cường Gia Lai (mã QCG).

Cùng tháng, Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) cũng công bố nhận chuyển nhượng 99% phần vốn góp tại Công ty cổ phần Bến Thành - Long Hải, đơn vị sở hữu Khu du lịch Bến Thành - Long Hải (tên thương mại Tropicana Beach Resort & Spa) và Wyndham Tropicana Resort & Villa Long Hải.

Thương vụ doanh nghiệp Việt “thâu tóm” dự án của công ty Nhật Bản thu hút sự chú ý của giới đầu tư là Tập đoàn Danh Khôi đã mua lại 100% nguồn vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier trở thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier.

Thương vụ thu hút sự chú ý là Tập đoàn Danh Khôi mua lại 100% nguồn vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier trở thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier.

Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi có cổ đông lớn là Công ty cổ phần Bất động sản Danh Khôi nắm 40% vốn. Netland (mã NRC) đang sở hữu 95% vốn Công ty cổ phần Bất động sản Danh Khôi.

Những lĩnh vực, ngành nghề hỗ trợ có liên quan đến khu công nghiệp như bất động sản khu công nghiệp, bất động sản nhà ở phục vụ cho chuyên gia, công nhân trong khu công nghiệp, logistic… cũng đang thu hút nhà đầu tư.

Trong tháng 8, Công ty cổ phần Giao nhận và vận chuyển In Do Trần (ITL Corp) đã hoàn tất mua lại Công ty cổ phần Kho vận Miền Nam (Sotrans Group, mã STG).

Bên cạnh đó là các thương vụ triệu USD ở những doanh nghiệp chưa niêm yết như Logos Property của Australia đầu tư 350 triệu USD liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam.

"Gã khổng lồ" kho bãi châu Á – GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam, hoặc Tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam.

Hay tháng 10 vừa qua, Công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh.

Trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán, hoạt động M&A cũng nóng lại. Công nghệ Tài chính Encapital và Encapital Holdings nhận chuyển nhượng 98,23% vốn của Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Nam (DNSE) từ tay 6 cổ đông lớn.

Thực hiện thương vụ từ hơn một năm trước, SJCS vừa chính thức “đóng deal” khi về tay Công ty Quản lý quỹ Asam Asset Management (Hàn Quốc) với sở hữu 80% vốn cổ phần.

Thương vụ ấn tượng nhất được công bố một ngày sau Diễn đàn M&A năm 2020 là IDS Equity Holdings - chuyên đầu tư vào những công ty gặp căng thẳng về tài chính – dẫn dắt một nhóm đầu tư để thâu tóm 51% cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) và 22,3% cổ phần tại công ty con của OGC là Công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ OCH (OCH).

Giá trị thương vụ ước tính 50 triệu USD. Việc thâu tóm OCH cho thấy, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng vào thời điểm mà ngành này đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid -19.

Ở lĩnh vực năng lượng, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital cho rằng, giãn cách xã hội lại là thuận lợi cho bên mua khi nhiều nhà đầu tư ngoại không sang Việt Nam để khảo sát được thương vụ.

Nhiều thương vụ khác đang được giới đầu tư ngóng đợi sẽ hoàn thành tới đây, như đợt bán vốn của Công ty Chứng khoán ACBS, được dự báo tạo lợi nhuận đột biến trong 2021 cho Ngân hàng ACB. Hay thương vụ VP Bank bán bớt vốn cổ phần tại Công ty tài chính FECredit; thương vụ Stada Đức công bố muốn nâng sở hữu 100% vốn tại Dược phẩm Pymepharco; SK (Hàn Quốc) tăng sở hữu tại Imexpharm, cũng như thương vụ còn đang “để lửng” tại DBD…

Trợ lực cho M&A

Tại Diễn đàn M&A 2020 diễn ra tuần trước, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế. Tuy nhiên, năm 2020, Việt Nam đã cơ bản đạt được “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát đại dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc bình thường là 5 tỷ USD.

Ảnh tác giả

Lần đầu tiên trong lịch sử, cả ba sắc luật quan trọng thường xuyên tác động trực tiếp đến hoạt động M&A có hiệu lực trong cùng một ngày 1/1/2021.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Sự thay đổi trong các luật này sẽ là trợ lực với hoạt động M&A. Đó là Luật Doanh nghiệp sẽ nâng cao mức độ bảo vệ quyền cổ đông/nhóm cổ đông nhỏ mà theo ngôn ngữ M&A gọi là “bên mua”.

Theo đó, quy định quyền cổ đông/nhóm cổ đông như đề cử vào hội đồng quản trị, triệu tập họp đại hội cổ đông, phải sở hữu 10% cổ phần trở lên và liên tục trong 6 tháng như hiện nay sẽ được bãi bỏ.

Điều này gây cản trở cho hoạt động M&A, bởi nhà đầu tư sau khi mua cổ phần không thể tiếp nhận, tham gia quản trị công ty ngay và thực hiện các quyền của mình, mà phải đợi đến 6 tháng sau.

Liên quan đến Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán, ông Hiếu nói: “Chính phủ cam kết ban hành danh mục theo nguyên tắc loại trừ, những ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư, hạn chế đầu tư (quy định rõ hạn chế gì, hình thức, quyền, sở hữu…)”.

Thêm vào đó, Luật Đầu tư mới cũng tạo ra cơ hội cho hoạt động M&A, khi bổ sung thêm lĩnh vực ưu đãi đầu tư, trong đó có sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ để tham gia chuỗi giá trị cho các ngành như hay lĩnh vực giáo dục có bổ sung giáo dục đại học, y tế bổ sung thêm trang thiết bị y tế…

Quan trọng là lần đầu tiên có khái niệm gói ưu đãi đặc biệt dành riêng cho từng loại dự án, từng nhà đầu tư. Trong đó, giới hạn ba lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển và ngành nghề có quy mô ưu đãi đầu tư vốn lớn. Ưu đãi đặc biệt là Chính phủ có thể quyết mức ưu đãi hơn bình thường.

Trong nỗ lực không ngừng nghỉ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ Việt Nam đã đặt cải cách thể chế là một trong những ưu tiên hàng đầu. Đây là điều kiện tiên quyết và theo ông Hiếu, trong 10 năm tới, M&A sẽ thuận lợi hơn về cả mặt chính sách và thị trường.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham cho biết, Việt Nam chiếm tỷ trọng 10% trong tổng đầu tư của EU vào ASEAN và kỳ vọng sẽ bùng nổ nhờ Hiệp định thương mại tự do EVFTA được thông qua. “Nhà đầu tư thường hỏi tôi lĩnh vực nào, tôi trả lời, ngoài các lĩnh vực hạn chế sở hữu, lĩnh vực nào cũng tiềm năng. Nhưng nếu Việt Nam cần nâng cao khả năng ban hành luật cũng như thực thi luật để thuyết phục nhà đầu tư từ EU”, ông Nicolas Audier nói.

Dựa trên số liệu chi tiết, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, tại Nhật Bản, xét về giá trị giao dịch, Việt Nam là thị trường mục tiêu đứng thứ hai với giá trị 282 triệu USD, cao hơn so với năm 2019.

Việt Nam cũng là điểm đến thứ 5 trên thế giới của doanh nghiệp Nhật Bản, xét về số lượng thương vụ (21 thương vụ), bắt đầu cạnh tranh với Anh quốc ở vị trí số 2.

Có thể nói, sự quan tâm từ nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam là rất lớn, ngay cả trong đại dịch, việc chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian.

Ông Masataka Sam Yoshida nhận định và cho rằng, một khi rào cản về các giải pháp phòng dịch (cách ly khi vào Việt Nam) được dỡ bỏ, một làn sóng lớn các công ty Nhật Bản chờ đợi để tiến hành các thủ tục đầu tư sẽ xuất hiện.

Ông Paul DiGiacomo, Giám đốc điều hành cấp cao, BDA Partners đánh giá, thị trường Việt Nam với cơ cấu dân số trẻ gia tăng, cùng khả năng chi trả ngày càng lớn – trở thành nền tảng để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư chiến lược, điển hình như các nhà đầu tư từ Thái Lan thời gian vừa qua.

"Tôi kỳ vọng nhiều hơn vào y tế, giáo dục, hạ tầng, giao thông và nhiều ngành mới sẽ có thêm nhiều xu hướng M&A. Về tiêu dùng, tôi tin rằng, sẽ có thêm nhiều việc hợp tác để hình thành các chuỗi lớn tại Việt Nam. Chẳng hạn, Samsung hiện diện nhiều hơn ở thị trường Việt Nam và sẽ thúc đẩy các chuỗi cung ứng ở Việt Nam sẽ tốt hơn”, ông Paul DiGiacomo nói.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục