Nhiều triển vọng
Báo cáo mới đây của JLL đã nêu rõ, từ năm 2014 đến 2017, nguồn cung không gian làm việc linh hoạt (bao gồm văn phòng dịch vụ và không gian co-working) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng đến 150%, số lượng nhà đầu tư cũng tăng gấp 2 lần.
Nhận thấy nhiều dư địa tăng trưởng, cả các thương hiệu toàn cầu và các nhà đầu tư địa phương đều tỏ ra hào hứng trong việc mở rộng quy mô, nhằm chiếm ưu thế tại các thị trường mới nổi, triển vọng.
Không gian làm việc chung đang ngày càng được ưa chuộng bởi tính linh hoạt của nó. Ảnh: JLL.
Mới đây, WeWork, công ty với trụ sở chính tại Mỹ đã mở chi nhánh trọng điểm ở Đông Nam Á. Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC cũng đã hợp tác với công ty bất động sản Frasers để rót vốn 177 triệu USD vào việc mở rộng JustCo trên khắp Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và Ấn Độ.
Trong khi đó, ở Úc, Dexus, nhà đầu tư địa phương hiện sở hữu 4 trung tâm lại đang có kế hoạch mở rộng hoạt động hơn nữa.
Gã khổng lồ bất động sản Hồng Kông (Trung Quốc) là Swire cũng không chỉ xây dựng không gian co-working của riêng mình (thương hiệu Blueprint), mà còn ký một thỏa thuận với WeWork và The Great Room để phát triển thêm không gian co-working có yếu tố ngoại.
Còn tại Singapore, nhà đầu tư Lendlease cũng đang phát triển thương hiệu Paya Lebar Quarter theo hướng dành 15% không gian văn phòng cho co-working. Ở Trung Quốc đại lục, Capitaland cũng đang phát triển một hình thức tương tự.
M&A co-working: Thị trường của kẻ mạnh
Thực tế, tại các thị trường cũng cho thấy, sự tăng trưởng nhanh chóng của dịch vụ không gian linh hoạt trong khu vực đã dẫn đến việc thị trường bị phân tán mạnh.
Thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) là một ví dụ khi trong số hơn 1.000 địa điểm không gian linh hoạt, có nhiều địa điểm rất nhỏ. Thực tế này dẫn đến xu hướng hợp tác, M&A để “gom” các không gian linh hoạt theo hướng tập trung, quy mô.
Tháng 4 vừa qua, nhà phát triển co-working lớn nhất toàn cầu là WeWork đã bỏ ra 400 triệu USD để mua lại Naked Hub (Trung Quốc). Ngay tại Trung Quốc, Ucommune, một nhà đầu tư co-working khác cũng đã tiếp quản các công ty nhỏ hơn như Woo Space, Wedo Coworking và New Space.
Đà Nẵng cũng đang là một thị trường tiềm năng cho không gian làm việc chung. Ảnh: Thành Nguyễn.
Theo đánh giá của ông Christopher Clausen, Phó giám đốc Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của JLL, với tình hình ngày càng nhiều nhà đầu tư mới mang theo các mô hình mới không gian linh hoạt gia nhập thị trường, sự cạnh tranh sẽ ngày càng tăng. Và trong đa số trường hợp, cán cân sẽ nghiêng về phía kẻ mạnh.
“Tình hình nhìn chung sẽ ổn cho các nhà đầu tư lớn với thương hiệu mạnh và cơ sở hạ tầng ở nhiều thành phố, cũng như những nhà khai thác nào có thể tìm cho mình một bản sắc riêng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nằm ở thế lấp lửng trong cuộc cạnh tranh này sẽ dễ trở thành mục tiêu cho các phi vụ tiếp quản”, ông Christopher Clausen cho biết thêm.
Sự đổi mới trong văn hóa làm việc và nhu cầu không gian linh hoạt tăng nhanh giúp Việt Nam trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư. Vì vậy, các nhà đầu tư quen thuộc như Toong, NakeHub hoặc DreamPlex đang tìm kiếm các không gian để mở rộng hoạt động tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng và TTP.HCM.
Riêng tại TP.HCM, giai đoạn từ năm 2014 đến 2017, mức tăng về nguồn cung không gian làm việc linh hoạt - bao gồm văn phòng dịch vụ và không gian co-working là 108%.
Các chuyên gia cho rằng, phân khúc này sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng do được sự hỗ trợ của chính phủ đối với các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thành phố hiện có tới 25 nhà khai thác không gian linh hoạt cao cấp, trong đó, có cả sự hiện diện của các thương hiệu lớn như: Regus, G-Office, Toong và Dreamplex.