Từ chuyện Thỏ - Rùa
Trong chúng ta, chắc hẳn hầu hết đều từng nghe và nhớ về câu chuyện Thỏ và Rùa. Người viết nhớ từ cách đây đâu mười mấy năm, có nghe một phiên bản khác, rộng và sâu hơn về cuộc đua này, mạo muội kể lại vắn tắt.
Lần 1 đua, rùa thắng. Thỏ tức, thỏ gạ rùa chạy lại. Lần 2, thỏ không lơ là, một mạch về đích. Và thỏ thắng. Đương nhiên rồi, rùa tuổi gì.
Lần này, rùa lại đề nghị đấu lần 3 phân định thắng thua. Và rùa là người chọn chặng đua. Thỏ đồng ý với ý nghĩ, chọn sao thì nó cũng chạy chậm hơn mình. Ai dè rùa dùng “trí khôn của ta đây”. Trong chặng đua, rùa chọn đích đến là bên kia bờ sông, và đương nhiên, đến bờ bên này thỏ khóc, chỉ còn biết ngó rùa chậm rãi qua sông. Lần này rùa lại thắng.
Biết thỏ ấm ức, rùa quay lại đưa thỏ qua sông, cả hai cùng về đích và thành bạn thân.
Nghe đâu, câu chuyện này từng được giám đốc chiến lược một hãng nước giải khát lớn dùng làm bài nói chuyện chính trong các chương trình đào tạo ở đơn vị mình.
Câu chuyện này mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ. Nào là mỗi bên đều có thế mạnh riêng, nào là tận dụng lợi thế so sánh, nào là muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau…
Câu chuyện “nắm tay nhau trên đường” đang trở thành một xu hướng, trong đó M&A được xem là hình thức ưu việt.
M&A để thay đổi
Tại diễn đàn M&A lớn nhất Việt Nam năm thứ 11 với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức đầu tháng 8, đã có nhiều chia sẻ thú vị từ đại diện các doanh nghiệp ưa thích M&A, trong đó câu chuyện từ kết hôn cho đến việc ăn đời ở kiếp cũng có nhiều ví dụ thú vị.
M&A đang là hình thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Ảnh: Shutterstock.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group, tác giả của nhiều thương vụ đình đám tại Việt Nam chia sẻ: "Cách đây 10 năm, với thương vụ Phở 24 - tôi là cổ đông trong đó. Chúng tôi xót xa là sau khi bán thì người mới không làm được những việc mà chúng tôi đã làm. Đó là câu chuyện khi bán. Còn khi mua, trường hợp khi chúng tôi mua lại Toàn Mỹ, quan điểm chung khi đó là không thể vượt qua khung bình quân của ngành".
"Tôi nhớ PE lúc đó cho ngành cơ khí chỉ khoảng 7-8, mà chúng tôi trả lên 11 cho vụ Toàn Mỹ. Vì Toàn Mỹ là thương hiệu tốt nhất trong ngành sản xuất đó. Kết quả đến nay, quyết định là chính xác. Hiện Toàn Mỹ là doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất bồn nước".
Chia sẻ về quan điểm phát triển doanh nghiệp thời kỳ hậu M&A, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Traphaco cho biết: "Chúng tôi luôn sẵn sàng thay đổi, nhưng cái gì có mà có giá trị thì phải giữ. Khi thực hiện thương vụ để hình thành chuỗi giá trị từ vùng trồng đến nhà máy, đến hệ thống phân phối nhưng Traphaco rất tôn trọng cái tên riêng của doanh nghiệp được mua, vì dược phẩm không dễ thay đổi, khi đơn vị dược tại các tỉnh có vị trí quan trọng với khu vực địa phương. Theo đó, chúng tôi đưa văn hoá công ty tới các công ty được M&A, sao cho lan toả văn hoá đó và tạo sự thống nhất, cái tên thì không thay, nhưng “ruột” thì thay".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co-op cho biết: "Auchan có giá trị thương hiệu rất lớn trên thế giới và mô hình bán lẻ của họ rất tốt, chúng tôi tiếp cận chuyển giao thương hiệu này với một sự tôn trọng rất lớn đối với đối tác, với đề nghị duy trì hình ảnh thương hiệu ở một thời lượng nhất định. Chúng tôi cũng biết được lý do vì sao họ rời thị trường Việt Nam và cũng tiếp nhận được nhiều giá trị tích cực của thương hiệu này. Đây là thương vụ chuyển nhượng thương hiệu khá khác biệt trên thị trường. Auchan sẽ cộng thêm giá trị cho Saigon Co-op".
Trước đó, khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sau khoảng hơn 10 năm diễn ra sôi động, các thành viên thị trường đã có những cái nhìn cởi mở hơn với M&A.
M&A từ nỗi sợ bị thao túng, bị doanh nghiệp khác “ăn” mất mình, đến nay đã trở thành một hình thức được yêu thích. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chủ động sửa mình để hy vọng có ngày được mua.
Khi nói về thất bại của Nokia, thương hiệu điện thoại nổi tiếng nhất toàn cầu một thời, chính CEO của doanh nghiệp này đã phải cay đắng thốt lên: “Chúng tôi không làm gì sai cả, nhưng biết phải làm sao, chúng tôi đã thất bại".
Trong thời đại số và cuộc đua công nghệ như vũ bão, thì chia sẻ của CEO Nokia rất thấm thía, chỉ cần đứng im, không thay đổi hoặc chậm thay đổi hơn so với xu thế của thời đại, của các doanh nghiệp cạnh tranh, thì chắc chắn sẽ gánh chịu thất bại.