Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành khu vực phát triển năng động, ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đầu tư nước ngoài đã tạo ra một phương thức thu hút đầu tư mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, đồng thời góp phần quan trọng trong việc gia tăng tỷ trọng xuất khẩu. Chưa kể, đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Hiện nay, 58,2% vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng…
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011 - 2016, nhiều dự án quy mô lớn có vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên đã làm cho Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao của thế giới như điện thoại di động thông minh, máy tính bảng, công nghệ thông tin.
Với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế để gia tăng hiệu quả, đầu tư nước ngoài góp phần nhất định vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ tiên tiến, giống cây, con có năng suất chất lượng cao.
Mặc dù còn tồn tại nhiều hạn chế như ô nhiễm môi trường, trốn thuế, lậu thuế, tranh chấp lao động, nhưng các số liệu kể trên đã chứng minh cho kết quả không thể phủ nhận và những đóng góp quan trọng của FDI đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay dòng vốn FDI đang không ngừng gia tăng và có xu hướng chuyển dịch rất rõ ràng tới những khu vực có điều kiện, môi trường đầu tư thân thiện, hiệu quả và an toàn, với những hình thức đầu tư rất mới mẻ, vì vậy cần có những định hướng chính sách mới để thu hút được dòng vốn này.
Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến Định hướng thu hút FDI do báo điện tử Nhadautu.vn tổ chức mới đây, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh đến 4 yếu tố cần định hình để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới. Đó là yêu cầu về phát triển bền vững trên cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường; khu vực kinh tế tư nhân cần phát triển vượt bậc; thu hút FDI ngày càng chất lượng, chọn lọc; và tận dụng những cơ hội, lợi thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tại Việt Nam.
Đặc biệt, ông Quang nhấn mạnh một thay đổi rất đáng lưu tâm trong dịch chuyển dòng vốn FDI là sự gia tăng nhanh của hoạt động góp vốn và mua cổ phần (M&A), ước đạt 4,16 tỷ USD từ đầu năm đến nay và sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm 2017.
“Xu hướng này sẽ ngày càng mạnh hơn, khiến đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang mất dần ranh giới. Điều này sẽ tác động tới chính sách thu hút FDI trong giai đoạn tới”, ông Quang chia sẻ.
Tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài dẫn nhận định của GS. Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, ngành công nghiệp.
Ông cũng cảnh báo các công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra lo ngại về an ninh, cũng như khoảng cách giàu nghèo nếu không được kiểm soát tốt, từ đó có những tác động tới xu hướng dòng vốn FDI.
Trong bối cảnh này, GS Mại cho rằng, trong khi vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển, cần ưu tiên thu hút FDI tại một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Bên cạnh đó, nếu vẫn coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cần chú trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. GS Mại cũng lưu ý, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương.