Ngân hàng yếu kém có bến đỗ mới
Nhìn lại 7 năm qua, kể từ khi các ngân hàng CBBank, OceanBank, GPBank bị mua bắt buộc 0 đồng do thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, lộ trình tái cơ cấu chưa đạt được nhiều kết quả, dù một số đối tác, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài quan tâm tham gia.
Đại dịch Covid-19 ập đến kéo theo khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và các tập đoàn đa quốc gia, nên kế hoạch kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài đã có những thay đổi đáng kể. Vì vậy, phương án bán ngân hàng yếu kém cho nhà đầu tư ngoại khó thành công, hướng giải quyết là bán hoặc sáp nhập vào các ngân hàng trong nước có tiềm lực mạnh.
Sau khi OceanBank được MB và CBBank được Vietcombank đón nhận để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo thì GPBank dường như cũng đã có một bến đỗ. Với Dong A Bank, đơn vị nhận nhiệm vụ hỗ trợ là HDBank.
Ngoài 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thuộc tốp đầu hiện nay như MBBank, VPBank, Techcombank, HDBank... cũng có đủ khả năng để tham gia nhiệm vụ này. Sau khi OceanBank được MB và CBBank được Vietcombank đón nhận để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo thì GPBank dường như cũng đã có một bến đỗ.
Mới đây, tại lễ công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao của GPBank, điều thu hút sự chú ý của thị trường là sự tham gia của đại diện lãnh đạo VietinBank và VPBank. Tại sự kiện, ông Phạm Huy Thông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Hồ Hữu Minh giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc, ông Nguyễn Quang Trung giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên, bà Nguyễn Thị Hương giữ chức vụ Phó tổng giám đốc GPBank. Trong đó, ông Phạm Huy Thông từng là người gắn bó với VietinBank nhiều năm. Tương tự, ông Hồ Hữu Minh là một cán bộ cũ của VietinBank.
Thực tế cho thấy, trường hợp nhân sự của một ngân hàng lớn tham gia tái cơ cấu ngân hàng “0 đồng” và về sau ngân hàng đó được giao chính thức về tay ngân hàng mẹ đã diễn ra tại Vietcombank, với các nhân sự được biệt phái nhiều năm qua CBBank. Do đó, giới phân tích tài chính đồn đoán VietinBank sẽ tham gia tái cơ cấu GPBank, nhưng đến nay điều này chưa trở thành hiện thực.
Trong nhóm các ngân hàng trình đại hội cổ đông chương trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém năm 2022, ngoài Vietcombank, MB và gần nhất là HDBank đã “nhắm” địa chỉ cụ thể, thì VietinBank không có chương trình này. Trong khi đó, VPBank đã được Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Nhiều chuyên gia cho rằng, VPBank có thể sẽ tham gia tái cơ cấu GPBank.
Theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Nếu GPBank có bến đỗ mới, đồng nghĩa tất cả các tổ chức tín dụng yếu kém trong hệ thống đã hoàn tất bước khởi đầu mới theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
Với OceanBank, ngân hàng này được cho là sắp về với MB. Tại Đại hội cổ đông năm 2022, MB đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Còn tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB và ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành kiêm Giám đốc khối CIB của MB đều tham dự.
Khi đó, lãnh đạo OceanBank cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là phối hợp với MB triển khai chương trình cho vay hợp vốn, kể cả cho vay bán lẻ; nghiên cứu phát triển một số sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh. Tổng giám đốc MB cho hay, việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ.
Về giá chuyển nhượng, lãnh đạo MB chia sẻ, mức giá nhận chuyển giao sẽ là 0 đồng, tuy nhiên, Ngân hàng phải xử lý lỗ lũy kế. Điều kiện MB đưa ra là ngân hàng chuyển giao bắt buộc có số lỗ lũy kế dưới 20.000 tỷ đồng. Theo tính toán, MB chỉ mất 7 - 8 năm là có thể xử lý hết số lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao bắt buộc, sau đó sẽ được xử lý theo 3 phương án: sáp nhập vào MB, bán cho nhà đầu tư khác, hoặc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để thành lập một ngân hàng mới.
Một ngân hàng yếu kém khác là Dong A Bank, đơn vị nhận nhiệm vụ hỗ trợ là HDBank.
Chờ các thương vụ M&A tỷ USD
Ngay từ những tháng đầu năm 2022, thị trường tài chính Việt Nam đã chứng kiến các động thái mua bán - sáp nhập (M&A) quy mô lớn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Trong đó, VPBank muốn bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài, với cái tên được đồn đoán là SMBC, nên đã nâng tỷ lệ sở hữu tối đa (room) của nhà đầu tư nước ngoài từ 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Không tiết lộ thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn cho khối ngoại, nhưng đại diện VPBank cho biết, việc này sẽ thực hiện trong năm 2022 hoặc 2023.
Về phía SMBC, mới đây, Hội đồng quản trị Eximbank thông báo, ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên, ủy viên các hội đồng, ủy ban trực thuộc Ngân hàng, kể từ ngày 14/9/2022. Trước đó, tháng 2/2022, ông Hiển là Giám đốc điều hành Bộ phận Tài trợ thương mại toàn cầu tại SMBC được SMBC đề cử tham gia Hội đồng quản trị Eximbank.
Đáng lưu ý, giữa tháng 3/2022, SMBC có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank, khiến thị trường đồn đoán rằng, nhà đầu tư Nhật Bản này sẽ thoái 15% vốn tại Eximbank để mở đường rót vốn vào VPBank, nhất là sau khi mối quan hệ hai bên trở nên gắn bó sau thương vụ SMBC hoàn tất mua 49% vốn điều lệ FE Credit (công ty tài chính thuộc VPBank).
Một số thương vụ M&A giá trị tỷ USD khác có thể diễn ra trong thời gian tới như Vietcombank có kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, nếu thành công ước tính sẽ thu về xấp xỉ 30.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, HDBank đang được đánh giá cao về khả năng bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, bởi Ngân hàng có triển vọng được nới room ngoại lên 49% theo lộ trình quy định tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.
Hồi giữa tháng 7, PwC nhận định, bất chấp những trở ngại về kinh tế vĩ mô, năm 2022 sẽ là một năm sôi động đối với các giao dịch M&A tại Việt Nam. Hoạt động M&A tiếp tục thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài.
Trước đó, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia dự báo, hoạt động M&A trong ngành tài chính ở Việt Nam sẽ duy trì tình trạng sôi động. Lý do là số lượng ngân hàng tham gia thị trường vẫn lớn, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và các ngân hàng nhỏ yếu kém sẽ khó tránh khỏi M&A.
Tuy nhiên, theo giới phân tích tài chính, để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại tham gia vào các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, room ngoại nên được nới lên trên mức 30% hiện nay.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng, nới room ngoại sẽ giúp các ngân hàng trong nước thay đổi về chất và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Sự kiện thường niên uy tín về M&A và kết nối đầu tư do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thảo luận chuyên sâu các cơ hội khi hoạt động M&A tại Việt Nam tiếp tục thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư tư nhân có lượng tiền dự trữ dồi dào.
Chi tiết xem tại: https://vir.com.vn/data/VIR-Events/mavietnam/index.html