Chờ thương vụ IPO “bom tấn” phá băng thị trường vốn

0:00 / 0:00
0:00
Cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử, logistics, giao hàng nhanh… “đỏ rực”, khiến các đối thủ đều tìm cách đẩy nhanh quá trình IPO. Thị trường vốn toàn cầu cũng đang chứng kiến nhiều thách thức, bất ổn và rất chờ đợi những thương vụ IPO “bom tấn”.
Để huy động vốn và tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực logistics, Giao hàng Tiết kiệm đang nhắm đến đợt IPO vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 Để huy động vốn và tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực logistics, Giao hàng Tiết kiệm đang nhắm đến đợt IPO vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023

Gọi vốn, IPO để chạy đua giành thị phần

Một năm trước, “đại gia” logistics DHL quyết định “khai tử” mảng dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) sau 4 năm đua tranh khốc liệt ở Việt Nam.

Ra mắt vào tháng 7/2017, DHL eCommerce Solutions được thiết kế “đo ni đóng giày” cho phù hợp với sự bùng nổ TMĐT hiện nay, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến vừa, nhỏ và lớn gia tăng thị phần trong phân khúc TMĐT tại Việt Nam.

Lúc đó, DHL eCommerce cho biết sẽ đầu tư mạnh mẽ để có được thị phần tốt tại Việt Nam. Công ty có kho bãi đặt tại 2 thành phố lớn nhất nước và các trung tâm phân phối trên cả nước. Như các công ty giao hàng khác, DHL eCommerce nhận giao hàng thu hộ tiền (COD).

Đến giữa năm 2018, DHL eCommerce tiết lộ, đã bắt kịp các đối thủ trên thị trường và chuyện vượt qua chỉ là vấn đề thời gian, nhưng rồi sau đó đột ngột thông báo sẽ đóng mảng dịch vụ này tại thị trường Việt Nam.

Lý do được DHL eCommerce đưa ra là thường xuyên xem xét lại môi trường kinh doanh cũng như hoạt động vận hành của mình. Tại thời điểm này, họ chỉ quyết định sẽ ngừng dịch vụ chuyển phát bưu kiện trong nội địa Việt Nam của DHL eCommerce Solutions.

Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên môn, gánh nặng chi phí tại thị trường Việt Nam thuộc hàng lớn nhất khu vực. Chi phí logistics/GDP của Việt Nam ở mức hơn 20%, cao gấp đôi so với mức trung bình của thế giới, do hạ tầng còn hạn chế. Thói quen nhận hàng mới thanh toán tiền mặt phổ biến tại Việt Nam cũng có thể gây nhiều rắc rối, tăng chi phí vận hành.

Vào thời điểm DHL eCommerce mở dịch vụ, thị trường chưa xuất hiện những tập đoàn logistics ngoại đầu tư vào Việt Nam theo kiểu “đốt tiền”, nghĩa là rót vốn rất nhanh và mạnh với mục tiêu giành thị phần, chấp nhận lỗ trong thời gian dài. Có thể thấy, một doanh nghiệp chú trọng nhiều về lợi nhuận như DHL không thích hợp trên “mặt trận” này.

Thực tế, báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất từ các doanh nghiệp đã cho thấy, e-logistics trở thành “mặt trận” tiếp theo trong cuộc chiến “đốt tiền” trên thị trường TMĐT. Doanh nghiệp nào mở rộng càng nhanh, mức lỗ càng lớn.

Mức lỗ của doanh nghiệp trong lĩnh vực này trong năm 2020 - 2021, thậm chí cả năm 2022 ngày càng tăng. Bởi đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp đổ hàng triệu USD đầu tư cho các kho bãi quy mô lớn, trong khi ảnh hưởng của dịch cũng phát sinh nhiều loại chi phí trong ngắn hạn, chưa kể tình trạng lạm phát, bất ổn địa chính trị...

Dẫu vậy, sự rút lui của một “tay chơi” cũng không gây ảnh hưởng tiêu cực quá lớn đến tiềm năng của thị trường Việt Nam. Thị trường TMĐT, bán lẻ trực tuyến và chuyển phát nhanh tại Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ, mức độ cạnh tranh “đỏ rực”, được dự báo đạt quy mô khoảng 2,19 tỷ USD vào năm 2027.

Theo ước tính của Do Ventures, chỉ tính đến năm 2020, ở Việt Nam đã có ít nhất 50 công ty khởi nghiệp đang cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi trong lĩnh vực e-logistics. Một số đối thủ cạnh tranh đáng chú ý nhất gồm GHN được hậu thuẫn bởi Temasek, J&T Express, Ninja Van và Shopee Express thuộc Shopee. Chưa kể các tên tuổi như ViettelPost,

VNPost, Ahamove, BEST Express, Lalamove… Các ứng dụng di chuyển như Grab, Gojek, Be… cũng nhảy sang cung cấp dịch vụ giao hàng, kết nối trực tiếp khách hàng với tài xế có vị trí gần nhất, cạnh tranh về dịch vụ chuyển phát nhanh với cự ly ngắn trong thành phố.

Đó là một trong nhiều lý do khiến các tên tuổi buộc phải đẩy nhanh quá trình IPO trong và ngoài nước.

Chẳng hạn, thương vụ Tập đoàn Shinhan Financial Group (Hàn Quốc) trở thành cổ đông lớn thứ ba của Tiki sau khi là đối tác chiến lược mua 10% cổ phần hồi tháng 5/2022 đã giúp Tiki đẩy nhanh kế hoạch IPO tại Mỹ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tiki đã huy động thành công khoảng 450 triệu USD, với mức định giá tính tới tháng 12/2021 là 832 triệu USD. Gần đây nhất, tháng 11/2021, Tiki huy động thành công 258 triệu USD trong vòng đầu tư do AIA Insurance dẫn dắt, mục đích nhằm mở rộng thị phần TMĐT cũng như phục vụ kế hoạch IPO trong tương lai.

Việc Tiki liên tục gọi vốn quốc tế thành công cho thấy niềm tin của thị trường vốn toàn cầu vào sự tăng trưởng và tiềm năng của Việt Nam. Tiki dự định niêm yết tại Mỹ vào năm 2025, nhưng ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập, kiêm CEO Tiki muốn đẩy kế hoạch này lên sớm 1 năm, có thể IPO thông qua hình thức SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt).

Ông Trần Ngọc Thái Sơn từng chia sẻ, việc kêu gọi đầu tư từ các quỹ đã dần kém hiệu quả, do Công ty lỗ liên tục. Việc IPO thành công tại Mỹ có thể mang lại lợi ích lớn trong việc huy động vốn cho Tiki. Nếu IPO thành công, Tiki có thể mở đường cho dòng đầu tư nước ngoài tăng cường vào lĩnh vực công nghệ non trẻ của Việt Nam.

Trong khi đó, một tên tuổi khác là Giao hàng Tiết kiệm cũng đang nhắm đến đợt IPO trong nước vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 để huy động vốn và đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực logistics, với mức định giá lên tới 1 tỷ USD.

Có nhiều thông tin cho thấy, các nhà đầu tư ngoại vào Giao hàng Tiết kiệm đã có cơ cấu phân chia cổ phần trước khi IPO. Cụ thể, Giao hàng Tiết kiệm đã về tay SEA Ltd. hay Kerry Logistics.

Cụ thể, trong một tài liệu có tên Project GNext được gửi tới các nhà đầu tư tiềm năng, Giao hàng Tiết kiệm đang rao bán khoảng 23% cổ phần trong đợt mở bán thứ hai. Tech in Asia cho biết, SEA Group là nhà đầu tư muốn bán khoảng 20% cổ phần của Giao hàng Tiết kiệm. Thế nhưng, năm 2019, Báo cáo tài chính của SEA (Tencent - Trung Quốc) thể hiện số cổ phần mà SEA nắm giữ tại một tổ chức liên kết ở Việt Nam là 78,46%, trùng với số cổ phiếu ẩn danh thuộc tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ tại Giao hàng Tiết kiệm.

Tháng 6/2020, 42% cổ phần của Giao hàng Tiết kiệm đã được chuyển nhượng cho Parcel (Singapore). Trong Báo cáo tài chính 2020 của Tập đoàn chuyển phát Kerry Logistics (Hồng Kông) thể hiện sở hữu 42% của Giao hàng Tiết kiệm. Đến tháng 2/2021, doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu Trung Quốc là SF Holding đã mua lại 51,8% của Kerry Logistics với kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Người trong cuộc là ông Phạm Hồng Quân, Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Giao hàng Tiết kiệm không phủ nhận chuyện này, mà chỉ khẳng định với giới truyền thông rằng, Giao hàng Tiết kiệm sẽ là công ty của Việt Nam, do người Việt lãnh đạo và phát triển bằng công nghệ Việt. Cổ đông ngoại sẽ không giữ quá 49% cổ phần và chỉ có vai trò đối tác tài chính.

Chờ “tàu phá băng”

Hầu hết các nhà tư vấn về thị trường vốn và IPO đều cho rằng, vào thời điểm này, các bên tham gia thị trường phải rất cẩn trọng vì lãi suất tăng cao, bức tranh lạm phát rõ nét và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ khiến việc thu xếp vốn cho các thương vụ IPO gặp khó khăn.

Theo báo cáo của EY toàn cầu, kết thúc quý III/2022, thị trường IPO toàn cầu tiếp tục giảm mạnh, với tổng cộng 992 vụ IPO, huy động được 146 tỷ USD, giảm lần lượt 44% và 57% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Mỹ lập kỷ lục về số tiền thu được từ IPO thấp nhất kể từ năm 2003. Thị trường suy giảm mạnh vì các công ty IPO và nhà đầu tư phải đối mặt với những thách thức kinh tế vĩ mô ngày càng tăng, những bất ổn thị trường, cổ phiếu toàn cầu đi xuống…

Đáng chú ý, vừa qua, thị trường vốn toàn cầu cũng chứng kiến ​​số tiền thu được từ IPO qua hình thức SPAC thấp nhất kể từ quý III/2016. Thậm chí, các tổ chức phải hủy bỏ SPAC vì gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mục tiêu phù hợp. Thị trường SPAC liên tục gặp thách thức trong quý này với chỉ 17 giao dịch, tăng 0,9 tỷ USD.

Ông Paul Go, Trưởng nhóm IPO toàn cầu của EY cho rằng, những bất ổn là thách thức lớn nhất của thị trường IPO. Các nhà đầu tư, tư vấn, hay các công ty có kế hoạch IPO đều chờ đợi trong quý IV/2022 sẽ có thương vụ IPO kiểu “tàu phá băng”, mở đường.

Ở châu Mỹ, các con đường IPO đang chờ thị trường mở cửa trở lại vào năm 2023. Ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi, điều kiện thị trường khó khăn tiếp tục siết chặt các cơ chế IPO. Trong khi đó, ở châu Á - Thái Bình Dương, trong khi hồ sơ công khai cho các đợt IPO vẫn chưa được thu hút, các công ty vẫn lên kế hoạch IPO cho năm 2023.

Theo ông Paul Go, đầu năm 2022, nhiều công ty đã tạm hoãn kế hoạch IPO để chờ điều kiện thị trường thuận lợi hơn. Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh theo chiều hướng giảm xuống, các đợt IPO “bom tấn” đang rất được chờ đợi nhằm giúp thị trường cải thiện và có thể đảo ngược tâm lý, thu hút nhiều công ty hơn.

“Các ứng cử viên IPO muốn niêm yết cổ phiếu ra công chúng sẽ cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng khi tái tham gia thị trường, vì họ sẽ phải đối mặt với mức định giá thấp hơn nhiều so với mức cao của năm 2021”, chuyên gia từ EY toàn cầu cảnh báo.

Báo cáo của EY toàn cầu cho thấy, từ đầu năm đến nay, lĩnh vực công nghệ tiếp tục dẫn đầu về số lượng IPO, mặc dù quy mô giao dịch trung bình đã giảm từ 261 triệu USD xuống còn 123 triệu USD.

So với cùng kỳ năm 2021, hoạt động IPO của khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi giảm lần lượt 50% và 52% về số lượng và số tiền thu được; khu vực châu Âu giảm 76% số tiền thu được; Trung Đông tiếp tục là điểm sáng hiếm hoi với số tiền thu được tăng 209%, mặc dù số lượng giao dịch giảm 51%.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và các vấn đề địa chính trị, nên các sàn giao dịch hoạt động tương đối tốt, chiếm 5 trong số 10 thị trường IPO hàng đầu toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, khu vực này đóng góp lần lượt 61% và 69% thị phần toàn cầu cho các đợt IPO và số tiền thu được, song vẫn ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ là 25% theo số lượng giao dịch và 22% theo quy mô giao dịch.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục