Mã chứng khoán, những nhầm lẫn tai hại

(ĐTCK) Không chỉ hành vi cố tình sai phạm hay lừa đảo của cá nhân, tổ chức mà sự nhầm lẫn ngẫu nhiên giữa tên hai công ty, nhãn hiệu hay mã chứng khoán đều có thể gây ra thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trên thị trường có không ít mã cổ phiếu và tên viết tắt của doanh nghiệp dễ gây nhầm lẫn Trên thị trường có không ít mã cổ phiếu và tên viết tắt của doanh nghiệp dễ gây nhầm lẫn

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung, một doanh nghiệp khai khoáng khác vừa lên tiếng về việc bị MTM mạo danh. Cụ thể, CTCP Khoáng sản miền Trung (có tên viết tắt là MTM) cho biết, CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (mã chứng khoán MTM) đã lấy các hình ảnh về nhà máy, trụ sở làm việc của Công ty đưa lên website. Theo lãnh đạo CTCP Khoáng sản miền Trung, việc MTM sử dụng hình ảnh của Công ty, cũng như tên mã cổ phiếu trùng với tên miền, nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ của Công ty đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (Báo Đầu tư Chứng khoán số ra ngày 8/8/2016 đã có bài viết phản ánh).

Từ câu chuyện trên của MTM, nhìn lại những vụ việc trong quá khứ trên thị trường chứng khoán, dù không có yếu tố chủ đích, tuy nhiên, sự trùng hợp ít nhiều về mã chứng khoán, nhãn hiệu hay tên doanh nghiệp đã gây ra những nhầm lẫn, dẫn tới nhiều hệ quả đối với bản thân doanh nghiệp và cả nhà đầu tư.

Chẳng hạn, cuối năm 2010, Công ty Bảo hiểm AAA đã phải phát đi thông báo để giải thích cho việc doanh nghiệp này chưa lên sàn và bị nhầm lẫn với cổ phiếu AAA của CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát. Nguyên nhân là vào năm 2010, thông tin AAA bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo xử phạt 100 triệu đồng khiến Bảo hiểm AAA bỗng dưng phải đối mặt với phản ứng của nhiều khách hàng và cổ đông. Theo lãnh đạo Bảo hiểm AAA, vụ việc này ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và hoạt động kinh doanh của Công ty, vì AAA là chỉ dẫn thương mại gắn liền với tên thương mại, biểu tượng kinh doanh của Công ty từ lâu.

Liên quan đến nhà đầu tư, do nhầm lẫn mã cổ phiếu mà năm 2011, bà Lê Thị Phương Hoa, một cổ đông nội bộ của CTCP Điện lực Khánh Hòa (KHP) bị Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đưa vào danh sách vi phạm công bố thông tin do mua cổ phiếu KHP mà không thông báo trước khi giao dịch. Về việc này, bà Hoa cho biết, bà đã đặt lệnh nhầm mã KHA của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội thành KHP khi giao dịch.

Trên các diễn đàn chứng khoán, không ít nhà đầu tư chia sẻ câu chuyện “hên xui” khi đặt nhầm lệnh mua với những mã cổ phiếu gần giống nhau như TMC với TCM; SFC với VFC...

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện nay, trên thị trường chứng khoán có không ít trường hợp mã cổ phiếu và tên viết tắt của các doanh nghiệp dễ gây nhầm lẫn. Chẳng hạn, Tổng công ty Xây lắp dầu khí (mã chứng khoán là PVX) có tên viết tắt là PVC, trùng với mã chứng khoán của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí. Tương tự, Công ty Chứng khoán TP. HCM (mã chứng khoán là HCM) có tên viết tắt là HSC, trùng với mã chứng khoán của CTCP Hacinco. Hay Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội có mã chứng khoán là NHA, dễ gây nhầm lẫn với mã NHN của CTCP Phát triển đô thị Nam Hà Nội.

Bên cạnh đó, một số mã cổ phiếu có ký tự gần giống nhau và cách đọc na ná nhau như: VCS của Vicostone và VSC của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam; VCG của Vinaconex và VGC của Viglacera; SCR của Địa ốc Sài Gòn Thương Tín và SRC của Cao su Sao Vàng; TTP của Bao bì Nhựa Tân Tiến và TPP của Nhựa Tân Phú. Cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành cấp nước với đuôi “W” như TDW, BDW, GDW, NTW, BTW cũng rất dễ gây nhầm lẫn.

Các vụ việc nhầm lẫn mã cổ phiếu không diễn ra thường xuyên và trở thành câu chuyện nổi cộm trên thị trường, nhưng khi xảy ra thì hậu quả là không nhỏ. Về vấn đề này, chuyên gia chứng khoán Huy Nam đặt vấn đề: “Việc đặt mã cổ phiếu không nên an bài, có cần gò bó chỉ 3 hay mở ra cho doanh nghiệp được tùy chọn là 1, 2, 3, 4 ký tự để có chút riêng, tránh đồng phục hoa mắt?”.    

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục