Lý Sơn: Đảo “mồ côi” bừng tỉnh

41 năm sau ngày giải phóng, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có những bước phát triển vượt bậc và có sức hút kỳ lạ với du khách.     
Lý Sơn từ một hòn đảo hoang vu, nay hàng năm đón trên 95.000 lượt khách. Lý Sơn từ một hòn đảo hoang vu, nay hàng năm đón trên 95.000 lượt khách.

Huyện đảo Lý Sơn mang nhiều tên gọi dung dị, mộc mạc, một trong những cái tên ấy là đảo… mồ côi. “Mồ côi” ở đây là chỉ một đặc sản về nông nghiệp - tỏi mồ côi (còn gọi là tỏi cô đơn, tỏi một tép), được sản sinh ra từ mồ hôi, nước mắt và chắt lọc tinh túy của vùng đất cát nắng chói chang miền Trung.

Hòn đảo căng tràn sức sống

Cách đất liền gần 30 km, đảo Lý Sơn bây giờ đã bớt cách trở hơn, hàng ngày có 4 chuyến tàu cao tốc từ đất liền ra đảo và ngược lại. Gần như ngày nào cũng có khách du lịch từ đất liền ra đảo. Hòn đảo “mồ côi” chính vì vậy mà nhộn nhịp hẳn lên.

Mùa này, biển lặng, trên hải trình ra đảo Lý Sơn, hành khách mê mải ngắm những đàn cá bơi lượn trong làn nước xanh biếc, lẩn khuất bên những rạn san hô, cảnh đẹp như chốn long cung. 

Tàu cập cảng, du khách đặt chân lên đảo, hít thở không khí trong lành và đón nhận ánh mắt, nụ cười thân thiện trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của những cư dân nơi đây.

Bên mép sóng, những công trình đang được hối hả dựng xây, xe máy nối đuôi nhau vào ra ẩn hiện trên công trường. Những nhà hàng, khách sạn quy mô, khang trang nổi bật giữa một vùng trời nước xanh trong, khiến cho hòn đảo quanh năm bị sóng gió bủa vây trở nên lãng mạn, mềm mại và yên bình đến lạ.

Tuyến đường dẫn từ cầu cảng lên khu trung tâm hành chính huyện Lý Sơn dài chừng 7 km, đã được nâng cấp, mở rộng, thảm bê tông phẳng lì. Bên dưới là hệ thống đường ống ngang dọc, dẫn nguồn nước sinh hoạt sạch đã qua xử lý về các nhà dân.

Ven đường, nhiều hàng quán mọc lên, bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đặc sản của đảo. Những vỏ ốc từng nằm yên trong lòng biển, nay được chế tác thành những món đồ trang sức bắt mắt, tấp nập người vào ra như những phố kinh doanh trong đất liền. Đặc biệt là tỏi đen, loại tỏi có tác dụng chống ung thư, rất thu hút khách mua sắm.

Đến đảo Lý Sơn giữa những ngày tháng Tư lịch sử, mới chớm hè mà tiết trời đã khá oi bức, nhưng những rặng dừa xanh ngút ngàn tỏa bóng mát dọc lối đi, đem lại một không khí dịu mát và yên bình. Những thửa ruộng tỏi, hành, bắp mơn mởn, tạo nên những mảnh xanh căng tràn nhựa sống.

Trời về chiều, những tia nắng cuối ngày xuyên qua mặt biển xanh biếc, phản chiếu vào những tảng đá, tạo thành một khung cảnh lung linh huyền ảo, du khách như lạc vào chốn “bồng lai”.

Đêm ở Lý Sơn, vào những ngày rằm, trăng tròn vành vạnh tỏa ánh sáng dát bạc trên mặt biển lung linh huyền ảo. Gió từ biển thổi vào mát rượi, âm thanh rì rào của sóng biển như bản nhạc ru hòn đảo mơ màng vào giấc ngủ bình yên.

Thành phố giữa trùng khơi

Ngày mới ở Lý Sơn bắt đầu bằng những tiếng í ới gọi nhau ra cầu cảng đón tàu về. Những tàu đánh bắt đêm thường về bến khi trời còn tối sẫm. Những người vợ giúp chồng chuyển cá từ khoang thuyền vào cầu cảng, ánh mắt ngời sáng vì một chuyến đánh bắt thành công. Những mẻ cá tươi nguyên, cá nhảy lao xao hấp dẫn người mua. Những người buôn bán lẻ đổ xô lại cân cho kịp giờ chợ sớm, đảo khi ấy mới chính thức bình minh.

Ngư dân Lý Sơn vốn có truyền thống đánh bắt xa bờ, xưa kia triều đình đã lập những hải đội đều là dân ở Lý Sơn, ra Hoàng Sa để khai thác sản vật, khẳng định chủ quyền. Ngày nay, ngư dân Lý Sơn vẫn anh dũng bám biển, vươn khơi, làm giàu cho quê hương đất nước.

41 năm sau giải phóng, Lý Sơn từ một hòn đảo hoang vu, nay hàng năm đón trên 95.000 lượt khách. Thu nhập người dân từ chỗ bấp bênh, không ổn định, đến nay, GDP bình quân đầu người đạt trên 21 triệu đồng/năm.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết, ngay từ những ngày đầu giải phóng, các thế hệ lãnh đạo của Lý Sơn đã xác định hướng đi và liên tục điều chỉnh cơ cấu kinh tế sao cho hợp lý, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về nông, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Mấy năm nay, du lịch ở đảo rất phát triển, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn xác định đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn và tập trung đầu tư.

Tốc độ phát triển du lịch nhanh, kéo theo mối lo “vỡ trận” khi thiếu nhà nghỉ, khách sạn, người dân tự phát làm du lịch khiến chất lượng không đảm bảo, dẫn đến mất uy tín của hòn đảo.

Trước những yêu cầu cấp thiết phải sớm quy hoạch tổng thể cho Lý Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân (Thiên Tân Group) làm đầu mối lựa chọn đối tác để lập đồ án bài bản và khoa học. Ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Tân cho biết, đã có hai đơn vị tư vấn Nhật Bản quan tâm đến vấn đề quy hoạch này.

Viễn cảnh xây dựng Lý Sơn trở thành một hòn đảo du lịch sinh thái, một thiên đường nghỉ dưỡng giữa biển Đông đã dần thành hiện thực. Năm 2015, huyện đảo Lý Sơn đã thu hút hơn 50 dự án đầu tư, với tổng vốn  hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nhà hàng, khách sạn thu hút nhiều vốn nhất, riêng số khách sạn hoàn thành đầu năm 2016 khoảng 10 cơ sở, nổi bật là Khách sạn 4 sao Mường Thanh - Lý Sơn, có quy mô 7 tầng, 150 phòng, với tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Chẳng bao lâu nữa, Lý Sơn sẽ trở thành một thành phố giữa trùng khơi.

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục