Lý giải nguyên nhân lãi suất không thể giảm ồ ạt

(ĐTCK) Cuối tuần trước (15/10), LienVietPostBank đã công bố chính sách lãi suất mới, giảm thêm mức từ 1%/năm đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn so với lãi suất trước đây, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhưng đủ để góp phần tạo nên mặt bằng lãi suất mới Không nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhưng đủ để góp phần tạo nên mặt bằng lãi suất mới

Cùng ngày, Vietcombank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên hiện còn dư nợ, lãi suất trên 6%/năm được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm thêm 1%/năm so với mặt bằng hiện nay.

Ngoài ra, tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn lãi suất trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm sâu đến 2%/năm so với mặt bằng hiện nay.

Đối với doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank, ngân hàng này sẽ xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn, có thể xuống 5%/năm. Thời gian hưởng lãi suất từ nay đến 31/12/2016.

Trong một động thái tương tự, sang đầu tuần này, BIDV tiếp nối xu hướng giảm lãi suất khi công bố lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND sẽ được giảm với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư từ ngày 18/10/2016. 

Theo đó, BIDV áp dụng mức lãi suất tối đa 6%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 6%/năm đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp… Đặc biệt, các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung được hưởng mức lãi suất vay tối đa 5,5%/năm

Lý giải về động thái hạ lãi suất trong hơn 1 tuần qua, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank cho biết, đó là động thái khẳng định sự tham gia tích cực của các ngân hàng góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ. Hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng “chia lửa” với nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng nên thông qua việc chấp nhận “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm chi phí, cắt giảm doanh thu tạm thời.

“Tất cả nhằm hướng tới có một thị trường tốt hơn, tạo hơi thở mới hơn cho năm tới khi lạm phát được kiểm soát, tỷ giá và giá trị VND ổn định, từ đó kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ tốt hơn, hệ thống ngân hàng thương mại cũng sẽ được hưởng lợi từ điều này một cách lâu dài”, ông Hưởng nói.

Đây cũng là nhận định của một lãnh đạo cao cấp Vietcombank khi cho rằng, lãi suất giảm sẽ giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn về trung và dài hạn, còn đương nhiên khi ngân hàng giảm lãi suất cho vay sẽ có tác động trực tiếp tới lợi nhuận thu được, vốn cũng không quá cao do mới qua quá trình tái cấu trúc ngân hàng.

Vấn đề đặt ra là liệu các NHTM lớn hạ lãi suất có tạo nên làn sóng hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi này, ông Hưởng cho rằng, thời gian tới không thể có làn sóng hạ lãi suất cho vay bởi chỉ có các ngân hàng có đủ nguồn lực về hai điều kiện huy động vốn không kỳ hạn, ngắn hạn và nguồn lực tài chính đủ mạnh mới hạ lãi suất cho vay. Các ngân hàng chưa chắc chắn thấy có đủ hai điều kiện tiên quyết trên vẫn có những lãnh địa khách hàng riêng chấp nhận vay với lãi suất hiện tại thì không nhất thiết phải hạ lãi suất cho vay.

“Dù sao, động thái hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng lớn cũng phần nào hình thành mặt bằng lãi suất mới đủ để góp phần vào mục tiêu chung là kìm hãm lạm phát ở mức kiểm soát, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh tích cực”, ông Hưởng nhận định.

Bên cạnh đó, ông Hưởng phân tích thêm, rủi ro của hệ thống ngân hàng luôn có quan hệ mật thiết với rủi ro của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế có những rủi ro cũng là điều bình thường vì Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với với nền kinh tế thế giới, đang có nhiều biến đổi. Việc ngân hàng giảm lãi suất để kích thích kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp cũng là để giảm thiểu rủi ro cho chính mình.

Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cũng không nên quá ồ ạt vì theo ông Hưởng, nếu các ngân hàng đồng loạt giảm sâu lãi suất cho vay, từ đó giảm lãi suất huy động sẽ có thể tạo hiệu ứng người gửi tiền thay vì gửi tiết kiệm sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác có lợi nhuận (nhưng cũng rủi ro hơn) như chứng khoán, bất động sản, cho vay nặng lãi… Hệ quả của chuỗi phản ứng này lại có tác động ngược lại ngân hàng, cụ thể là nguồn vốn huy động sụt giảm, lãi suất lại phải tăng trở lại, tạo vòng luẩn quẩn gây ra sự khó đoán định.

“Những chu kỳ tiền tệ theo dạng ‘quy luật xấu’ như vậy trước vẫn xảy ra khoảng 5-8 năm/lần”, ông Hưởng nói. 

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục