Kết quả khảo sát của CTCK TP. HCM (HSC) về lãi suất huy động và cho vay trong tháng Sáu vừa qua cho thấy, lãi suất huy động trong tháng tăng thêm mức 0,18%/năm so với đầu năm và tăng 0,38%/năm so với đáy 5,69%/năm thiết lập vào tháng 5/2015.
Trong tháng 6, hầu hết các ngân hàng giữ nguyên lãi suất huy động, bên cạnh một số nhà băng có điều chỉnh tăng nhẹ. Lãi suất cho vay bình quân tại thời điểm cuối tháng Sáu giảm thêm 0,02%, xuống còn 9,25%/năm, từ mức 9,27%/năm của tháng Năm. Xu hướng giảm của lãi suất cho vay gần đây được duy trì nhưng tốc độ giảm đã chậm lại.
"Ai cũng muốn giảm lãi suất cho vay xuống nhưng điều kiện cần và đủ thì chưa xuất hiện"
- TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Tại buổi họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm và định hướng hoạt động những tháng cuối năm 2016 vào giữa tháng Tám, ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng về cơ bản diễn biến ổn định.
Cụ thể, từ cuối tháng 4/2016, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm thêm mức 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.
“Từ nay đến cuối năm, cơ quan điều hành sẽ dùng các công cụ ổn định lãi suất để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Thực tế hiện nay, trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), thanh khoản tiền đồng khá tốt, thậm chí có thể nói là dư thừa để hỗ trợ các ngân hàng về thanh khoản nhằm giữ được lãi suất thấp hỗ trợ nền kinh tế. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho biết, lãi suất qua đêm ngày 25/8 chỉ có 0,5%/năm. Đó là chưa kể đến việc từ đầu tháng 8 đến nay, NHNN đã mua vào gần 1 tỷ USD, còn tính cả từ đầu năm đến nay, ước tính cơ quan này đã mua gần 9 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo vị giám đốc trên: “Cơ hội giảm thêm lãi suất là khó bởi thực tế lãi suất hiện đang rất thấp. Tiền trên thị trường 2 chỉ là ngắn hạn, không thể dùng vốn thị trường 2 sử dụng cho thị trường 1 (NHTM huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân). Trong khi huy động tiền tại thị trường 1, đặc biệt trong những kỳ hạn dài là rất hạn chế. NHNN mua vào ngoại tệ, đồng nghĩa là bơm tiền ra thị trường, nhưng cơ quan này cũng nhanh chóng hút tiền vào qua tín phiếu”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích thêm, muốn hạ được lãi suất cho vay phải nhìn vào câu chuyện thanh khoản trên thị trường 1. NHNN cho biết, tính đến ngày 29/7/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015 và dự kiến đến cuối năm 2016 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 18-20%. Nghĩa là tín dụng sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm nên các ngân hàng cần vốn nhưng thanh khoản trên thị trường 1 khá giới hạn. Do vậy, khi các ngân hàng cần vốn đương nhiên sẽ tăng lãi suất huy động, theo đó khó giảm lãi suất cho vay xuống.
Chuyên gia kinh tế của HSBC nhận định, mặc dù lạm phát toàn phần đã ổn định trong tháng Bảy ở mức 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái (mức lạm phát từ đầu năm đến nay ở 1,8%), nhưng giá cả thực phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã tăng dần trong suốt 6 tháng qua và lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong những tháng tới.
Chính phủ đang có kế hoạch tăng chi phí chăm sóc sức khỏe vào những tháng cuối năm cũng như trong nửa đầu năm 2017 và tương tự là học phí trong tháng Chín. Tình hình khí hậu nóng bức cũng nhiều khả năng sẽ tạo áp lực tăng giá thực phẩm. Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng - yếu tố phản ảnh nhu cầu trong nước tăng mạnh (đặc biệt là hoạt động đầu tư), dự kiến sẽ vượt mức 18 - 20%.
“Trên những cơ sở này, thống kê của HSBC cho thấy, kỳ vọng lạm phát năm 2016 sẽ vượt qua mức dự báo 5% của Chính phủ. Nguy cơ lạm phát tăng cao cũng đồng nghĩa với việc dư địa nới lỏng tiền tệ sẽ bị giới hạn. Chúng tôi dự báo NHNN sẽ có nhiều khả năng tăng lãi suất liên ngân hàng lên 5,5%/năm trong quý III/2017 để kiềm chế lạm phát”, chuyên gia HSBC nhận định.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Ai cũng muốn giảm lãi suất cho vay xuống nhưng điều kiện cần và đủ thì chưa xuất hiện”.