Lý giải nguyên nhân bệnh viên tư thừa tới 50% công suất giường

Trong khi các bệnh viện công lập tuyến Trung ương luôn trong tình trạng quá tải, thì khối bệnh viện tư nhân vẫn chưa khai thác hết nguồn lực, tỷ lệ sử dụng giường bệnh chỉ đạt 40 - 60%.
Lý giải nguyên nhân bệnh viên tư thừa tới 50% công suất giường

Mười năm qua (từ năm 2004 đến nay), số lượng bệnh viện tư nhân trên cả nước đã tăng gấp hơn 4 lần (từ 40 lên 170 bệnh viện), song vẫn chỉ chiếm tỷ lệ thấp, là 14% tổng số  bệnh viện trên toàn quốc. Trong khi đó, nếu xét về quy mô, thì các bệnh viện tư nhân cũng hoàn toàn lép vế so với khối bệnh viện nhà nước, khi chỉ có 8.627 giường bệnh, chiếm 4,2% tổng số giường bệnh.

Không chỉ số bệnh viện tư nhân còn ít, mà việc khai thác cơ sở vật chất tại các bệnh viện này cũng chưa hiệu quả. Hiện, các bệnh viện tư nhân mới chỉ khai thác  khoảng 40 - 60% công suất sử dụng giường bệnh; chỉ khoảng 1/5 số bệnh viện tư nhân đạt được tỷ lệ sử dụng giường bệnh trên 60%.

Tuy nhiên, trước thực trạng quá tải tại các bệnh viện công, thì về lâu dài, việc phát triển số lượng bệnh viện tư vẫn là một yêu cầu tất yếu và là quy luật chung trên thế giới. Hiện tại, ở Mỹ, số bệnh viện tư nhân chiếm tới 85% tổng số bệnh viện, ở Nhật Bản con số này là 55%, ở Đức là 50%...

Thực trạng về sự mất cân đối giữa 2 khối y tế nhà nước và tư nhân cho thấy, ngành y tế sẽ phải có chính sách hợp lý để khai thác có hiệu quả hơn nữa từ khối y tế tư nhân.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân tỉnh Thanh Hóa nhận xét, thời gian qua, khối bệnh viện tư nhân chưa được chú trọng và chưa được đánh giá đúng vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. Theo ông Đệ, để khối bệnh viện tư nhân có môi trường phát triển tốt, thì cũng cần phải cơ cấu lại chính hệ thống bệnh viện nhà nước.

Cụ thể, ngành y tế cần phải quy hoạch, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của khối bệnh viện nhà nước từ cấp huyện đến cấp Trung ương. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ đưa ra danh sách những bệnh viện cần tồn tại, đầu tư phát triển và cả những bệnh viện  có thể chuyển đổi hình thức sở hữu để tiến hành cổ phần hóa…

Ngoài ra, một trong những hướng mở vừa được nhiều chuyên gia y tế đề xuất để tăng nguồn lực của hệ thống y tế tư nhân là kết hợp giữa bệnh viện tư và bệnh viện công.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để phát triển bền vững hệ thống y tế tư nhân, cần có chính sách cam kết lâu dài cho nhà đầu tư. “Theo đó, bệnh viện công sẽ đóng vai trò dẫn dắt, mở đường cho bệnh viện tư nhân. Nhằm tối ưu hóa nguồn lực, bệnh viện 2 khối này có thể hợp tác để đầu tư dự án chung trên cơ sở phải có cơ chế chia sẻ rủi ro, đánh giá chi phí...”, ông Anh nói.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trong thời gian gần đây, một số bệnh viện công và bệnh viện tư trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu có những chương trình phối hợp để phân phối nguồn lực hợp lý giữa 2 khu vực này.

Theo đó, các bệnh viện công và bệnh viện tư có hợp đồng hợp tác để có thể một số bệnh nhân sau điều trị tích cực tại bệnh viện công sẽ được chuyển sang bệnh viện tư để tiếp tục điều trị.

Ngoài ra, một số bệnh viện công và tư tại Hà Nội cũng đã hợp tác về chuyên môn, như Bệnh viện Thăng Long đã hợp tác về chuyên môn cấp cứu với Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Hồng Hà có thoả thuận hợp tác về chữa trị các bệnh ung bướu với Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện Hồng Ngọc hợp tác về phẫu thuật với các bệnh viện Bạch Mai, K…

Bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc hợp tác giữa các khối bệnh viện công và tư tại Hà Nội đã bắt đầu mang lại hiệu quả trong việc chuyển giao dần một số lượng bệnh nhân nhất định từ bệnh viện công sang bệnh viện tư.

“Tuy nhiên, để việc chuyển giao này có hiệu quả hơn, thì Bộ Y tế cũng cần có những chính sách cụ thể. Chẳng hạn, việc phân hạng các bệnh viện tư là rất cần thiết để có cơ sở đánh giá năng lực của từng bệnh viện, cũng như đưa bảo hiểm y tế vào các bệnh viện tư”, bà Liên khuyến nghị.

Chí Tín(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục