Đến nay, tỉnh Hà Nam đã trao quyết định giao đất, giao mặt bằng sạch, đất đã san lấp, có hạ tầng đầy đủ để 2 bệnh viện trên sẵn sàng tiến hành việc xây dựng. Ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Hà Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức đầu tư cơ sở 2 tại tỉnh và thống nhất hỗ trợ cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại đây về đất làm nhà ở, trường học cho con em, xe buýt đi lại giữa cơ sở 1 và cơ sở 2, cùng các dịch vụ thuận tiện khác.
Được biết, hiện các bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức đang thuê tư vấn thiết kế dự án. Dự kiến, các công trình sẽ được khởi công xây dựng trong quý II/2014 và hết năm 2016 có thể được đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cấp thiết của nhân dân. Và khi đó, Hà Nam sẽ trở thành một trung tâm y tế của khu vực.
Tỉnh Hà Nam là đầu mối giao thông phía Nam của Thủ đô Hà Nội, thuận tiện kết nối giao thông với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam Hà Nội với các tuyến đường bộ kết nối toàn vùng (theo hướng Bắc Nam có Quốc lộ 1A, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Quốc lộ 21A, Quốc lộ 21B; theo hướng Đông Tây có Quốc lộ 38A, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 37 và đường nối giữa Quốc lộ 1A và Quốc lộ 5 đang tiến hành xây dựng…). Địa điểm xây dựng Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức - cơ sở 2 đã được UBND tỉnh ấn định tại nút giao Liêm Tuyền của đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giao cắt giao thông đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên và các tỉnh phía Nam của Thủ đô Hà Nội; cách ga đường sắt 2 km, cách vị trí quy hoạch ga đường sắt cao tốc 1 km.
Vị trí hai bệnh viện cách nhau 400 m sẽ tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong khám, chữa bệnh và điều trị, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Khoảng cách giữa cơ sở 1 và cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức là 50 km, giao thông bằng đường cao tốc, nên thời gian di chuyển giữa cơ sở 1 và cơ sở 2 chỉ mất 45 phút, thuận tiện cho việc chỉ đạo về chuyên môn cũng như công tác khám, chữa bệnh…
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở 2 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng quá tải cho cơ sở 1 của các bệnh viện nêu trên tại nội thành Hà Nội. Theo thống kê, 47% bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Việt Đức và gần 60% bệnh nhân điều trị trong Bệnh viện Bạch Mai là ở các tỉnh phía Nam Hà Nội (từ Hà Tĩnh trở ra đến Hà Nam). Do vậy, việc đầu tư xây dựng thêm cơ sở mới sẽ giảm khoảng 50% bệnh nhân khám, điều trị tại cơ sở 1 của các bệnh viện này, đồng thời góp phần giảm ùn tắc giao thông cho nội thành Hà Nội.
Một lợi thế khác của việc đầu tư xây dựng 2 bệnh viện trung ương tại Hà Nam là sẽ kết hợp tốt giữa đào tạo nhân lực y tế với thực hành tại các bệnh viện và trường đại học như: Đại học Điều dưỡng Nam Định, Đại học Y Thái Bình, cao đẳng y tế các tỉnh... Hiện nay, Đại học Y Hà Nội đang tiến hành các thủ tục xin đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại Khu Đại học Nam Cao (cách Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 khoảng 3 km), đồng thời góp phần hỗ trợ phát triển nhân lực ngành y tế tuyến dưới các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Điều đáng nói là, diện tích đất 2 bệnh viện đảm bảo tiêu chí xây dựng bệnh viện hiện đại, đồng bộ. Chi phí xây dựng tại Hà Nam thấp, tiết kiệm đáng kể so với đầu tư tại các nơi khác. Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Hà Nam là tuyến giữa, khu vực trung chuyển, cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai có thể đón bệnh nhân từ miền Trung, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên và từ Hà Nội, nên tác dụng giảm tải rất lớn. Đây cũng sẽ là một trong những bệnh viện hiện đại nhất Việt Nam, ngang tầm khu vực, với nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mũi nhọn được đầu tư, nhờ đó sẽ cứu sống thêm nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo.