Tức giận có thể là một cảm xúc hoàn toàn bình thường và thậm chí có thể giúp chúng ta phát hiện và ứng phó với sự đe dọa theo bản năng.
Hơn thế nữa, khi sự tức giận được bộc lộ một cách có tự chủ, nó có thể là một mệnh lệnh thúc đẩy đầy uy lực.
Nó là tín hiệu của cơ thể báo hiệu rằng có thể điều gì đó đang làm cho chúng ta khó chịu. Tuy nhiên, cảm xúc giận dữ thường chi phối mọi hành động. Nhiều khi nó khiến bạn không đủ tính táo và trở nên thô lỗ.
Vì vậy, bạn đừng nên lờ đi những tín hiệu của cơ thể mà hãy dừng lại và suy nghĩ về những điều đã tạo nên cơn giận.
Kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực này, bạn không những tránh được những trận cãi vã không cần thiết mà còn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, điều mà có thể giúp bạn duy trì được mối quan hệ bền chặt hơn với người khác.
Dưới đây là một vài thói quen đơn giản, luyện tập tốt sẽ giúp bạn xua tan những cơn nóng giận.
Không phán xét người khác
Khi ở trong trạng thái mất bình tĩnh, con người thường có xu hướng nhạy cảm hơn trong việc "bắt lỗi" người khác.
Lúc này mọi hành động của người khác cũng có thể khiến bạn nổi nóng bất cứ lúc nào. Hầu hết mọi sự giận dữ đều được gây ra bởi những lời nói hay những hành động vô ý. Rất có thể người mà bạn giận không hề cố ý làm bạn tổn thương.
Vì vậy, bạn sẽ cần phải bình tĩnh lại một chút trước khi quay lại giải quyết tình huống gây ra sự tức giận. Nếu không, bạn có thể sẽ nói điều gì đó không hay và có khả năng xúc phạm đến người khác.
Tránh những suy nghĩ tiêu cực
Không phải ai cũng tức giận với người khác, mà thường là mọi người tức giận với chính bản thân mình.
Không có gì sai nếu tự phê bình bản thân, nhưng tư tưởng lúc nào cũng bi quan thì sẽ kéo theo các cảm xúc khác đi xuống mà qua thời gian sẽ làm tăng thêm căng thẳng và chán nản trong bạn. Vì thế, bạn hãy thừa nhận cái thực tại, bù lại là sự khắc phục và lạc quan trong suy nghĩ.
Đừng quan trọng hóa vấn đề
Mọi mối bất đồng trong quan hệ có thể được giải quyết đơn giản bằng một lời xin lỗi từ một phía. Xin lỗi không phải là vứt bỏ đi lòng tự trọng của bản thân, điều đó chỉ đơn giản thể hiện bạn trân trọng mối quan hệ đó mà thôi. Vì vậy, hãy học cách làm điều đơn giản để duy trì những mối quan hệ dài hạn hơn.
Trân trọng bản thân mình
Dường như nguyên nhân dẫn đến cơn nóng giận của chúng ta đó là do lời nói của người khác. Nhiều khi ta biết họ đang cố tình khiêu khích nhưng bản thân lại không kiềm chế cảm xúc của mình.
Đáng trách là ta quá coi trọng những gì người khác nói mà bỏ quên tiếng nói từ bên trong mình. Tiếng nói bảo vệ chúng ta trước những nguy cơ bị xâm hại danh dự và lòng tự trọng.
Nhưng liệu khi chúng ta phản kháng lại thì những lời nói khiêu khích đó sẽ biết mất không?
Chỉ cần bạn hiểu được giá trị của chính mình thì bản thân bạn sẽ vững vàng trước mọi chỉ trích, mọi lời nói của những người xung quanh. Bạn sẽ ít khi bị ảnh hưởng tiêu cực vì những gì người khác đối xử với bạn. Hãy vững vàng trước những lời chỉ trích của người khác.
Bạn biết đấy, đối với những kẻ ghen ghét thì dù làm gì đi chăng nữa họ vẫn tìm cách chỉ trích mình thôi. Thay vì quan tâm hãy đi làm việc gì đó có ích hơn cho bản thân.
Đừng quá kỳ vọng vào người khác
Những người dễ bị tổn thương thường là những người kỳ vọng nhiều quá. Chúng ta thường nóng giận trước những biến cố không may ập đến.
Những lúc ấy chúng ta không suy xét mọi ngõ ngách của vấn đề mà thường chỉ biết oán trách những người gây ra sự việc đó.
Đừng để bản thân bị động và sa đà vào những hy vọng viển vông. Hình thành cho bản thân thái độ điềm tĩnh trước mọi biến cố và học tập luôn có phương án dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Thiền định
Khi mà những phương án trên khiến bạn vẫn cảm thấy mơ hồ, chưa thể giải quyết được vấn đề của mình, thì hãy thử tập thiền định.
Thiền định có thể giúp bạn giảm bớt những điều này một cách tối đa. Ngồi thiền đều đặn có thể điều chỉnh nồng độ hormone cortisol được sản sinh ra trong suốt thời gian bị stress (Đây là loại “hooc môn stress” làm tăng huyết áp, tăng mức đường huyết và có tác động kháng miễn dịch – tức là ngăn cản khả năng miễn dịch trong cơ thể).
Thiền cũng làm tăng hormone serotonin, còn được gọi là hormone ‘Cảm giác tốt’ – giúp con người nhận thức và điều hòa cảm xúc.