Luyện “kỹ năng sinh tồn” tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Về cơ bản, khi đến tuổi trưởng thành, mỗi cá nhân đều phải tự lo liệu tài chính cho bản thân, cho nên hiểu biết về tài chính chính là một trong những “kỹ năng sinh tồn” của con người trong xã hội hiện đại…
Hiểu biết về tài chính sẽ quản lý tốt rủi ro tài chính Hiểu biết về tài chính sẽ quản lý tốt rủi ro tài chính

Những câu chuyện có thật…

Trong một bữa tiệc gặp mặt cuối năm Quý Mão, mọi người bàn tán rôm rả chuyện tiết kiệm, đầu tư, từ bỏ tiền vào kênh nào sinh lời, đến kênh tích lũy tài sản nào an toàn. Chị Thu Thanh, sinh năm 1980 ở Vĩnh Phúc kể rằng, mình có gửi tiết kiệm một khoản khá lớn, nhưng khi đến hạn rất khó khăn mới rút được tiền và sau nhiều lần đi lại mới thu hồi hết được khoản gửi tiết kiệm.

“Ban đầu cũng lo lắm, không biết có lấy được hết tiền về không. May quá chỉ mất công đi lại nhưng đành chấp nhận bởi ngân hàng này đang gặp khủng hoảng. Rút được hết tiền về là mừng lắm rồi”, chị Thu Thanh kể.

Góp chuyện, anh Đào Thủy, sinh năm 1978 ở Phú Thọ hùng hồn bảo: “Làm sao mà mất được tiền. Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố tất cả tiền gửi tiết kiệm của người dân được đảm bảo, chi trả bình thường. Còn trường hợp ngân hàng có vấn đề gì thì đã có khoản trích lập dự phòng rủi ro được gửi tại Ngân hàng Nhà nước, cần thì lấy ra chi trả”.

Cả bàn tiệc ngơ ngác bởi một khái niệm “lạ” về tài chính - ngân hàng: “Khoản trích lập dự phòng rủi ro ngân hàng không giữ mà chuyển cơ quan quản lý để trường hợp bất trắc rút ra chi trả cho người dân”.

Và chị Thùy Linh, sinh năm 1981 ở Thái Bình, cán bộ một ngân hàng đã phải lên tiếng giải thích, trích lập dự phòng là việc doanh nghiệp chủ động trích trước một khoản và khoản tiền này do doanh nghiệp giữ nhằm bù đắp những tổn thất có thể xảy ra trong tương lai.

“Hay nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước không giữ khoản trích lập dự phòng của các ngân hàng nên cũng không có trách nhiệm hay nghĩa vụ đứng ra chi trả cho khách hàng khi xảy ra vấn đề gì”, cán bộ ngân hàng này nói, đồng thời chia sẻ thêm rằng, tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Việt Nam cho phép ngân hàng, các tổ chức tín dụng được yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản. Theo đó, một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi ngân hàng đó rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng.

Do ngân hàng được phép phá sản, nên để giảm thiểu rủi ro cho người gửi, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 yêu cầu các ngân hàng nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, khi mua bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền sẽ được chi trả một khoản tiền trong hạn mức khi ngân hàng phá sản.

Theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm mới, số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Theo đó, nếu khách gửi tiền mà ngân hàng phá sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 125 triệu đồng. Ngoài việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

“Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam chưa có ngân hàng nào phá sản, chẳng hạn như Ngân hàng Thái Bình Dương đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế, còn Ngân hàng Việt Hoa thì tình trạng vẫn là đang hoạt động nhưng không tiến hành các nghiệp vụ ngân hàng”, chị Thuỳ Linh cho hay.

Một câu chuyện khác, trong cuộc họp báo ra mắt cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền”, trước câu hỏi với đại ý “khi có một khoản tiền khá lớn, bạn sẽ để ở đâu?”, một vài cô bé, cậu bé học sinh cấp 2 trả lời: “cất tiền ở tủ trong nhà”, “mang tiền đưa mẹ”, “giấu trong sổ tay để ở cặp đi học”…

… và “kỹ năng sinh tồn” tài chính

Kết quả điều tra của OECD cho thấy, chỉ số hiểu biết tài chính Việt Nam đạt 11,6 điểm, chỉ cao hơn Campuchia và thấp hơn nhiều nước khác trong khu ASEAN vực như Malaysia 12,3 điểm, Thái Lan 12,8 điểm…

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giáo dục tài chính được hiểu là “một quá trình trong đó người tiêu dùng/nhà đầu tư cải thiện sự hiểu biết về các sản phẩm tài chính, các khái niệm và rủi ro tài chính. Dựa trên những thông tin, hướng dẫn và tư vấn khác mà phát triển các kỹ năng, sự tự tin để nhận biết các rủi ro cũng như cơ hội tài chính, từ đó đưa ra các quyết định trên cơ sở đầy đủ thông tin, hoặc biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ và hành động một cách hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng tài chính của mình”.

OECD cũng nhấn mạnh, hiểu biết về tài chính là “kỹ năng sinh tồn” của con người khi sống trong xã hội hiện đại. Tại các nước phát triển, mọi người phải tự lo liệu về mặt tài chính cá nhân rất sớm. Khi sống độc lập, họ cần biết cách lập ngân sách, đưa ra những lựa chọn tài chính khôn ngoan hoặc quản lý rủi ro tài chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiểu biết về tài chính vẫn còn những hạn chế nhất định và những câu chuyện ở trên phần nào chứng minh cho thực tế này.

Nhìn vào các con số nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam còn cho thấy mức độ hiểu biết tài chính tại nước ta còn thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn, kết quả điều tra của OECD cho thấy, chỉ số hiểu biết tài chính Việt Nam đạt 11,6 điểm, chỉ cao hơn Campuchia và thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực ASEAN như Malaysia 12,3 điểm, Thái Lan 12,8 điểm… Tương tự, kết quả khảo sát về sự hiểu biết toàn cầu của Standard và Poor’s Ratings Survices (S&P Global Finlit Survey) chỉ ra mức độ hiểu biết tài chính Việt Nam thấp, chỉ đạt tỷ lệ 24% người trưởng thành có hiểu biết tài chính, đứng thứ 118/144 quốc gia được khảo sát.

Thực tế, nhiều chương trình giáo dục tài chính đã được các tổ chức tín dụng triển khai như dự án Employability nằm trong chương trình Futuremakers, được tài trợ bởi Standard Chartered Foundation và được phối hợp thực hiện thông qua các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế và trong nước nhằm mang đến các khóa học đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với cộng đồng, nâng cao năng lực tài chính cho các bạn trẻ Việt Nam và trang bị các kỹ năng mềm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mỗi cá nhân trong quá trình tìm việc. Hay như chương trình “Junior Achievement More than Money” được thí điểm ở trường tiểu học của HSBC Việt Nam và chương trình tư vấn tài chính “Think it through, sign it wisely” của Home Credit cho người vay tiêu dùng…

Những “sự cố” trong hệ thống tài chính - ngân hàng thời gian qua có lẽ cũng là “động lực” để Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý về chính sách tiền tệ - tìm cách giải quyết vấn đề từ “gốc” chứ không phải từ “ngọn”. Cuốn truyện tranh thường thức độc đáo, sáng tạo về tài chính - ngân hàng đầu tiên của Việt Nam có tên gọi “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” của tác giả là “người” của Ngân hàng Nhà nước vừa được phát hành có ý nghĩa góp phần nâng cao dân trí quốc gia về tài chính. Những kiến thức tài chính cơ bản liên quan đến tiền, về đầu tư tài chính… được diễn giải một cách đơn giản, dễ hiểu, độc đáo, xứng đáng là “tủ thuốc” của mỗi gia đình.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với đơn vị truyền thông tổ chức các chương trình giáo dục tài chính khác nhau như “Tiền khéo tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Tay hòm chìa khóa”…, hay cuộc thi “Hiểu đúng về tiền - Tài chính thông minh - Smart Money” dành cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học miền Bắc vào đầu năm 2021, nhằm cung cấp cho sinh viên có kiến thức tài chính - ngân hàng, sản phẩm tín dụng, tiết kiệm, chi tiêu, đầu tư…

Hiểu biết tài chính có thể coi là kết quả của giáo dục tài chính. Nhờ giáo dục tài chính, con người mới có hiểu biết tài chính. Thông qua hiểu biết tài chính, giáo dục tài chính thể hiện vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia. “Góp gió thành bão”, những “cơn gió” giáo dục tài chính những tưởng chỉ nhẹ nhàng, phơn phớt, lướt qua, nhưng nhiều “cơn gió” góp lại sẽ tạo ra “cơn bão” - phủ kiến thức tài chính cho một quốc gia.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục