Tiết kiệm điện để bớt phải cắt điện

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù thực trạng thiếu điện nghiêm trọng ở miền Bắc trong những thời điểm nắng nóng đã qua, nhưng không loại trừ các tình huống cực đoan xếp chồng như vậy có thể lặp lại trong những năm tiếp theo.
Chiếu sáng tại đường Hoàng Mai - Hà Nội Chiếu sáng tại đường Hoàng Mai - Hà Nội

Hội nghị “Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng” diễn ra sáng nay, 18/8 đã tập trung thảo luận các nội dung về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường Tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, các giải pháp tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền để thực hành tiết kiệm điện.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, ngành điện đã chứng kiến những khó khăn và nỗ lực khi đối mặt với thực trạng thiếu điện nghiêm trọng của miền Bắc trong những thời điểm nắng nóng vừa qua. Tuy nhiên, không loại trừ các tình huống cực đoan xếp chồng như vậy có thể lặp lại trong những năm tiếp theo.

Vì vậy, tại Hội nghị này, để chuẩn bị cho các diễn biến bất thường có thể xảy ra tại các thời điểm nắng nóng trong các năm tiếp theo, ông Trịnh Quốc Vũ đã kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức và thành viên Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam (VESN) cần đẩy mạnh, hành động ngay, liên tục và thiết thực các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện trong thời gian tới.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hệ thống điện đã đối mặt với khủng hoảng về mất cân bằng cung cầu điện vào các tháng 5 và 6 vừa qua, đặc biệt là khu vực miền Bắc, khi nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng đột biến (ngày 19/5/2023 đạt kỷ lục mới 918,5 triệu kWh, tăng 12,34% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, xếp chồng với tình huống thiếu nhiên liệu và một số tổ máy nhiệt điện than bị sự cố do vận hành trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, dẫn đến thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng đã đưa ra ước tính, việc thiếu hụt nguồn cung điện trong tháng 5/2023 đã dẫn tới thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP.

Trong bối cảnh thiếu nguồn cung thì vai trò của khách hàng sử dụng điện (phía cầu) được cho là hết sức quan trọng trong sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm.

Với sự chung tay tích cực của khách hàng sử dụng điện, từ ngày 17/5/2023 đến 16/6/2023, cả nước đã tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh (chỉ tính riêng cho các nhóm khách hàng: hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm).

Bởi vậy, đại diện EVN cũng cho rằng, Hội nghị “Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng” hiện nay chính là một trong những lời giải, giải pháp cho những bài học đã xảy ra và để lường trước, ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc ERAVCTED, chủ trì Mạng lưới VESN đã nhấn mạnh, nhận thức, thói quen và hành động của một cá nhân sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hành tiết kiệm điện của cả tổ chức/đơn vị. Chính vì vậy, mục tiêu xuyên suốt của công tác đào tạo và tuyên truyền chính là thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân để gia tăng hiệu quả hành động.

Trong bối cảnh mới về chuyển dịch năng lượng, Mạng lưới VESN đánh giá cần phải điều chỉnh cách tiếp cận trong đào tạo và tuyên truyền thực hành tiết kiệm điện theo hướng xanh, sạch hơn và tăng tính chủ động tự cung – tự cấp năng lượng với việc kết hợp các giải pháp tiết kiệm điện truyền thống.

Tại một số doanh nghiệp, việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện đã được thực hiện nghiêm túc với nhiều giải pháp cụ thể.

Đơn cử Samsung Việt Nam, năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ điện của 6 nhà máy Samsung là 2.523.060 MWh. Bởi vậy, Samsung Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện cụ thể tại các công ty trong hệ thống của mình như thay đổi loại máy sấy, kiểm tra rò rỉ khí nén với những đường ống cao và ở các khu vực ồn bằng lắp camera, cải thiện hiệu quả vận hành và tuổi thọ vật tư tiêu hao của phần chuyển động quay…

Đặc biệt, hệ thống điện mặt trời mái nhà đang được triển khai tại Nhà máy Samsung Electronics TP.HCM với kế hoạch quý IV/2023 sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 1 công suất 2,5 MWp.

Bộ Công thương mới đây cũng đã đưa ra Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà mới dừng lại ở việc khuyến khích lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để tự sử dụng và không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Mục tiêu được đặt ra tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023

1. Mỗi năm cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

2. Giảm tốt thất điện năng trên toàn hệ thống dưới 6% vào năm 2025

3. Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện trên địa bàn tỉnh, thành phố ít nhất 3% đến năm 2025 thông qua Chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR)

4. Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50 % nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tại chỗ, không bán vào hệ thống điện quốc gia.

5. Đến năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn Led

Hoàng Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục