“Lướt sóng” ngàn tỷ từ mảnh đất công của Vinafood 2 - Bài 2: “Thổi” miếng đất 730 tỷ đồng lên gần... 7.300 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ bằng vài chiêu thế chấp bảo lãnh vay, mảnh đất công mà Vinafood 2 bán với giá 730 tỷ đồng đã vọt lên gần 7.300 tỷ đồng chỉ sau… 11 tháng. Việc này có sự góp mặt chủ lực của 2 chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Hơn 6.200 m2 đất vàng Vinafood 2 nhìn từ trên cao. Hơn 6.200 m2 đất vàng Vinafood 2 nhìn từ trên cao.

Bài 2: “Thổi” miếng đất 730 tỷ đồng lên gần... 7.300 tỷ đồng

Trước khi dùng chiêu góp vốn hợp tác làm dự án với công ty của “đại gia” Đinh Trường Chinh, Vinafood 2 được giao chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất hơn 6.200 m2 sang làm khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại để cho thuê.

Bảy năm, doanh nghiệp nhà nước “dôi” gần trăm tỷ đồng

Để được chuyển mục đích sang làm dự án, tháng 12/2007, Vinafood 2 thuê Trung tâm Thông tin và Thẩm định giá miền Nam (đến tháng 8/2015 đổi thành Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam) thẩm định giá rồi lập Chứng thư thẩm định giá số Vc 07/12/648/BĐS xác định tổng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của với 4 cơ sở nhà đất này là hơn 524 tỷ đồng.

Tới tháng 4/2008, theo tờ trình của Sở Tài chính với UBND TP.HCM về kết quả thẩm định lại (lần hai) đối với Chứng thư thẩm định giá số Vc 07/12/648/BĐS, thì tổng giá trị của 4 cơ sở nhà đất xác định hơn 643 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM có Quyết định số 1699/UBND-ĐT chấp thuận duyệt số tiền trên để Vinafood 2 nộp vào ngân sách Thành phố khi chuyển mục đích sử dụng đất làm khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại để cho thuê.

Sau đó, Vinafood 2 phải đi vay của Sở Giao dịch II - Ngân hàng BIDV để nộp vào ngân sách (đến tháng 5/2010, Vinafood 2 mới trả hết nợ gốc và lãi).

Tiếp theo, Vinafood 2 kêu khó khăn, năng lực không đủ, xin chuyển đổi và được duyệt chuyển sang hình thức góp vốn với Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) của “đại gia” Đinh Trường Chinh thành lập công ty 2 hai thành viên mang tên Công ty Việt Hân Sài Gòn để làm dự án.

Tới tháng 8/2015, Vinafood 2 thuê Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam định giá công ty này lập Chứng thư thẩm định giá số YC/08/23/TS xác định tổng giá trị tài sản 4 cơ sở nhà đất hơn 704 tỷ đồng.

Tháng 10/2015, căn cứ chứng thư trên, Vinafood 2 ban hành Nghị quyết 05/NQ-HĐTV phê duyệt việc bán sạch tài sản trên với giá 730 tỷ đồng cho Công ty Việt Hân. Thương vụ này hoàn tất vào cuối tháng 12/2015.

Như vậy, với định giá và thanh toán hơn 643 tỷ đồng tổng giá trị khu đất năm 2008, tới cuối năm 2015 bán được 730 tỷ đồng, Vinafood đã “dôi” được gần 100 tỷ đồng sau… 7 năm.

Rơi tay tư nhân, miếng đất 730 tỷ đồng vọt lên hơn 2.000 tỷ đồng sau 4 tháng

Sau khi thâu tóm xong 4 cơ sở nhà đất có tổng diện tích hơn 6.200 m2 đất vàng từ Vinafood 2, tháng 4/2016, ông Đinh Trường Chinh (lúc này là Chủ tịch HĐTV, đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn) ký hợp đồng thế chấp sổ đỏ của 4 cơ sở nhà đất trên với Ngân hàng TMCP hàng hải Việt Nam (MSB -Hà Nội) để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông, theo Hợp đồng cho vay số 042/2016 ngày 4/2/2016.

Theo chứng nhận tại Phòng Công chứng số 7 ngày 6/5/2016 về hợp đồng thế chấp trên, tổng giá trị tài sản đảm bảo là 4 cơ sở nhà đất lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, số tiền vay được gần 1.700 tỷ đồng, mục đích vay là tài trợ vốn cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông mua 99% vốn góp của bà Hoàng Thị Cẩm Ngọc trong Công ty Việt Hân Sài Gòn.

MSB-Hà Nội đã thực hiện giải ngân gần 1.700 tỷ đồng và đến ngày 24/1/2017, Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông trả hết nợ gốc và lãi cho ngân hàng này.

Như vậy, chỉ khoảng 4 tháng (tính từ cuối tháng 12/2015 tới tháng 4/2016), sau khi về tay tư nhân, tổng tài sản miếng đất hơn 6.200 m2 mua với giá 730 tỷ đồng đã vọt lên hơn… 2.000 tỷ đồng, tức gấp gần 3 lần.

Từ hơn 2.000 tỷ đồng vọt lên gần 7.300 tỷ đồng sau… 7 tháng

Sau đó Công ty Việt Hân và Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông bán 100% vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty cổ phần Saigon Dimension (60% vốn góp), Công ty Đầu tư BOB (40% vốn góp).

Chủ tịch HĐTV, đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn lúc này là bà Trương Thị Cẩm Giang.

Thay vì “noi gương” Vinafood 2 thuê Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam, tháng 2/2017, Công ty Việt Hân Sài Gòn thuê Công ty thẩm định giá BTE (xin nêu tên tắt) thẩm định giá toàn bộ 4 cơ sở nhà đất để thế chấp.

Theo chứng thư thẩm định giá lần 1 do Công ty thẩm định giá BTE lập ngày 3/2/2017, giá trị khu đất 33 - Nguyễn Du, 34, 36, 42 - Chu Mạnh Trinh thuộc Dự án The Goldmark Premium Tower (dự án được cơ quan chức năng xác định khống) do Công ty Việt Hân Sài Gòn làm chủ đầu tư là hơn 7.250 tỷ đồng.

Trên cơ sở chứng thư trên, bà Trương Thị Cẩm Giang ký hợp đồng thế chấp (có thực hiện công chứng các hợp đồng thế chấp, nhưng Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo) với Ngân hàng SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch bằng sổ đỏ của 4 cơ sở nhà đất trên, để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 9 hồ sơ khách hàng vay ngắn hạn, để bổ sung thực hiện thi công Dự án The Goldmark Premium Tower, giai đoạn I.

Từ ngày 6/2 đến ngày 30/3/2017, SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch đã giải ngân hơn 5.800 tỷ đồng. Đến tháng 8/2017, Công ty Việt Hân Sài Gòn trả nợ hết gốc và lãi cho 7 hợp đồng; tháng 4/2018, trả nợ hết gốc và lãi cho 2 hợp đồng.

Sau đó, bà Trương Thị Cẩm Giang, đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn, lại ký hợp đồng thế chấp tài sản với SCB - Chi nhánh Củ Chi (có thực hiện công chứng các hợp đồng thế chấp, nhưng Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo) bằng sổ đỏ của 4 cơ sở nhà đất trên với tổng giá trị tài sản đảm bảo vẫn là hơn 7.250 tỷ đồng theo Chứng thư thẩm thẩm định giá lần 1 của Công ty cổ phần Thẩm định giá BTE lập ngày 3/2/2017.

Mục đích thế chấp là để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 7 hồ sơ khách hàng vay ngắn hạn nhằm bổ sung vốn để thực hiện thi công Dự án The Goldmark Premium Tower, giai đoạn I.

Trong ngày 17/8/2017, SCB - Chi nhánh Củ Chi đã giải ngân cho Công ty Việt Hân Sài Gòn gần 5.400 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, Công ty Việt Hân Sài Gòn trả hết nợ gốc và lãi của 7 hợp đồng trên cho SCB.

Sang năm 2018, Công ty Việt Hân Sài Gòn tiếp tục thuê Công ty cổ phần thẩm định giá BTE thẩm định tài sản. Chứng thư thẩm định giá lập ngày 15/8/2018 của công ty này xác định tổng giá trị của 4 cơ sở nhà đất vẫn là hơn 7.250 tỷ đồng như… thẩm định lần 1 năm 2017.

Căn cứ chứng thư trên, bà Trương Thị Cẩm Giang tiếp tục đại diện Công ty Việt Hân Sàn Gòn, lần thứ 3, ký hợp đồng thế chấp tài sản với SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch (có thực hiện công chứng các hợp đồng thế chấp, nhưng Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo) để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 7 hồ sơ khách hàng vay ngắn hạn cùng với mục đích vay vốn như các lần trước.

Bảy hợp đồng thế chấp này cùng một nội dung, cùng một tài sản thế chấp, chỉ thay đổi số hợp đồng và được ký cùng một ngày 29/8/2018 tại Phòng Công chứng. Và cũng cùng ngày 29/8/2018, SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch giải ngân cho 7 công vay hơn 6.300 tỷ đồng.

Như vậy, tính từ cuối tháng 12/2015 (Vinafood 2 bán xong 4 cơ sở đất) tới tháng 2/2017 (Công ty cổ phần thẩm định giá BTE xác định giá trị khu đất lần 1), tổng giá trị mảnh đất hơn 6.200 m2 đã tăng từ 730 tỷ đồng lên gần 7.300 tỷ đồng chỉ sau… 11 tháng.

Vinafood 2 cũng thế chấp đất bảo lãnh vay vốn cho công ty thành viên

Trước khi bán sạch đất và tài sản trên đất cho tư nhân, giai đoạn 2010 - 2015, Vinafood 2 không triển khai đầu tư dự án trên hơn 6.200 m2 đất được giao như cam kết, mà ngày 5/12/2014, đem thế chấp cho ngân hàng Giấy chứng nhận toàn bộ khu đất (được xác định là hơn 696 tỷ đồng) để đảm bảo nghĩa vụ vay cho 4 đơn vị hạch toán phụ thuộc. Sau đó, ngân hàng thực hiện giải ngân từ ngày 9/3/2015 hơn 518 tỷ đồng. Đến ngày 9/12/2015, Vinafood 2 đã trả hết nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Nhiều cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB bị truy nã

Trong danh sách các cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB mà Bộ Công an phát lệnh truy nã ngày 29/10/2023 liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có nhiều người làm quản lý SCB giai đoạn 2017-2018 (khi các chi nhánh Phạm Ngọc Thạch và Củ Chi cho thế chấp tổng giá trị tài sản 4 khu đất công Vinafood 2 bán cho tư nhân vay hàng ngàn tỷ đồng) gồm các ông Đinh Văn Thành, Chủ tịch SCB từ năm 2014 đến tháng 2/2021; Chiêm Minh Dũng, Phó tổng giám đốc SCB năm 2017, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022; Sun Henry Ka Ziang, Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục