Ông có nhìn nhận gì về việc USD mạnh lên sau các quyết định tăng lãi suất của Fed?
Nhằm kiềm chế lạm phát, Fed đã có 4 lần nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022 đến nay, khiến USD trở nên đắt hơn tương đối so với đồng Việt Nam (VND). Điều này ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trên nhiều khía cạnh.
Việt Nam là quốc gia thường xuyên duy trì được thặng dư cán cân thương mại, việc USD mạnh lên so với VND tưởng chừng có lợi cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đa số được góp phần bởi các sản phẩm điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử. Nguyên liệu và giá vốn của các sản phẩm này hầu hết phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì vậy, tuy đầu ra xuất khẩu được hưởng lợi, nhưng giá nguyên liệu đầu vào của các ngành này cũng trở nên đắt đỏ hơn.
Việc lãi suất USD tăng cao sẽ khiến các dòng vốn có xu hướng chảy vào USD và thị trường nợ của Mỹ, gián tiếp ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường các nước đang phát triển nói chung.
Để ổn định tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hút ròng VND thông qua kênh tín phiếu. Ông đánh giá như thế nào về công cụ này?
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Ban đại diện Quỹ đầu tư A+, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Quản lý quỹ Amber |
Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái gì về việc tăng lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất USD ngày càng tăng kèm theo nguy cơ lạm phát của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng 2 công cụ là dự trữ ngoại hối và tín phiếu một cách linh hoạt để hạn chế các biến động của tỷ giá và bình ổn thị trường.
Việc hút ròng VND thông qua kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước được nhận định là thật sự cần thiết để kiềm chế lạm phát và bình ổn tỷ giá.
Ở thời điểm hiện tại có thể thấy khá rõ tác động của lạm phát đến nền kinh tế qua việc giá xăng dầu và thực phẩm tăng cao. Nhưng với việc mạnh tay hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước, tôi kỳ vọng rằng, lạm phát trong năm nay vẫn sẽ trong tầm kiểm soát và không tạo ra những cú sốc đối với nền kinh tế.
Giả sử VND mất giá mạnh như nhiều đồng tiền khác trên thế giới, những hệ quả có thể xảy ra là gì?
Đầu tiên, VND mất giá sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp có nguyên vật liệu đầu vào phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu.
Thứ hai, như đã nói ở trên, VND mất giá so với USD có thể gây ra tình trạng chuyển dịch dòng vốn từ VND sang USD, làm giảm cán cân thanh toán, trực tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế do các khoản đầu tư và tiêu dùng trong nước giảm.
Thứ ba, VND mất giá mạnh đồng nghĩa với lạm phát tăng cao, khiến mọi chi phí trở nên đắt đỏ hơn, giảm chất lượng đời sống, khoảng cách giàu nghèo trở nên rõ ràng hơn.
Những yếu tố trên sẽ tạo áp lực lên Ngân hàng Nhà nước về nhu cầu tăng lãi suất cơ bản. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tài sản mang tính rủi ro như cổ phiếu, do các doanh nghiệp sẽ phải trả mức chi phí lãi vay lớn hơn, trong khi tăng trưởng có nguy cơ chậm lại.
Phân tích từ cả góc độ vĩ mô và vi mô, nếu VND mất giá mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên, do tiềm lực vững vàng của nền kinh tế Việt Nam, dòng tiền về bản chất chỉ là dịch chuyển từ các tài sản rủi ro sang các tài sản phòng thủ và tài sản nợ. Quỹ A+ đánh giá, trong những năm tới sẽ có nhiều cơ hội trong mảng tài sản nợ, đặc biệt là tín dụng tư nhân (private credit).
Ông dự báo tỷ giá USD/VND năm nay dao động trong khoảng nào?
Dự báo tỷ giá luôn là một vấn đề khó khăn và không ai có thể nói trước được, do tỷ giá phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và sẽ luôn phải cập nhật theo các sự kiện trên thị trường. Vì vậy, những dự báo của tôi cũng như của Quỹ A+ chỉ sử dụng cho hoạt động nội bộ.