Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu tổng hợp từ các bộ ngành và hiệp hội, ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước đến thời điểm này đều khá dồi dào.
Cụ thể, mặt hàng lương thực, ước tính sản lượng thóc năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn (dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn).
Mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn; thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn.
Riêng tại tỉnh Đồng Nai, tổng đàn gà khoảng 26 triệu con và cung đang vượt cầu nên giá đang ở mức thấp (khoảng 20.000 - 25.000 đ/kg). Công ty Cổ phần CP Đồng Nai, Công ty Chăn nuôi Bình Minh là 2 doanh nghiệp cam kết sản xuất, dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn đối với mặt hàng thịt gà.
Trong khi đó, tổng đàn lợn khoảng 2 triệu con nguồn cung cơ bản đã đảm bảo và giá thịt lợn có xu hướng giảm (giá lợn hơi khoảng 70.000 - 75.000 đ/kg).
Với lượng tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm.
Mặt hàng rau quả, dện tích rau sản xuất 960.000 ha (tương đương năm 2019), sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn (tăng hơn 100.000 tấn so với năm 2019); tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Đối với mặt hàng đường, sản xuất trong nước năm 2020 đạt khoảng 1 triệu tấn đường (công suất của các nhà máy có thể đạt 1,5 triệu tấn, tuy nhiên do lo ngại đường nhập khẩu năm nay sẽ tăng sau khi Hiệp định ATIGA được áp dụng nên các nhà máy phải cắt giảm sản xuất), tồn kho năm trước chuyển sang khoảng 300.000 tấn cùng với lượng đường nhập khẩu tăng khi chính sách thuế nhập khẩu giảm mạnh được áp dụng từ năm 2020, nguồn cung đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Mặt hàng nhận được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh cũng được khẳng định là không lo thiếu. Ước tính năm 2020, trị giá thuốc sản xuất trong nước ước đạt 2,9 tỷ USD, thuốc nhập khẩu ước đạt 4,350 tỷ USD (trong đó: trị giá thuốc thành phẩm nhập khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD, nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc ước đạt 850 triệu USD), thuốc xuất khẩu ước đạt 165 triệu USD.
Như vậy kế hoạch nguồn cung sản xuất và nhập khẩu thuốc đáp ứng đủ nhu cầu thuốc năm 2020 ước khoảng 6,235 tỷ USD.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, trong điều kiện hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra bình thường, với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp (với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng top đầu thế giới như gạo, một số nông thủy sản) và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ (như đường, sữa, dầu ăn…) nên nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng của Việt Nam về cơ bản tự năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Những ngày gần đây, hàng hóa được đưa về các chợ tương đối dồi dào, tuy nhiên do lo ngại về dịch bệnh nên sức mua tại các chợ giảm, người tiêu dùng tại các thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn là tại các chợ. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20-30% so với trước khi có dịch bệnh.
"Chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tường đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đấy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh", ông Đông khuyến cáo.