Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) chất vấn, người nghỉ hưu trước năm 1995 đã cao tuổi, lương hưu thấp, nhiều người chật vật mưu sinh. Nhấn mạnh đây là nhóm người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh, đại biểu muốn biết Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tuy phải dừng cải cách tiền lương nói chung, nhưng trong đề xuất của Chính phủ vẫn đề nghị cho phép điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và người có lương hưu thấp.
Ông cho biết, Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên, sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định vấn đề đại biểu nêu. Trước đây dự kiến 1/7/2022 sẽ điều chỉnh lương hưu, nhưng do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, vì thế Bộ đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1/1/2022. Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỷ đồng. Trong đó điều chỉnh cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người có lương hưu chưa đạt 2,5 triệu đồng/tháng.
Phấn đấu đến ngày 1/1/2022, người về hưu được hưởng chính sách mới, Bộ trưởng "hứa" với đại biểu.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tình trạng bán sổ bảo hiểm xã hội. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói rõ, khái niệm bán sổ bảo hiểm xã hội thực chất là người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội sau đó rút để hưởng chính sách một lần, do ngại đi làm thủ tục hay lý do khác, nên nhượng lại sổ bảo hiểm xã hội đó cho người khác để đi lĩnh hưởng. Bản chất của vấn đề này, theo Bộ trưởng, phải làm sao giảm hưởng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ông Dung cũng thông tin, năm 2021 có khoảng 870.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, nếu so với 2020, con số này tăng rất nhiều. Giải pháp, theo Bộ trưởng là cần căn cơ, việc đầu tiên là phải chăm lo cho đời sống người lao động, vì đa phần người rút bảo hiểm xã hội một lần và bán sổ bảo hiểm xã hội đều là người khó khăn, có hoàn cảnh éo le.
Để giải quyết từ gốc phải nâng cao đời sống người lao động. Khi có đời sống tốt rồi thì chắc chắn không bao giờ họ bán sổ bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Giải pháp nữa cũng được Bộ trưởng đề cập là cần tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu về sự cần thiết và ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, để họ có khoản lương hưu khi về già. Khi nào có văn hóa an sinh, văn hóa bảo hiểm thì khi đó mới thành công.
Giải pháp tiếp theo là sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã hoàn thiện hồ sơ và phấn đấu năm 2022 trình Quốc hội xem xét. Trong đó, bên cạnh cho hưởng chính sách một lần sẽ tăng cường lợi ích khác với người lao động, Bộ trưởng trả lời đại biểu.