Kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm
Lãi suất huy động điều chỉnh mạnh trong những tháng gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước có 4 lần hạ lãi suất điều hành kể từ giữa tháng 3/2023. Mặt bằng lãi suất huy động hiện nay là 7%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ giảm còn 6,5 - 6,7%/năm vào cuối năm 2023, dựa trên cơ sở nhu cầu tín dụng ở mức thấp do kinh tế giảm tốc, thị trường bất động sản ảm đạm, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước có dư địa giảm thêm lãi suất điều hành.
Về lãi suất điều hành, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ, trước đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 1,5%/năm so với đầu năm 2023, xuống 4,5%/năm. UOB dự đoán, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm thêm 1%/năm trong quý III/2023, trước khi Ngân hàng Nhà nước tạm dừng nới lỏng tiền tệ để đánh giá các tác động.
Hoạt động xuất khẩu yếu với khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6/2023 và có thể chuyển sang giảm lãi suất từ năm 2024, niềm tin vào tỷ giá hối đoái ổn định…, các yếu tố này đã thúc đẩy triển vọng cắt giảm lãi suất tiếp theo của Việt Nam.
Trong khi đó, HSBC dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ thêm 0,5%/năm lãi suất điều hành trong quý III/2023 và tăng trưởng GDP nhiều khả năng có bước ngoặt lớn vào quý IV.
Lãi suất điều hành được dự báo sẽ giảm thêm 0,5 - 1%/năm trong quý III/2023.
Theo HSBC, trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra các biện pháp kích cầu kinh tế và Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có các quyết định hạ lãi suất điều hành trong thời gian qua. Lạm phát hạ nhiệt, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định hỗ trợ cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Qua đó, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay giảm mạnh so với đầu năm 2023, mức lãi suất cao nhất được các ngân hàng niêm yết đều dưới 8%/năm.
Một số ngân hàng tư nhân đưa lãi suất tiền gửi cao nhất xuống dưới 7%/năm như SCB, ACB, TPBank. Riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank), lãi suất huy động cao nhất là 6,3%/năm.
Liên quan đến tỷ giá, các nhà phân tích tài chính cho rằng, chênh lệch lãi suất USD - VND nới rộng sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và tạo nên áp lực mất giá tiền đồng. Hiện chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4%/năm đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6%/năm đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Áp lực tỷ giá sẽ hạn chế khả năng giảm lãi suất điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước đang đứng về mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nên cơ quan này có thể tiếp tục có động thái nới lỏng tiền tệ, tạo điều kiện để các ngân hàng tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng.
Áp lực lãi vay vẫn lớn
Lãi suất cho vay mới hiện nay chủ yếu được các ngân hàng ưu đãi trong vài tháng đầu, sau đó áp dụng mức cố định hoặc lãi suất thả nổi, phổ biến từ 11%/năm trở lên, riêng lãi suất cho vay mua nhà quanh mức 12 - 13%/năm. Áp lực lãi vay vẫn lớn, khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đối mặt với khó khăn kéo dài.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm, đồng thời đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright đánh giá, lãi suất điều hành đã giảm 4 lần, song lãi vay cao khiến nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận vốn vay, dẫn đến tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay ở mức thấp (4,73%). Mặt khác, “sức khỏe” của không ít doanh nghiệp suy giảm, triển vọng kinh doanh bấp bênh nên ngân hàng thận trọng khi xét duyệt cho vay nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu. Thời gian tới, lãi suất có thể giảm vì các ngân hàng có dư địa để làm việc này, nếu không có dư địa thì dù có chỉ đạo cũng khó có thể thực hiện.
Lãi suất cho vay khó có thể quay về thời tiền rẻ như giai đoạn dịch Covid-19.
Đồng quan điểm, một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng dự báo, lãi suất sẽ có xu hướng giảm và tốc độ giảm lãi suất cho vay trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ mạnh hơn so với trước, bởi dòng vốn huy động giá rẻ dần nhiều lên. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất tiền gửi vẫn thực dương cao, nguồn vốn trong các ngân hàng đang dồi dào sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, qua đó mở rộng dòng chảy tín dụng vốn dĩ tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm. Lãi suất huy động thời gian tới cũng có thể giảm, nhưng dự kiến không nhiều vì có khả năng dòng vốn sẽ dịch chuyển sang kênh đầu tư khác, ví dụ như chứng khoán.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6/2023 mới đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022 và bằng một phần ba kế hoạch ban đầu cho năm 2023 là 14 - 15%. Trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, với mức giao toàn hệ thống các tổ chức tín dụng khoảng 14%. Nếu hoàn thành mục tiêu này thì dự kiến sẽ có hơn 1 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế từ nay đến cuối năm. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức, đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.