Brexit là gì?
Những ngày này, Brexit, viết tắt của việc Vương quốc Anh (UK) rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đang là vấn đề gây tâm lý lo ngại trong giới đầu tư quốc tế. Nhưng, câu chuyện đi hay ở EU không phải là câu chuyện quá mới với người dân Anh.
Ngược dòng thời gian, EU ra đời từ năm 1951, tiền thân là Cộng đồng Than và Thép châu Âu được lập ra bởi 6 quốc gia nhằm tận dụng hoạt động thương mại tự do để vực dậy nền kinh tế “lục địa già” sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1957, Hiệp ước Rome tạo nên Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC). EU được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht vào ngày 1/11/1993 dựa trên EEC và hiện đã phát triển thành cộng đồng gồm 500 triệu dân với 28 quốc gia thành viên.
Chính phủ Anh cố gắng gia nhập vào khối này, nhưng Tổng thống Pháp lúc đó là Charles de Gaulle liên tục từ chối đơn xin gia nhập của UK vào các năm 1963 và 1967. Cuối cùng, đến năm 1973, Vương quốc Anh mới trở thành thành viên của EU.
Tuy nhiên, người dân Vương quốc Anh từ lâu đã có xu hướng tách khỏi châu Âu, bởi họ luôn coi Anh là một đảo quốc có những truyền thống và bản sắc riêng. Chỉ 2 năm sau khi Anh gia nhập EEC, vào năm 1975, Anh đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở. Kết quả, hơn 67% cử tri Anh đã bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại EEC. Sau hơn 40 năm gắn kết, Anh vẫn đứng ngoài khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và khu vực tự do đi lại (Shenghen).
Tại Bruges, Bỉ, năm 1988, Thủ tướng Anh lúc đó là Margaret Thatcher đã đọc diễn văn chống lại những đề án của Cộng đồng Châu Âu (EC). Bài diễn văn gây ra nhiều ý kiến phản bác từ các nhà lãnh đạo châu Âu và lần đầu tiên phô bày tình trạng phân hóa bên trong Đảng Bảo thủ về các vấn đề châu Âu. Qua từng năm, nhóm thiểu số hoài nghi về EU (Eurosceptics) ngày càng lớn và len lỏi vào tư tưởng của một số thành viên Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameroon. Có đến 5 Bộ trưởng trong Chính phủ của ông Cameron và hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp nước này đứng về quan điểm ủng hộ việc Anh rời khỏi EU.
Sau thắng lợi của Đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/2015, Thủ tướng Anh, David Cameron đã phải nhanh chóng bắt tay thực hiện những cam kết trong thời gian tranh cử, trong đó có việc tiến hành cuộc trưng cầu dân ý nhằm phản hồi những lời kêu gọi ngày càng gia tăng từ các dân biểu thuộc Đảng Bảo thủ của ông và các dân biểu của Đảng UK Độc lập (UKIP).
Nếu việc Anh rời khỏi EU được thông qua, điều này sẽ ảnh hưởng tới thương mại và tăng trưởng kinh tế của cả EU và Anh. Một lợi ích rõ ràng nhất của việc tách ra khỏi EU là Anh sẽ không còn phải trợ cấp cho các nước nghèo hơn trong Liên minh, nên tiết kiệm được khoảng 0,53% GDP hàng năm. Tuy nhiên, thương mại với các nước thành viên EU của Anh sẽ giảm sút. Các hàng rào thuế và phi thuế sẽ làm giảm khả năng tập trung vào các ngành có lợi thế cạnh tranh của Anh, từ đó làm giảm thu nhập. Cục Dự trữ Anh dự báo, mỗi năm, một hộ gia đình có thể bị giảm 4.300 bảng Anh và cho đến năm 2030, GDP của Anh sẽ bị giảm 6% nếu nước này rời khỏi EU.
Về mặt lao động, 3/4 số người nhập cư từ EU đang làm việc tại Anh sẽ không đủ điều kiện được cấp visa nếu Anh rời EU. Việc hạn chế lao động nhập cư sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho người bản địa. Tuy nhiên, lao động được ví như thương mại hàng hóa và hạn chế lao động cũng giống như đặt ra các hàng rào thương mại. Brexit sẽ làm giảm GDP từ 1 – 1,6% do giảm nguồn cung lao động. Những ngành cần nhiều lao động phổ thông như nông nghiệp, thực phẩm và dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Việc Anh rời EU có thể sẽ châm ngòi cho thời kỳ biến động tại châu Âu. Tất cả các nước EU đều phải chịu tổn thất nếu Brexit thực sự xảy ra, trong đó Ireland chịu thiệt hại nhiều nhất, tiếp theo là Hà Lan và Bỉ. Một số nước ngoài EU như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ lại hưởng lợi do thương mại được hướng sang các nước này nhiều hơn.
Brexit đã và đang gây ra tâm lý lo ngại trong giới đầu tư quốc tế, khiến họ dịch chuyển đầu tư từ các tài sản rủi ro như cổ phiếu sang các tài sản ít rủi ro hơn, bao gồm vàng và đồng Yên. Hệ quả là cả vàng và đồng Yên đã lên giá mạnh. Trong vòng 1 tuần, đồng Yên đã tăng 2,7% so với đồng USD, còn tính từ đầu năm nay, đồng tiền này đã tăng giá tới 15,4% so với đồng USD.
Sự lên giá của đồng Yên hiện vẫn chưa có điểm dừng, dự báo đồng Yên có thể phá vỡ ngưỡng 100 Yên/USD và tăng giá lên 92 - 95 Yên/USD. Theo thống kê của ANZ, các quỹ đầu cơ ngoại tệ đã tiếp tục nâng trạng thái mua đồng Yên thêm 2,2 tỷ USD trong tuần qua, đưa tổng trạng thái mua ròng đồng Yên lên 5,3 tỷ USD, mức cao nhất 7 tuần. Đây là tin không vui cho các quốc gia phải vay nợ nhiều bằng đồng Yên, trong đó có Việt Nam.
Hiện tại, nợ công của Việt Nam có gần 40% là vay bằng đồng Yên (tương ứng 45 tỷ USD), tiếp theo là USD 25% và Euro 15%. Gánh nặng trả nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách vốn đã rất lớn trong năm 2016 và các năm tiếp theo lại đang bị đè nặng hơn khi đồng Yên lên giá. Bên cạnh nợ công, nhiều doanh nghiệp vay bằng đồng Yên như doanh nghiệp thuộc ngành điện và xi măng cũng sẽ phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn.
Dòng vốn đổ vào cổ phiếu toàn cầu vốn đã giảm do lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm và bất ổn gia tăng, nay có thêm yếu tố tỷ giá sẽ khiến cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản phải cân nhắc kỹ khi đầu tư ra nước ngoài.
Về thương mại, do quy mô của kinh tế Anh không lớn nếu so với Mỹ hay EU, nên ảnh hưởng từ Brexit đến kinh tế các thị trường mới nổi về tổng thể là rất nhỏ. Capital Economics dự báo, nếu kinh tế Anh giảm sâu đến 5% và nhập khẩu giảm 10% thì xuất khẩu của các thị trường mới nổi chỉ giảm 0,1% tổng GDP. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến các nước là không đồng đều. Nước có tỷ trọng xuất khẩu sang Vương quốc Anh cao trong tổng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn và ngược lại.
Trong năm 2015 và 5 tháng 2016, xuất khẩu sang Anh của Việt Nam chiếm khoảng 2,9% tổng giá trị xuất khẩu cả nước (hay 2,3% GDP). Đây là một tỷ lệ tương đối cao, thậm chí cao hơn cả một số nước trong EU. Campuchia, Việt Nam và Hong Kong là những nơi bên ngoài EU sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất khi kinh tế Anh giảm sút.
Với giá trị xuất khẩu sang Anh là 4,6 tỷ USD trong năm 2015, nếu nhập khẩu của Anh giảm 10% thì giá trị tuyệt đối ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sẽ là 460 triệu USD, tương ứng 0,23% GDP.
Tuy nhiên, các giả định trên chỉ là giả định khi Anh rời EU và có tác động tức thì đến thương mại các nước. Thực tế thì ngay cả khi người dân Anh biểu quyết rời EU, sẽ còn 2 - 3 năm nữa để Anh có thể chính thức rời khỏi EU.
Một điều quan trọng nữa là các cuộc khảo sát trước đây tại Vương quốc Anh như cuộc khảo sát trước cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland năm 2014 hay tổng tuyển cử năm 2015 đã đều cho kết quả sai hoàn toàn. Vì vậy, chỉ với một mức chênh lệch không lớn của tỷ lệ người muốn “đi” trong các cuộc khảo sát trước ngày 23/6, không có gì đảm bảo đa số người dân Vương quốc Anh sẽ quyết định rời EU. Một kịch bản lạc quan là Vương quốc Anh sẽ tiếp tục ở lại EU, các ảnh hưởng về thương mại sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, các ảnh hưởng gián tiếp là tỷ giá và dòng vốn nước ngoài vẫn sẽ có tác động đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.