Lúng túng với hồ sơ niêm yết mới trên HOSE

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) quá tải kéo dài, nhưng giải pháp không tiếp nhận hồ sơ niêm yết mới vẫn chưa có quyết định chính thức.
Trước tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE, một số doanh nghiệp được kêu gọi chuyển sang giao dịch tại HNX. Ảnh: Lê Toàn. Trước tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE, một số doanh nghiệp được kêu gọi chuyển sang giao dịch tại HNX. Ảnh: Lê Toàn.

Đón thêm hàng tỷ cổ phiếu

Tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE diễn ra trong thời gian dài, khiến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sử dụng phương án tạm thời là kêu gọi một số doanh nghiệp niêm yết chuyển giao dịch sang Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Vậy nhưng, kể từ đầu năm đến nay, HOSE đã đón nhận thêm hơn 4 tỷ cổ phiếu mới lên sàn. Cụ thể, ngày 28/1 có 1,1 tỷ cổ phiếu OCB của Ngân hàng Phương Đông chuyển giao dịch từ UPCoM sang. Ngày 3/3, 18 triệu cổ phiếu HHP của Công ty cổ phần Giấy Hoàng Hà Hải Phòng chuyển từ HNX sang. Ngày 10/3, HOSE trao quyết định niêm yết cho hơn 15 triệu cổ phiếu VCA của Công ty cổ phần Thép VICASA - VNSTEEL từ UPCoM.

Ngày 24/3, cổ phiếu SSB của Ngân hàng SeABank chính thức giao dịch trên HOSE với khối lượng 1,2 tỷ đơn vị. Cùng ngày, gần 35 triệu cổ phiếu AAT của Công ty cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa được đưa vào giao dịch.

Trước thắc mắc về việc HOSE niêm yết mới hàng tỷ cổ phiếu, trong khi tình trạng quá tải giao dịch chưa được khắc phục, ngày 30/3, Bộ Tài chính có văn bản cung cấp thông tin về vấn đề này.

Theo đó, doanh nghiệp niêm yết mới là những doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết và hoàn tất thủ tục niêm yết, giao dịch theo đúng quy định. HOSE đã thực hiện không tiếp nhận hồ sơ niêm yết mới.

Cơ quan quản lý đang cân nhắc hướng giải quyết đối với các doanh nghiệp dự kiến niêm yết mới tại HOSE trong thời gian tới và sẽ sớm có giải pháp để đảm bảo không gây quá tải lên hệ thống giao dịch, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý sự cố hệ thống giao dịch của HOSE do lãnh đạo Bộ Tài chính làm Trưởng ban, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm Phó ban, các thành viên đến từ một số đơn vị thuộc Bộ, Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán, để chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp xử lý tình trạng nghẽn lệnh.

HOSE chưa thể cung cấp thông tin

Hiện tại, không ít doanh nghiệp vẫn đang triển khai kế hoạch niêm yết trên HOSE. Trong đó, đáng chú ý là Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (DXS), vốn điều lệ hơn 3.200 tỷ đồng dự kiến phát hành ra công chúng (IPO) tối đa hơn 71,66 triệu cổ phiếu kể từ ngày 31/3, kết thúc IPO ngày 19/4, nhận chấp thuận niêm yết ngày 17/5 và chính thức giao dịch từ ngày 24/5 trên HOSE.

Hiện tại, không ít doanh nghiệp vẫn đang triển khai kế hoạch niêm yết trên HOSE.

Liệu DXS có thể niêm yết trên HOSE khi có chủ trương tạm ngừng cấp phép niêm yết mới do nghẽn lệnh?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, Sở chưa nhận được văn bản chính thức về việc không nhận niêm yết mới. Về thời điểm dự kiến niêm yết của DXS vào tháng 5, hiện tại, HOSE chưa thể cung cấp thêm thông tin.

Theo website HOSE, một số công ty nộp hồ sơ niêm yết giai đoạn cuối năm 2020 gồm Công ty cổ phần Lê Bảo Minh (nộp hồ sơ ngày 30/12/2020, đăng ký niêm yết 50 triệu cổ phiếu), Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển bất động sản FLCHOMES (nộp hồ sơ ngày 23/12/2020, đăng ký niêm yết 416 triệu cổ phiếu), Ngân hàng Nam Á (nộp hồ sơ ngày 2/12/2020, đăng ký niêm yết hơn 45,6 triệu cổ phiếu), Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (nộp hồ sơ ngày 19/11/2020, đăng ký niêm yết hơn 40,4 triệu cổ phiếu), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (nộp hồ sơ ngày 12/11/2020, đăng ký niêm yết 130 triệu cổ phiếu)...

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục