Lùi thông qua Luật Đất đai để ngăn sự "chín ép" của văn bản luật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đồng thuận với Quốc hội về quyết định lùi thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chuyên gia pháp lý - TS. Cao Vũ Minh, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ một số quan điểm về sự cần thiết phải cẩn trọng trong ban hành văn bản luật.
Lùi thông qua Luật Đất đai để ngăn sự "chín ép" của văn bản luật

Quốc hội vừa quyết định lùi thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mặc dù dự thảo Luật này đã được xem xét, thảo luận tại 3 kỳ họp Quốc hội. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, một đạo luật sẽ được thông qua sau tối đa 3 kỳ họp Quốc hội. Tính đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV thì Quốc hội đã thảo luận lần thứ ba đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tuy vậy, cho đến giờ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn quá nhiều quan điểm khác nhau mà chưa có phương án tối ưu giải quyết. Cụ thể, Dự án có 20 nội dung có 2 phương án điều chỉnh và 2 nội dung có 03 phương án điều chỉnh.

Điều này chứng tỏ Ban soạn thảo vẫn rất băn khoăn với những nội dung do chính mình soạn thảo. Các vấn đề lớn như Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; tài chính đất đai; quản lý giá đất... đều vẫn chưa rõ ràng.

Do đó, tôi cũng đồng thuận về việc Quốc hội chưa thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 này. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quyền đề nghị để Quốc hội xem xét, quyết định trong kỳ họp sau, theo khoản 6 Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, là phù hợp.

Hiện thị trường nhà ở, bất động sản đều đang có những "điểm nghẽn" phải trông chờ sửa Luật Đất đai để khơi thông. Việc không thể thông qua cùng lúc Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản như kế hoạch có phải là điều rất đáng tiếc?

Ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng của Quốc hội khóa XV. Sự kỳ vọng có được một đạo luật chất lượng, khai phóng những điểm nghẽn liên quan đến cơ chế dịch chuyển đất đai đặt trọng trách nặng nề lên vai Quốc hội.

Sự trông chờ quy trình xác định giá đất phải công khai, minh bạch, thống nhất và gắn liền với trách nhiệm giải trình nhằm phản ánh đúng bản chất của giá đất khiến cho Quốc hội càng phải kỹ lưỡng, thận trọng trong việc bấm nút thông qua đạo luật quan trọng này.

Chuyên gia pháp lý - TS Cao Vũ Minh

Chuyên gia pháp lý - TS Cao Vũ Minh

Bên cạnh đó, Luật Đất đai là một văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng bởi có sự tác động đến hơn 37 luật có liên quan. Quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực đất đai đều có sự tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Do dự án Luật Đất đai có mối quan hệ mật thiết với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nên việc Quốc hội muốn thông qua cả 3 dự án luật trong một kỳ họp là điều hợp lý.

Tuy nhiên, tính hợp lý này chỉ có thể đạt được khi nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật có sự tương thích, thống nhất với nhau bởi bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật là nguyên tắc rất quan trọng trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nói như vậy có nghĩa là bất kỳ sự cưỡng cầu nào mang tính "chín ép" đều có thể dẫn đến hệ luỵ đáng tiếc.

Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Còn nhớ năm 2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII đã thông qua 4 đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam là Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Việc thông qua 4 đạo luật này được đánh giá là sự cố gắng rất lớn của Quốc hội khoá XIII trong việc bảo đảm tính tương thích của các luật điều chỉnh vấn đề liên quan đến tư pháp hình sự.

Tuy nhiên, việc cố gắng thông qua 4 đạo luật trong một kỳ họp đã dẫn đến những áp lực trong quá trình soạn thảo, thảo luận, quyết định. Sự "chín ép" đã khiến cho Bộ luật Hình sự có rất nhiều khiếm khuyết và sau đó Quốc hội phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự ngay cả khi Bộ luật này chưa có hiệu lực pháp luật.

Một hệ luỵ khác kéo theo là Quốc hội phải ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 lùi thời điểm có hiệu lực của 3 luật có liên quan là Bộ luật tố tụng hình sự; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Trước đó, từng có ý kiến cho rằng, để kịp thời tháo gỡ vấn đề pháp lý bất động sản hiện nay thì nên thông qua Luật Đất đai đối với những vấn đề nguyên tắc cơ bản, còn những vấn đề thuộc về kỹ thuật lập pháp thì có thể để lại kỳ họp sau?

Tôi cho rằng đối với một đạo luật, một khi chưa thể thống nhất phương án hành vi thì cũng không nên tuyên ngôn trước làm gì.

Những luận điểm kiểu "Nhà nước tạo điều kiện...", Nhà nước có chính sách..." không thể giải quyết tận gốc các "điểm nghẽn" vì sau các tuyên ngôn cơ bản thì cần có sự thống nhất rõ ràng để triển khai thực hiện. Ví dụ, Nhà nước cho chủ trương và tạo điều kiện xong thì ai làm, tiền đâu để làm, thủ tục thế nào?...

Càng không nên vội vã quyết định thông qua một đạo luật quan trọng rồi uỷ quyền lập pháp cho Chính phủ thông qua công thức “Chính phủ quy định chi tiết điều này”; bởi chính Quốc hội, chứ không phải Chính phủ, mới là cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Là chuyên gia có nhiều công trình nghiên cứu, phản biện về Luật Đất đai, quan điểm của ông thế nào về phiên bản mới nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

Là một đạo luật rất quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống, việc soạn thảo dự án Luật đất đai (sửa đổi) không tránh khỏi nhiều quan điểm.

Tuy nhiên, luật là hiện thân của công lý và là điểm cân bằng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau. Do đó, dự án Luật đất đai (sửa đổi) cần được nghiên cứu, soạn thảo kỹ lưỡng cũng như bảo đảm tính cẩn trọng, hài hoà lợi ích trong quyết định thông qua cuối cùng.

Dự thảo cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và nhân dân. Cần tiếp tục hoàn chỉnh để có dự thảo tốt nhất trình QH xem xét tại kỳ họp lần sau.

Đối với những nội dung có 2-3 phương án, Ban soạn thảo cần khẳng định phương án mà theo quan điểm của ban soạn thảo là tối ưu để có quan điểm chính thức cho Quốc hội lựa chọn.

Về các nội dung cụ thể thì tôi cho rằng, cần quyết liệt trong quan điểm xác định giá đất và phương pháp tính toán để giá đất được xem là phù hợp với giá thị trường, thu hồi đất không nên theo trình tự rút gọn vì vấn đề này ảnh hưởng nhiều đến quyền con người nên không thể rút gọn...

Ngày 1/11/2022, tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV, Chính phủ lần đầu trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau 10 năm áp dụng Luật Đất đai 2013.

Sau đó, dự thảo Luật tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận tại hai kỳ họp Quốc hội tiếp theo là kỳ họp thứ 5 (vào tháng 5,6/2023) và Kỳ họp thứ 6 (vào tháng 10, 11/2023); được lấy ý kiến rộng rãi các bộ ban ngành, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân (đạt trên 12 triệu lượt góp ý).

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật này vào sáng 29/11. Tuy nhiên sau khi thảo luận tại hội trường hôm 3/11 và tại phiên họp giữa hai đợt họp Quốc hội của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/11, Quốc hội thống nhất chưa thông qua tại kỳ họp này.

Chiều 22/11, 453/459 đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc lùi thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến kỳ họp thứ 7 dự kiến vào tháng 6/2024.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục