Cụ thể, trong tháng 2/2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 6,16 triệu lượt, tăng 57,8% so với tháng 2/2021, trong đó khách quốc tế lần đầu tiên vượt mốc hơn 100.000 lượt khách, tăng 350% so với tháng 2/2021. Với các hãng bay trong nước, sản lượng vận chuyển hành khách trong tháng 2 đạt 3 triệu lượt khách; khách quốc tế đạt 39.400 lượt, tương ứng mức tăng 56,8% và 3.009% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế, tín hiệu phục hồi đã bắt đầu xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2022 khi các sân bay tấp nập hành khách trở lại. Trên bầu trời, những chuyến bay nối tiếp sải cánh, báo hiệu một “trạng thái bình thường mới” chính thức trở lại sau 2 năm đóng băng vì đại dịch.
Cùng với hàng chục đường bay quốc nội đang tăng dần tần suất, các hãng bay Việt Nam đã khôi phục phần lớn các chuyến bay quốc tế thường lệ đến và đi; mạng đường bay quốc tế sẽ được nối lại gần như toàn bộ trong tháng 3/2022 khi được nhà chức trách Việt Nam và nước ngoài cho phép mở cửa hoàn toàn.
Cánh cửa giao thương, đầu tư, du lịch theo những cánh bay dự báo sẽ sớm được mở rộng, bật dậy mạnh mẽ như sức sống mùa Xuân.
Song, khó khăn mà ngành hàng không trong nước phải đối mặt còn rất nhiều. Ngoài việc duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, với nhiều biến chủng khó lường, thì giá nhiên liệu bay tăng nhanh, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp… sẽ khiến việc triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều thách thức.
Đặc biệt, dù đã có những tín hiệu phục hồi, nhưng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không còn ở mức thấp. Phần lớn đường, tuyến bay trong nước và quốc tế hiện chỉ đông khách một chiều. Trong khi đó, do tính chất đặc thù của ngành hàng không, các hãng bay vẫn phải trả chi phí cố định rất lớn như phí thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ và các chi phí duy trì hoạt động khác. Điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ suy kiệt về tiền mặt và gia tăng nợ phải trả quá hạn.
Trên thực tế, các hãng bay cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề liên quan đến môi trường sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn như dư thừa nguồn lực tàu bay, cạnh tranh về giá vé. Những vấn đề này sẽ tác động lâu dài, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của hàng không nội địa so với các hãng hàng không nước ngoài. Đây đều là hệ quả xuất phát từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với ngành hàng không Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ và các cấp, các ngành đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ ngành hàng không với quy mô lớn, đồng bộ. Thế nhưng, khó khăn chính mà ngành hàng không phải đối mặt hiện nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch bệnh Covid -19. Do đó, kể cả khi thực hiện tất cả giải pháp nội lực và giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, thì với tình hình dịch bệnh có khả năng kéo dài như hiện nay, ngành này sẽ phải giải quyết một loạt khó khăn, đặc biệt là khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục.
Như vậy, Nhà nước cần có thêm quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng là cần thiết để giúp ngành hàng không chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, theo đó, giải pháp chính có thể được cân nhắc, xem xét trong giai đoạn 2022-2025.
Thứ nhất, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét duy trì và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, duy trì hoạt động liên tục và tạo đà phát triển cho các hãng hàng không thông qua hỗ trợ giảm thuế phí nộp ngân sách nhà nước, giảm thêm thuế bảo vệ môi trường, giảm giá dịch vụ điều hành bay và dịch vụ cảng hàng không. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho những doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh…
Thứ hai, cần điều tiết thị trường hàng không để hướng đến sự khôi phục, phát triển bền vững là rất quan trọng, bao gồm việc xem xét phê duyệt cấp phép kinh doanh vận tải hàng không cho hãng hàng không mới và cấp đăng ký tàu bay bổ sung phù hợp với tốc độ tăng trưởng của thị trường. Đồng thời, xem xét mở cửa có lộ trình đối với các hãng hàng không nước ngoài để bảo vệ các hãng hàng không trong nước.
Cùng với hai giải pháp nói trên, điều kiện căn bản nhất để ngành hàng không có cơ hội phục hồi vẫn là phải kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch hiệu quả. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước cần chung tay phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức trong ngành hàng không, có chính sách riêng cho lĩnh vực này để vừa xây dựng sản phẩm dịch vụ an toàn, vừa góp phần khôi phục và phát triển kinh tế.