Lực đẩy của ngành thép sẽ lớn dần

(ĐTCK) Ngành thép đang đón nhận những yếu tố tích cực, kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong giai đoạn cuối năm 2024 cũng như năm 2025.
Nhu cầu nội địa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của doanh nghiệp ngành thép

Khó khăn nhất đã qua

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam cho rằng, khó khăn nhất của ngành thép đã qua, kỳ vọng thời gian tới sẽ tăng trưởng tốt.

Thực tế cho thấy, ngành thép Việt Nam sau thời gian dài chịu sức ép từ thép Trung Quốc được đẩy mạnh xuất khẩu thì tình trạng này đang dần được cải thiện. Tính đến hết tháng 11/2024, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 140 triệu tấn thép đi các nước, trong đó Việt Nam nhập khẩu 9 - 10 triệu tấn và xu hướng nhập khẩu đang giảm dần.

Xuất khẩu thép ra thế giới của Trung Quốc cũng giảm và các vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm thép nước này đã tăng lên con số trên 20. Xu hướng áp dụng các biện pháp chống bán giá phá với thép nhập khẩu được kỳ vọng sẽ kích thích sản lượng tiêu thụ thép trong nước.

Mới đây, Bộ Công thương đã gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 24/10/2024 đến ngày 23/10/2029.

Mức thuế áp dụng cho các công ty Trung Quốc cao nhất là 34,27% và Hàn Quốc là 19,25%. Việc gia hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp tôn mạ, giảm bớt áp lực cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Đối với biện pháp chống bán phá giá thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, dự kiến sẽ có kết quả sơ bộ vào cuối quý I/2025.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực, thúc đẩy các ngành sản xuất có động lực phát triển, trong đó có thép.

Hoạt động xây dựng dân dụng trong nước được kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong năm 2025, nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ từ các dự án đầu tư công được dự báo sẽ gia tăng khi nhiều dự án trọng điểm sắp tới thời hạn phải hoàn thành.

Sức bật nhu cầu nội địa

“Nhu cầu tiêu thụ chuyển dịch về thị trường nội địa”, đó là nhận định của giới phân tích về bức tranh ngành thép cuối năm 2024 và năm 2025. Động lực chính là sự hồi phục của thị trường bất động sản khi nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM được dự báo tăng trung bình 21%/năm trong giai đoạn 2025 - 2026.

Sức bật từ nhu cầu nội địa sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của doanh nghiệp ngành thép trong thời gian tới. Theo ông Đặng Trần Phục, trong đà phục hồi của ngành thép, lợi thế thuộc về những doanh nghiệp có chuỗi sản xuất sâu như Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), mà động lực lớn đến từ dự án Dung Quất 2.

Ngày 5/12/2024, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, một thành viên của Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức khai lò thổi 300 tấn tại Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, nằm trong Khu kinh tế Dung Quất.

Theo kế hoạch, siêu dự án sẽ được đưa vào sản xuất giai đoạn 1 trong năm 2025, lò cao 1 đi vào vận hành 50% công suất, tương đương 1,4 triệu tấn, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát. Đến năm 2026, lò cao số 2 sẽ bắt đầu hoạt động với 50% công suất, trong khi công suất lò số 1 được nâng lên 80%. Đến năm 2028, toàn bộ hệ thống sẽ đạt công suất tối đa.

Tại Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách bảo hộ ngành tôn mạ được gia hạn trong bối cảnh nhu cầu nội địa hồi phục mang lại động lực tích cực, kỳ vọng sẽ gia tăng sản lượng trong tiến trình phục hồi.

Giá thép được nhận định có thể bắt đầu chu kỳ đi lên nhờ nhu cầu nội địa gia tăng khi thị trường bất động sản có tín hiệu mở rộng nguồn cung và xu hướng hạ lãi suất của các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, ASEAN giúp kích thích thị trường nhà ở. Trong khi đó, nhu cầu thép tại Trung Quốc có triển vọng phục hồi sau các biện pháp kích cầu kinh tế của Chính phủ.

Công ty Chứng khoán Shinhan dự báo, niên độ tài chính 2024/2025, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen có thể tăng 10%, đạt 2,1 triệu tấn, trong đó tôn mạ tăng 14% và ống thép tăng 4%. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế được dự báo lần lượt đạt 45.933 tỷ đồng (tăng 17%) và 1.213 tỷ đồng (tăng 138%).

Một doanh nghiệp khác có thị phần tôn mạ lớn là Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG), kỳ vọng vào thị trường nội địa bởi hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi và các dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, Thép Nam Kim vẫn chịu sự cạnh tranh từ thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi quyết định chống bán phá giá tạm thời chưa được áp dụng.

Bà Võ Thị Ngọc Hân, Giám đốc Nghiên cứu cao cấp ngành công nghiệp và công nghệ, Công ty Chứng khoán TP.HCM cho rằng, ngành thép có triển vọng lạc quan nhờ hoạt động đầu tư lớn của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng, cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản khi các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, dự án được khơi thông. Dự báo, tiêu thụ thép tại Việt Nam khi kết thúc năm 2024 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 14% và năm 2025 tăng 11%.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục