Lực cầu ẩn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi những tin tức căng thẳng địa chính trị còn đậm đặc, ảnh hưởng đến TTCK toàn thế giới, có thể nói Việt Nam tiếp tục chứng minh là một trong những quốc gia có TTCK chống chịu tốt khi đến thời điểm này có mức suy giảm khá nhẹ nhàng.
Lực cầu ẩn

Điều này càng gây chú ý khi mà hầu hết các thị trường lớn khác đều mất hàng chục phần trăm điểm số, thậm chí rơi vào downtrend.

Việc chỉ số có thể giữ được ở vùng này cho đến thời điểm hiện tại là dấu hiệu tích cực cho TTCK, một số yếu tố tác động đến thị trường khiến cho việc suy giảm chậm là do định giá của VN-Index vẫn đang ở mức tầm trung và khá hấp dẫn, nên chỉ cần ở các nhịp giảm điểm lớn, đều có lực cầu từ các tổ chức trong nước và cả nước ngoài.

Thực tế năm qua cho thấy nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất lớn, khoảng 2,7 tỷ USD theo số liệu thống kê. Tuy vậy, lượng rút ròng tính đến cuối năm 2021 chưa đến 1,2 tỷ USD; trong khi năm 2020 khối này bán ròng chưa đến 2 tỷ USD nhưng rút ròng 1,53 tỷ USD. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn để tiền mặt khá lớn trên thị trường để sẵn sàng “tham chiến”.

Khi VN-Index “khó đánh”, nhà đầu tư ngoại chọn cách giữ lượng cổ phiếu có trong tài khoản nhưng lướt sóng để gia tăng hiệu quả. Một số tổ chức kiếm hàng chục tỷ đồng từ những giao dịch kiểu này. Chuyên mục tiêu điểm “Vốn ngoại lướt sóng” trong số báo này sẽ cắt nghĩa kỹ hơn xu hướng đầu tư của một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài như thế.

Nhìn một cách công bằng, thị trường Việt Nam còn những lý do để hấp dẫn những nhà đầu tư nước ngoài kiên nhẫn. Đặc biệt, khi so sánh với kênh tiền gửi tiết kiệm, nhìn vào mức lãi suất, có lẽ phần lớn nhà đầu tư ngao ngán vì còn chậm hơn tốc độ trượt giá, cho nên họ khó có thể thoát ra khỏi thị trường trong ngắn hạn.

Yếu tố khác khiến trường phái lướt sóng được chuộng bởi thị trường đi ngang, nhưng rất nhiều nhóm cổ phiếu vẫn tăng nóng. Những nhà đầu tư nhanh nhạy trong việc lựa chọn nhóm ngành, cũng đã bắt được những con sóng mạnh dễ thấy ở những nhóm ngành như phân đạm, thủy sản, vận tải biển, thép... Trên thị trường, một số nhóm phục hồi khá mạnh, có nhóm còn vượt đỉnh cũ, trong khi một số nhóm khác vẫn đang liên tục dò đáy.

Cho đến hết tuần qua, nhiều thông tin lớn được cho là ảnh hưởng đến thị trường đang dần ngả bài. Trước hết là động thái tăng lãi suất của Fed được đón nhận khá tích cực do theo đúng kịch bản được dự đoán nên thị trường ngay sau đó có nhịp phục hồi ngắn.

Những tín hiệu giảm nhiệt trên bàn đàm phán Nga - Ukraina cũng đã kéo giá dầu hạ nhiệt về vùng trên dưới 100 USD, kéo nhiều hàng hóa cơ bản quay đầu đi xuống. Tuy nhiên, xu hướng nóng trở lại của nhóm hàng hóa vẫn tiềm ẩn khi nguyên nhân sâu xa của căng thẳng không chỉ nằm ở Nga và Ukraine.

Nhìn lại TTCK các năm trước đều cho thấy giai đoạn chuyển giao của tháng 3 và 4 thường không dễ đầu tư. Một bộ phận nhà đầu tư kiên nhẫn vẫn đang chờ đợi những phiên rũ bỏ lớn để có thể tiến hành giải ngân cho chu kỳ tăng giá tiếp theo.

Trong khi đó, khá đông nhà đầu tư khác chọn cách đánh ngắn, tức là mua cổ phiếu ở vùng hỗ trợ mạnh tại điểm mua, khi có nhịp kéo lên từ 5 -7% là chốt lãi. Rất nhiều nhà đầu tư không chốt lãi đã lỗ ngược ở các phiên sau và chôn vốn cho nhịp chờ phía sau khá dài.

Khi khó có thể nhanh tay lẹ mắt, quan sát bảng điện thường xuyên, nhà đầu tư có thể chọn cách đánh dài, tức là chọn 2-3 ngành có triển vọng trong năm 2022, rồi tiếp tục xem xét triển vọng doanh nghiệp, phân tích mức độ hưởng lợi từ các yếu tố xung quanh và kì vọng để gom dần cổ phiếu. Thị trường luôn có cơ hội, dù sẽ khó… dàn hàng ngang cùng tiến.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục