Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Luật Xây dựng năm 2014 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2014), thay thế cho Luật Xây dựng năm 2003.
Một trong những thay đổi quan trọng của Luật Xây dựng năm 2014 là quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng cách đổi mới mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa; áp dụng các mô hình ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên nghiệp theo chuyên ngành hoặc theo khu vực để quản lý các dự án có sử dụng vốn nhà nước; chấm dứt tình trạng các ban quản lý dự án hoạt động "theo mùa". Đó là khi ngành, địa phương "xin" được dự án đầu tư thì thành lập ban quản lý dự án, xong dự án thì giải thể khiến việc quy trách nhiệm (nếu có) khi công trình xây dựng có vấn đề rất khó.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Luật Xây dựng 2014 đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Quan điểm của Luật là xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của Nhà nước, khắc phục tư tưởng “nhà nước hóa” cũng như tư tưởng “thị trường hóa” một cách thái quá trong quản lý đầu tư xây dựng, nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Theo đó, Luật Xây dựng 2014 có những nội dung đổi mới căn bản:
Một là, phạm vi điều chỉnh của Luật đã điều chỉnh toàn diện các hoạt động đầu tư xây dựng để tạo lập ra sản phẩm cuối cùng là các công trình xây dựng, từ khâu quy hoạch xây dựng, lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cho đến khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng, áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc mọi nguồn vốn.
Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt để các hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo đúng quy hoạch và kế hoạch. Trong đó có bổ sung các quy định về quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng.
Ba là, phân định rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác nhau phải có phương thức và phạm vi quản lý khác nhau.Trong đó, đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc “tiền kiểm” nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; đối với các dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước thì Nhà nước chỉ tập trung kiểm soát về quy hoạch, quy chuẩn tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, còn các nội dung khác thì giao quyền chủ động cho người quyết định đầu tư và chủ đầu tư, nhằm tạo sự chủ động, thu hút tối đa các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng.
Bốn là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng, thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, cấp giấy phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng, kiểm tra nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác sử dụng, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng.
Năm là, đổi mới mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng các mô hình ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên nghiệp theo chuyên ngành hoặc theo khu vực để quản lý các dự án có sử dụng vốn nhà nước.
Sáu là, tăng cường quản lý trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép; làm rõ các đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng; công khai, minh bạch, đơn giản hóa về quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng; bổ sung, làm rõ các quy định về giấy phép xây dựng có thời hạn, cấp giấy phép xây dựng nhà ở khu vực nông thôn…
Bảy là, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng (người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn) trong từng khâu của quá trình đầu tư xây dựng. Quy định thống nhất thanh tra xây dựng (trực thuộc Bộ Xây dựng và trực thuộc các Sở Xây dựng) là cơ quan thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động đầu tư xây dựng.
Tám là, bổ sung các quy định về bảo hiểm công trình xây dựng.
Để hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành 6 Nghị định gồm:
(1) Nghị định về quy hoạch xây dựng: Quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt đối với các loại quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn; tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng.
(2) Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng: Quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thực hiện dự án đầu tư xây dựng; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; các hình thức quản lý dự án; cấp giấy phép xây dựng và điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.
(3) Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng: quy định chi tiết về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; giải quyết sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình xây dựng; quy định về bảo hành và bảo trì công trình xây dựng.
(4) Nghị định về quản lý chi phí xây dựng xây dựng: quy định chi tiết về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
(5) Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
(6) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Chương trình Hội thảo sẽ diễn ra trong 1 ngày. Báo Đầu tư và baodautu.vn sẽ tiếp tục cập nhật các nội dung mới cũng như các ý kiến phản biện từ phía các chuyên gia, các nhà quản lý về Luật Xây dựng 2014 trước khi Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.