Là luật sư có 15 năm kinh nghiệm và nay là luật sư điều hành hãng luật uy tín, khách hàng gồm nhiều công ty, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế, ông có thể chia sẻ ý tưởng cách đây gần 9 năm khi hợp nhất 2 văn phòng và 2 công ty tư vấn luật để hình thành BROSS & Partners?
Bối cảnh đầu năm 2008, thị trường pháp lý tại Việt Nam phát triển mạnh và rất tiềm năng. Tuy nhiên, hầu hết thị phần đều do các công ty luật nước ngoài và một vài công ty luật lớn trong nước nắm giữ. Để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển thì đối với cá nhân một luật sư hay một công ty luật nhỏ là rất khó khăn.
Lúc đó, mục đích chính cho sự ra đời của BROSS & Partners, chúng tôi muốn xây dựng một công ty luật đủ mạnh để có thể cạnh tranh với các công ty luật nước ngoài và các công ty luật trong nước khác.
Thứ nữa là chúng tôi muốn hướng tới các đối tượng khách hàng lớn và tiềm năng trong nước đang cần tái cơ cấu và phát triển, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đang dự kiến đầu tư vào Việt Nam. Tại thời điểm đó, nhu cầu tư vấn pháp lý của các đối tượng khách hàng này đang phát triển rất mạnh.
Phải nói thêm rằng, bản chất của công ty luật mang tính chất đối nhân nhiều hơn đối vốn. Điều này cũng đồng nghĩa là một công ty luật mạnh và có danh tiếng cần phải có đội ngũ luật sư đủ mạnh, có trí tuệ, năng lực, kinh nghiệm, nhiệt huyết và chuyên biệt với từng lĩnh vực khác nhau để có thể cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. BROSS & Partners được thành lập bởi 5 luật sư sáng lập với mỗi thế mạnh khác nhau và đều có nhu cầu cần phải hợp tác để phát triển tốt hơn.
Trong kinh doanh làm ăn nói chung, để có thể chơi được với nhau đã là khó, hợp tác với nhau lại càng khó hơn. Trong bối cảnh diễn ra trào lưu chia tách của các luật sư, các công ty luật sau một thời gian phát triển, tôi cho rằng, việc các luật sư hợp tác với nhau để ra đời BROSS & Partners là một ý tưởng táo bạo, nhưng cần thiết.
Trước khi chính thức hợp tác, chúng tôi mất hơn 1 năm để thảo luận, thống nhất ý tưởng, các vấn đề nội bộ, quản trị doanh nghiệp. Việc thảo luận thấu đáo và định ra được các nguyên tắc cơ bản cho việc hợp tác và quản trị của công ty luật là tiền đề cơ bản để duy trì sự hợp tác, phát triển lâu dài của công ty.
Đội ngũ lãnh đạo BROSS & Partner
Thương hiệu là niềm tự hào của mỗi doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để truyền bá giá trị hướng đến. Vậy BROSS & Partners mang ý nghĩa ra sao?
BROSS với ý tưởng ban đầu là gắn kết các luật sư như anh em trong một gia đình. Đây cũng là tôn chỉ, giá trị cốt lõi và là mục tiêu xuyên suốt của chúng tôi từ khi thành lập Công ty.
Ngoài việc hợp tác và xây dựng thương hiệu BROSS & Partners, chúng tôi cũng mong muốn xây dựng văn hóa Công ty, môi trường làm việc, trong đó yếu tố con người được đặt lên hàng đầu. Việc gắn kết các luật sư về mặt tình cảm như anh em trong một gia đình luôn được đề cao và coi trọng.
Ngoài ra, giá trị của Công ty được hội tụ trong chính tên gọi: B-R-O-S-S, nghĩa là “Business Mindset and Ethics - Tư duy và Đạo đức kinh doanh”, “Responsiveness - Tính kịp thời”, “Open-mindedness -Tư duy mở”, “Sense of Responsibility -Tinh thần trách nhiệm” và “Solutions - Giải pháp”.
Với tôn chỉ nêu trên, trải qua gần 9 năm hoạt động, chúng tôi không chỉ được ghi nhận ở thị trường dịch vụ pháp lý trong nước, mà còn được nhiều tổ chức quốc tế trong ngành xếp hạng và đánh giá cao như Legal500, Chambers & Partners, IFLR1000…
Ông đã nhắc đến vấn đề con người và đặc trưng của công ty luật là đối nhân hơn đối vốn. Trong khi đó, đặc điểm của luật sư là tính độc lập cao. Khi đạt đến một trình độ, kinh nghiệm và có tên tuổi, nhiều người có xu hướng muốn tách ra hoạt động riêng. Với vai trò là người quản lý, ông có lo ngại trước hiện tượng “chảy máu chất xám”?
Điều này là không thể tránh khỏi. Không chỉ đối với các công ty luật, mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám.
"Trong quản trị công ty luật, ngoài những kỹ năng quản trị cần có của một doanh nhân, cần phải luôn nhìn nhận và đưa ra quyết định trên cơ sở công bằng, khách quan, trung thực, tôn trọng cái đúng"
- Luật sư điều hành BROSS & Partner Trần Anh Hùng.
Để có thể hạn chế được tình trạng này, chúng tôi luôn tâm niệm cần phải xây dựng và duy trì một cơ chế hợp tác và quản trị tốt, trong đó dung hòa được các lợi ích của từng luật sư thành viên, đặc biệt là các lợi ích về kinh tế và cơ hội phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa công ty để nâng cao tính gắn bó giữa các thành viên cùng phát triển công ty.
Về mặt nhân sự, chúng tôi chú trọng vào việc tuyển dụng những cử nhân luật mới ra trường, tạo mọi điều kiện và cơ hội để họ được cọ sát, học hỏi, trực tiếp làm việc với các luật sư có kinh nghiệm để cùng trưởng thành và gắn bó lâu dài với Công ty.
Nghề luật sư hẳn đã giúp ông rất nhiều trong việc quản trị công ty?
Quản trị công ty luật rất đặc thù, vì đây là một tổ chức tập hợp các cá nhân có cá tính mạnh, am hiểu pháp luật và đặc biệt là rất thích “cãi”. Đây không đơn thuần là câu chuyện quản trị một doanh nghiệp kinh doanh thuần túy.
Nghề luật sư mang lại sự điềm tĩnh, bản lĩnh, khả năng phán đoán và xử lý tính huống nhanh nhạy, đặc biệt là tính công bằng, khách quan và trung thực.
Trong quản trị công ty luật, ngoài những kỹ năng quản trị cần có của một doanh nhân, cần phải luôn nhìn nhận và đưa ra quyết định trên cơ sở công bằng, khách quan, trung thực, tôn trọng cái đúng. Đây cũng là tôn chỉ trong việc quản trị công ty của chúng tôi.
Quá trình hội nhập và phát triển nền kinh tế trong nước không chỉ tạo ra cơ hội, mà luôn tiềm ẩn rủi ro pháp lý đối với mỗi doanh nhân. Là người có thâm niên trong lĩnh vực tư vấn liên quan tới các dự án đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp, hợp đồng, thương mại, bất động sản, ngân hàng..., ông có lời khuyên nào đối với những người trẻ khởi nghiệp?
Những bạn trẻ khởi nghiệp luôn có ý tưởng kinh doanh táo bạo và tiềm năng, nhanh nhạy với thị trường. Tôi cũng đã có cơ hội làm với một số doanh nghiệp khởi nghiệp trong quá trình thu hút thêm vốn đầu tư, bán lại cổ phần/phần vốn góp cho các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài và thấy được tiềm năng, sự nhiệt huyết của các bạn với công việc.
Tuy nhiên, điểm hạn chế là các bạn trẻ khi khởi nghiệp thường không chú trọng về mặt pháp lý. Từ việc bắt đầu thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, hợp tác với bạn bè, đối tác, xây dựng các nguyên tắc cho việc hợp tác, vấn đề quản trị nội bộ công ty, huy động các nguồn vốn đầu tư… đều chưa được tham vấn cẩn trọng về mặt pháp lý.
Rất nhiều trường hợp sau một thời gian vận hành, khi đã thu được những thành công ban đầu, nhưng do mâu thuẫn nội bộ không được giải quyết rốt ráo đã dẫn đến những cuộc chia tay không mong muốn, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Đau lòng hơn là có thể dẫn đến mất tình cảm gia đình, bạn bè, đưa ra các cơ quan pháp luật để giải quyết.
Do vậy, các bạn nên tham vấn đầy đủ ý kiến của luật sư, những người am hiểm pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, của doanh nghiệp mình khi khởi nghiệp và trong quá trình vận hành kinh doanh.
Nghề luật rất bận bịu và căng thẳng, Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm cá nhân để dung hòa giữa công việc và cuộc sống?
Tôi may mắn có được một “đối tác” rất hiểu và chia sẻ với công việc của mình, dù cô ấy không phải là luật sư và công việc không liên quan đến ngành luật. Tôi luôn cố gắng cân bằng công việc để dành thời gian rảnh rỗi bên gia đình hoặc cho những chuyến du lịch trải nghiệm (cười).