Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nới room tín dụng cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Chính phủ đang gấp rút giao nhiệm vụ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
DNNVN mong chờ Luật Hỗ trợ DNNVV sớm đi vào thực tiễn

Tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 6 Luật vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, trong đó có Luật Hỗ trợ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, Chính phủ đang gấp rút giao nhiệm vụ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cho các cơ quan liên quan và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên ngay sau khi ban hành nhằm nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống.

“Luật được thể hiện dưới hình thức luật khung, nhưng có nguyên tắc về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ, chủ thể thực hiện…, để giao Chính phủ quy định chi tiết, phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ. Vì vậy, công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật là rất quan trọng để đảm bảo tính khả thi của Luật”, ông Phương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phương cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. Dự kiến có 4 nghị định sẽ được hoàn thiện và ban hành để hướng dẫn thi hành Luật, bao gồm Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định hướng dẫn về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định hướng dẫn về Quỹ Phát triển DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành.

Nghị định hướng dẫn về Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại tổ chức tín dụng sẽ giao Bộ Tài chính chủ trì. 4 Nghị định này đã được trình kèm Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

“Ngoài ra, dự kiến có một số văn bản hướng dẫn khác như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông tư…, nhằm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ DNNVV trong thời gian tới, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn”, ông Phuong cho hay.

Liên quan đến các nhiệm vụ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện,Thứ trưởng Phương cho biết, Bộ sẽ ưu tiên tập trung 3 nội dung trọng tâm, đó là: Thứ nhất, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật, trình Chính phủ xem xét ban hành, cụ thể là 4 Nghị định hướng dẫn và các văn bản liên quan.

Thứ hai, song song việc xây dựng và hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật, Bộ dự kiến trình Chính phủ một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DNNVV, đặc biệt nhấn mạnh vào 3 nhóm: Doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; doan nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ chấn chỉnh, đẩy mạnh triển khai các hoạt động thiết yếu đối với doanh như ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động đào tạo, tư vấn thông tin về pháp lý, khởi nghiệp…

Thứ ba, khuyến khích và tạo hành lang pháp lý để khu vực ngoài nhà nước tham gia hỗ trợ DNNVV như các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tổ chức tài chính quốc tế, đồng thời phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội DNNVV…

Về các hình thức hỗ trợ DNNVV được quy định tại Luật, Thứ trưởng Phương cho biết, Luật đưa ra 6 hình thức hỗ trợ về tín dụng, trong đó có tín dụng thương mại, tín dụng ưu đãi; thuế, kế toán; mặt bằng sản xuất; mở rộng thị trường; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung...

Đặc biệt, về hỗ trợ tín dụng, Luật Hỗ trợ DNNVV quy định từng thời kỳ Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; bổ sung quy định các tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác.

Đồng thời, các doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng. Bởi thực tế thời gian qua, đa số DNNVV khó tiếp cận vốn do năng lực quản trị, tài chính hạn chế; không có tài sản đảm bảo; phương án kinh doanh kém khả thi…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Phương, Luật được ban hành sẽ tạo khung pháp lý quan trọng, làm nền tảng cho các chính sách hỗ trợ “đúng và trúng” tới các đối tượng là DNNVV, nhưng để Luật phát huy hiệu quả trong thực tiễn thì phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi, triển khai.

“Luật nào cũng vậy, khâu thực thi pháp luật là rất quan trọng. Nếu Luật Hỗ trợ DNNVV được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức triển khai tốt và đồng bộ có thể tác động lớn đến cộng đồng DNNVV”, ông Phương khẳng định.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục