Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có kết cấu gồm 4 chương, 35 điều quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối tượng áp dụng của luật bao gồm các doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 4 của Luật.
Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, luật sử dụng 3 tiêu chí số lao động, doanh thu, nguồn vốn để xác định. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với một trong 2 tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng).
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, luật đưa ra 6 hình thức hỗ trợ cụ thể đối với đối tượng và doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung cùng các nội dung hỗ trợ trọng tâm.
Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đối với tín dụng thương mại, Luật quy định trong từng thời kỳ Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; bổ sung quy định các tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác.
Đối với tín dụng ưu đãi (có cấp bù lãi suất của Nhà nước qua các tổ chức tín dụng), Luật quy định chỉ áp dụng đối với 3 nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa trọng tâm tại mục 2 Chương 2.
Ngoài ra, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được kiện toàn, đổi mới mô hình hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo lãnh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tiếp cận vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Về hỗ trợ kế toán, Thứ trưởng cho biết Luật đã quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng chung cho các doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn, nâng cao khả năng sinh lời, tích lũy của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp là có thời hạn. Luật cũng quy định doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng chế độ kế toán và các thủ tục hành chính thuế đơn giản.
Việc quy định như trên nhằm đưa ra những những nguyên tắc chung để sửa đổi, bổ sung tại các luật về thuế, kế toán trong thời gian tới, đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Đối với hỗ trợ mặt bằng sản xuất, Luật quy định, tùy điều kiện ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các cụm, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn. Hỗ trợ này là có thời hạn, tối đa là 5 năm.
Chia sẻ về những điểm mới của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng Luật ra đời đã góp phần làm thay đổi quan điểm, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương
“Việc hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một trong những nguyên nhân hỗ trợ không hiệu quả, không thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp nhỏ và vừa là hỗ trợ những gì Nhà nước có, mà không phải cái doanh nghiệp cần.
Vì vậy, các nội dung, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Luật được thiết kế dựa trên khảo sát các nhu cầu của các doanh nghiệp này nhằm đáp ứng tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển về chất lượng và quy mô. Một số dịch vụ mà thị trường làm tốt, cung cấp khá đa dạng như đào tạo, tư vấn thuế, kế toán, thông tin… thì Nhà nước không cần hỗ trợ hoặc tham gia.
Ngoài ra, Luật cũng thể hiện quan điểm thị trường trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng và có tiềm năng phát triển tốt nhất trong điều kiện nguồn lực hạn chế, không hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Thứ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, luật cũng góp phần thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ theo hướng đấu thầu lựa chọn các tổ chức cung cấp dich vụ đủ điều kiện trên thị trường để cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Luật cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của địa phương, tổ chức hiệp hội, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, tạo khung pháp lý để khuyến khích các tổ chức ngoài Nhà nước kể cả khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.