Luật Chứng khoán cần gỡ khó cho doanh nghiệp “lúc là Tây, lúc là Ta”

(ĐTCK) Khái niệm doanh nghiệp lúc là Ta, lúc là Tây cũng là một vướng mắc khi các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm công tác thị trường vốn đã phản ánh như vậy và mong rằng, Luật Chứng khoán trình Quốc hội năm 2018 sẽ gỡ khó cho dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Luật Chứng khoán cần gỡ khó cho doanh nghiệp “lúc là Tây, lúc là Ta”

Kiến nghị cho nhà đầu tư ngoại trực tiếp mở tài khoản tại Việt Nam

Đánh giá bức tranh chung về thị trường vốn Việt Nam tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hiện nay, ông Dominic Sciven, Tổng giám đốc Dragon Capital, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn cho rằng, ngoài hệ thống ngân hàng, thị trường vốn là nơi cung cấp vốn chính của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các loại vốn trung và dài hạn.

Thị trường vốn gồm có thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu đang có giao dịch hàng ngày khoảng 100 triệu USD, với tổng số hơn 700 doanh nghiệp niêm yết, có xuất phát từ các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, để tăng huy động vốn từ các nhà đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn lực cho tăng trưởng thì các doanh nghiệp Việt phải có tinh thần “tự cứu mình trước”.

Theo Nhóm công tác, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc pháp lý tại một số nghị định, thông tư, là rào cản trong tăng huy động vốn từ các nhà đầu tư ngoại.

Đối với sức mua trên thị trường, để tăng khả năng doanh nghiệp Việt Nam có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ông Dominic kiến nghị, cần đẩy mạnh việc ra đời các nhà đầu tư tổ chức bằng cách cho thành lập quỹ mở thành viên. Đi cùng với đó là tạo điều kiện để các công ty nước ngoài có thể trực tiếp mở tài khoản đầu tư tại Việt Nam.

Hiện nay, Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định không cho phép các đơn vị nước ngoài (văn phòng đại diện, chi nhánh các tổ chức nước ngoài, đại sứ quán, quỹ đầu tư nước ngoài...) trực tiếp mở tài khoản tại Việt Nam. Ông Dominic cho rằng, quy định này gây khó cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Khái niệm doanh nghiệp lúc là Ta, lúc là Tây cũng là một vướng mắc khi các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Nhóm Công tác thị trường vốn, cần xem lại cách hiểu của Nghị định 60/2015/NĐ-CP.

Luật Chứng khoán cần gỡ khó cho doanh nghiệp “lúc là Tây, lúc là Ta” ảnh 1

 Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đưa ra nhiều kiến nghị về thị trường vốn tại Diễn đàn VBF năm nay

Ông Dominic cho hay, theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu nước ngoài thường xuyên thay đổi trên dưới 49% trên thị trường chứng khoán. Thực tế này khiến các công ty Việt Nam phải đối diện với tình trạng “nay là Ta, mai là Tây, mốt lại là Ta”, nếu chiểu theo quy định về tư cách doanh nghiệp theo Luật Đầu tư.

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, Nghị định 60/2015 là bước tiến mạnh mẽ về tư duy của Nhà nước trong vấn đề nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua UBCK đã chấp thuận cho nhiều doanh nghiệp nâng tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp lên 100%.

“Nhóm thị trường vốn nói rằng vấn đề của doanh nghiệp "lúc ông Tây, lúc ông Ta”, bởi hiện nay chúng ta vướng Luật Đầu tư, quy định nhà đầu tư nước ngoài chiếm 51% tỷ lệ sở hữu được gọi là doanh nghiệp nước ngoài, sở hữu dưới 51% là doanh nghiệp trong nước, chúng tôi sẽ xem xét chỉnh sửa sau, vì liên quan đến Luật”, Phó Chủ tịch UBCK nói.

Hút vốn quỹ ngoại bằng phương pháp dựng sổ

Đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp nhà nước sau khi đã cổ phần hóa, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, cần tiến hành sớm việc thoái vốn theo phương thức bán dựng sổ.

“Một số doanh nghiệp đã phát hành theo cách này thành công như Vietjet, Novaland, VPBank… Và cần phát triển phương pháp thoái vốn theo cách dựng sổ thay vì đấu giá”, Tổng giám đốc Dragon Capital nhìn nhận.

Hiện Bộ Tài chính đang xem xét sửa đổi Nghị định 59/CP đưa ra phương pháp dựng sổ để chuyển doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần được tốt hơn.

Trong trả lời Nhóm công tác thị trường vốn, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: “Việc phát hành cổ phiếu theo phương pháp dựng sổ là phương thức phát hành rất tốt, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện cơ chế và thực hiện thí điểm trong thời gian tới”.

Với câu chuyện một số doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa xong nhưng chậm niêm yết trên sàn chứng khoán, Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị phải tăng xử phạt đối với những doanh nghiệp này. Nhóm kiến nghị cần đưa mức phạt lên cao hơn hiện nay, hoặc áp dụng mức phạt là 10 lần giá trị giao dịch vi phạm.

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài tại sao mức xử phạt hiện nay còn thấp, Phó Chủ tịch UBCK cho hay, các mức xử phạt trong Nghị định quy định về vấn đề này trên thị trường chứng khoán không vượt Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định mức phạt không quá 300 triệu đồng.

Theo quan điểm cá nhân, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, vấn đề xử phạt là quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là “đánh thức” nhận thức của doanh nghiệp.

Ông cho hay, thời gian qua nhận thức của doanh nghiệp đã thay đổi tốt dần lên, đặc biệt là vấn đề quản trị, nhưng vẫn cần nhiều chủ thể cùng tham gia giám sát, tác động để các doanh nghiệp có ý thức cao hơn về công việc này.

Diễn biến đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP, hướng dẫn các công ty đại chúng thực hiện các vấn đề về quản trị công ty, nhiều quy định trong đó áp dụng theo các thông lệ quốc tế. Đây được cho là một bước tiến lớn trong vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Để phát triển thị trường vốn, trong dài hạn, Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị Luật Chứng khoán sửa đổi cần tính đến việc nâng cấp quyền hạn đối với cơ quan quản lý thị trường là UBCK trong việc thanh tra và xử lý vi phạm các vấn đề liên quan.

Luật Chứng khoán sửa đổi cần xác lập thẩm quyền của UBCK trong truy xuất tài khoản ngân hàng của những chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.

Chia sẻ thông mới nhất tại Diễn đàn VBF, lãnh đạo UBCK cho biết, tháng 7 tới, UBCK sẽ trình Chính phủ Luật Chứng khoán sửa đổi trên cở sở kế thừa Luật Chứng khoán cũ và gỡ những khó khăn, vướng mắc của thị trường hiện nay. UBCK kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi có thể trình Quốc hội vào cuối năm 2018.

Sẽ tiếp tục các nỗ lực nới room cho nhà đầu tư nước ngoài

Ông Trần Xuân Hà,Thứ trưởng Bộ Tài chính

Thị trường vốn có giá trị vốn hóa đạt 42% GDP, là mức khá cao trong vực. Huy động vốn 11 tháng đạt 348.000 tỷ đồng, bao gồm cả vốn trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu. Danh mục đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến nay đạt 17,3 tỷ USD, tăng 2,6 tỷ USD so với đầu năm 2015.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy thị trường vốn như đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước ở doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện cơ chế về nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài và áp dụng quản trị công ty theo Nghị định mới hiện nay về quản trị công ty đối với công ty đại chúng. Bộ Tài chính sẽ mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh, để tạo thêm không gian đầu tư cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Chúng tôi nhìn vào 6 yếu tố để quyết định rót vốn

Ông Dominic Sciven, Tổng giám đốc Dragon Capital

Quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tiên đến mô hình quản trị, bởi dù doanh nghiệp hấp dẫn đến mức nào mà quản trị không bền là không được. Đây là yếu tố có ý nghĩa và vai trò quan trọng nhất trước khi nhà đầu tư ngoại xem xét các vấn đề tiếp theo.

Thứ hai, chúng tôi quan tâm đến triển vọng của công ty, triển vọng của ngành.

Thứ ba là năng lực của người điều hành của doanh nghiệp, có đoàn kết, có chuyên nghiệp không và khả năng kế thừa trong bộ máy đó thế nào.

Thứ tư là vấn đề mặt bằng giá trị tức điều kiện kinh tế, doanh nghiệp có tham gia góp vốn hoặc cho vay, mua trái phiếu ở các đơn vị nào.

Thứ năm là vấn đề về môi trường và xã hội.

Thứ sáu là khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.

Chúng tôi sẽ xem xét dựa trên 6 yếu tố này trước khi quyết định rót vốn đầu tư. Trong đó, vấn đề quan trị bền vững được đặc biệt lưu tâm. Về phát triển thị trường trái phiếu, vấn đề quan trọng nhất là cần sớm có chuẩn mực về phát hành và công bố thông tin cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Có thể tiến tới thành lập tổ chức chuyên nghiệp hướng dẫn công bố thông tin.

Doanh nghiệp cần minh bạch sức khỏe tài chính theo chuẩn quốc tế

Ông Terence Mahony, Đồng trưởng nhóm công tác thị trường vốn, VBF

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài còn thấp so với các nước châu Á khác. Nhiều tổ chức nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng không thể mua đủ tỷ lệ cổ phần cần có. Các đợt IPO sắp tới của các công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng quy mô thị trường và tính thanh khoản.

Theo tôi, cách tốt nhất để đạt được điều này là bằng cách phát hành cổ phiếu thông qua phương pháp dựng sổ thay vì đấu giá. Các nhà đầu tư muốn mua số cổ phần cố định với giá thương lượng. Để phát hành cổ phần thành công, công ty cần cung cấp bản cáo bạch với các báo cáo tài chính đã được kiểm toán tuân thủ chuẩn mực quốc tế.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục