Cụ thể, đó là vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sau Hội nghị CEO của ngành này vào năm 2008. Các doanh nghiệp đã vi phạm Luật Cạnh tranh vì thống nhất ký Bản thỏa thuận hợp đồng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm trong lĩnh vực xe cơ giới và điều khoản Biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô. Gần 2 năm sau khi Bản thỏa thuận được ký kết, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã có kết luận điều tra chính thức vụ việc và đưa ra biện pháp xử phạt các doanh nghiệp này.
Tới năm 2011, 12 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại bị Hội đồng cạnh tranh điều tra trong vụ việc hạn chế cạnh tranh trong bảo hiểm học sinh. Theo Hội đồng cạnh tranh, hành vi ký kết thỏa thuận ngày 25/5/2011 của 12 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại tỉnh Khánh Hòa là hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Luật Cạnh tranh. Vì trên thị trường bảo hiểm toàn diện học sinh trong phạm vi tỉnh Khánh Hòa, thị phần kết hợp của 12 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thỏa thuận chiếm tới 99,81%, vượt ngưỡng 30% theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Luật Cạnh tranh.
Mặc dù một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có liên quan đến vụ việc trên (đặc biệt là vụ việc ký thỏa thuận năm 2008) chưa hoàn toàn “tâm phục khẩu phục”, vì nếu xét theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp này không hề vi phạm, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận nộp phạt. Các chuyên gia trong lĩnh vực này hy vọng, 2 vụ việc này sẽ là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, vốn “nổi tiếng” với việc cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, các doanh nghiệp có thể không thỏa thuận công khai về giá (tăng hoặc hạ) một số sản phẩm bảo hiểm, mà chuyển sang thỏa thuận ngầm về giá.
Thực tế, sau hai vụ việc trên, cũng có một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác suýt vi phạm Luật Cạnh tranh khi giảm phí bảo hiểm cho khách hàng. Tuy nhiên, vì doanh nghiệp này chưa có thị phần vượt quá mức 30% (theo quy định của Luật Cạnh tranh), nên vụ việc không được tiếp tục điều tra.
Tại cuộc hội thảo về Luật Cạnh tranh mới đây, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm ủng hộ quy định tại Luật Cạnh tranh, nhằm làm lành mạnh thị trường này. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho rằng, trong một số tình huống, việc thỏa thuận về phí bảo hiểm lại giúp các doanh nghiệp bảo hiểm tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh. Vì nhiều công ty bảo hiểm không có dịch vụ tốt thường hạ giá tràn lan để thu hút khách hàng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp khác trong ngành, mà còn ảnh hưởng đến an toàn tài chính của chính những doanh nghiệp này khi các vụ bồi thường xảy ra, doanh thu không bù đắp nổi tổn thất.
Ngoài ra, dù có Luật Cạnh tranh, nhưng thực tế luật này cũng khó có thể kiểm soát hết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đơn lẻ của các doanh nghiệp khối này, nếu doanh nghiệp này giảm giá phí bảo hiểm để thu hút khách, nhưng doanh nghiệp lại không thống lĩnh 30% thị phần như quy định của Luật Cạnh tranh…
Theo một điều tra không chính thức, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang có chỉ số cạnh tranh cao nhất nhì tại Việt Nam và thị trường này (trong một số phân khúc sản phẩm như bảo hiểm học sinh, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe…), đến nay, dấu hiệu cạnh tranh giảm giá phí vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, đối với những sản phẩm như bảo hiểm học sinh hay bảo hiểm xe cơ giới, tình trạng cứ đến mùa, mỗi doanh nghiệp bán một giá lặp lại.
“Vì lợi ích kinh tế trước mắt, một số doanh nghiệp bảo hiểm có thể vẫn tiếp tục vi phạm và cạnh tranh không lành mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau. Luật Cạnh tranh cũng khó có thể can thiệp những hành vi này, doanh nghiệp chỉ bỏ cuộc khi nhìn thấy hậu quả sẽ phải gánh chịu về sau”, một chuyên gia về cạnh tranh nhận định.