Luật Các tổ chức tín dụng 2024: Bước ngoặt cho ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua vào đầu năm 2024. Đây không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố nền tảng pháp lý, mà còn mang lại cơ hội giúp các ngân hàng tăng cường sự minh bạch trong quản trị và nâng cao quản lý rủi ro hiệu quả.

Trước sự đột phá của các giải pháp công nghệ cùng với sự gia tăng kỳ vọng của khách hàng, ngành ngân hàng đang đứng trước cơ hội lớn để tăng trưởng kinh doanh nhờ tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số, nâng cao khả năng quản trị dữ liệu và năng lực bán hàng thông qua hệ sinh thái ngày càng phát triển.

Bên cạnh những triển vọng đã được nhận diện, các ngân hàng tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp gồm: Việc gia tăng nợ xấu dẫn tới tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống, khủng hoảng kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng làm xói mòn niềm tin của khách hàng, thu hẹp thị trường vốn do sự suy giảm của thị trường chứng khoán...

Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55% - tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022. Ngoài ra, doanh thu phí bảo hiểm - một trong những nguồn thu quan trọng ngoài lãi của ngành ngân hàng lần đầu tiên sau 20 năm ghi nhận tăng trưởng âm vào năm 2023, giảm 8,33% so với năm 2022 (theo Tổng cục Thống kê).

Trong bối cảnh đó, với những quy định chặt chẽ, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 hứa hẹn mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển và hợp tác quốc tế, đồng thời đặt ra những vấn đề các ngân hàng cần nhanh chóng thích ứng để tận dụng cơ hội tăng trưởng hiệu quả.

Công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ

Việc can thiệp sớm đối với các ngân hàng không đáp ứng các yêu cầu quy định đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc bảo vệ sự ổn định và tin cậy của hệ thống ngân hàng.

Với tình hình các ngân hàng trung ương trong khu vực như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia… đều yêu cầu công bố thông tin đối với cổ đông sở hữu trên một tỷ lệ vốn nhất định tại các công ty niêm yết, quy định mới yêu cầu công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không chỉ nâng cao sự minh bạch, mà còn tạo dựng niềm tin trong lòng nhà đầu tư và khách hàng. Các ngân hàng cũng đứng trước cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đa dạng trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh doanh và nâng cao tỷ lệ an toàn vốn.

Tuy nhiên, quy định này cũng đòi hỏi các ngân hàng phải có hệ thống quản lý thông tin hiệu quả, đảm bảo cung cấp thông tin một cách minh bạch và kịp thời khi có thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông. Bên cạnh đó, chi phí quản lý để quản lý và cập nhật các thông tin này cũng là một trong những yếu tố cần được các ngân hàng cân nhắc kỹ lưỡng.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 mở ra một trang mới cho ngành Ngân hàng

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 mở ra một trang mới cho ngành Ngân hàng

Giảm bớt quyền lực cổ đông lớn

Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, cổ phần của cá nhân được sở hữu tại một ngân hàng giảm xuống 5% vốn điều lệ, trong khi tổ chức sẽ được phép nắm giữ tối đa 10% và cổ đông cũng như những người có liên quan có thể sở hữu tối đa 15%. Giảm bớt quyền lực của các cổ đông lớn, nâng cao nền tảng quản trị vững chắc không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro về xung đột lợi ích nhóm và hạn chế việc thao túng trong các ngân hàng, mà còn mở ra cánh cửa cho những nhà đầu tư nhỏ, tạo ra một bức tranh đầu tư sôi động và phong phú hơn.

Quy định này đồng thời cũng đặt ra thách thức đáng kể cho các ngân hàng trong việc điều chỉnh chiến lược, cấu trúc vốn, tăng hoặc huy động vốn từ các nguồn khác nhau, hoạch định lại khả năng thực hiện các kế hoạch đầu tư và phát triển dự án mới để duy trì và tăng cường sự ổn định trong hoạt động của mình. Hơn nữa, việc đảm bảo tuân thủ các quy định này đòi hỏi các ngân hàng phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro vững chắc để ngăn chặn các vi phạm.

Quản lý chặt chẽ hơn các dịch vụ ngân hàng

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức nghiêm cấm việc bán các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc đi kèm các dịch vụ ngân hàng. Sau cuộc khủng hoảng niềm tin đối với kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng chưa từng có trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam vừa qua, quy định này là nguồn động lực để các ngân hàng nâng cao chuẩn mực về đạo đức kinh doanh và năng lực quản trị rủi ro, giảm thiểu tổn hại danh tiếng và mở ra cơ hội kinh doanh mới. Đây là “thời điểm vàng” để các ngân hàng tăng cường đầu tư vào công tác đào tạo nhân viên và thúc đẩy văn hóa quản trị rủi ro, hướng đến một hệ thống ngân hàng minh bạch, công bằng và chuẩn mực.

Cổ phần của cá nhân được sở hữu tại một ngân hàng giảm xuống 5% vốn điều lệ

Cổ phần của cá nhân được sở hữu tại một ngân hàng giảm xuống 5% vốn điều lệ

Sự can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 giúp hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý, với những biện pháp can thiệp mà Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành đối với những ngân hàng yếu kém trong những năm qua. Việc can thiệp sớm đối với các ngân hàng không đáp ứng các yêu cầu quy định đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc bảo vệ sự ổn định và tin cậy của hệ thống ngân hàng. Điều này giúp tăng cường lòng tin của cả khách hàng và các nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc huy động vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Để tạo nền tảng cơ sở cho công tác thanh tra, giám sát của cơ quan điều hành ngân hàng và nhận diện các tình huống can thiệp sớm, các ngân hàng cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng những yêu cầu giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt từ phía Ngân hàng Nhà nước. Điều này đòi hỏi nỗ lực không nhỏ của các ngân hàng trong việc cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin báo cáo, liên tục nâng cao các chuẩn mực về kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro trong ngành.

Được chuyển nhượng bất động sản là tài sản đảm bảo để thu hồi nợ

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, các ngân hàng được phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản đảm bảo đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Luật Kinh doanh bất động sản để thu hồi nợ, bao gồm: Có kế hoạch chi tiết được phê duyệt, hoàn thành việc giải tỏa mặt bằng, có quyết định về phân bổ đất hoặc cho thuê đất từ cơ quan có thẩm quyền, cùng với việc thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính.

Trong bối cảnh tín dụng bất động sản chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế với tỷ lệ nợ xấu là 2,73% tính đến cuối tháng 1/2024 (theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước), quy định này hứa hẹn khơi thông dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, ngăn chặn việc định giá “khống” các dự án bất động sản, nâng cao tính thanh khoản của thị trường bất động sản, hỗ trợ công tác thu hồi nợ, và giảm thiểu rủi ro về nợ xấu cho ngân hàng.

Tuy nhiên, quy trình chuyển nhượng tài sản bảo đảm đòi hỏi các ngân hàng phải tiến hành các thủ tục pháp lý phức tạp và tốn kém, đồng thời cần phải có hệ thống giám sát và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các dự án này. Ngoài ra, việc định giá các dự án bất động sản được chuyển nhượng cũng là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự đánh giá kỹ lưỡng về tiềm năng lợi nhuận của dự án để đảm bảo có thể thu hồi nợ cho ngân hàng.

Giới hạn hạn mức cho vay

Một trong những thay đổi đáng chú ý của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là việc các ngân hàng sẽ phải tuân thủ một kế hoạch 5 năm để giảm dần hạn mức cho vay đối với một khách hàng (từ 15% xuống còn 10% vốn chủ sở hữu), nhóm khách hàng và các bên liên quan (từ 25% xuống còn 15%vốn chủ sở hữu) nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng tập trung có thể dẫn đến rủi ro hệ thống tiềm ẩn. Các ngân hàng đang đứng trước cơ hội tiếp cận các nguồn vốn khác nhau, từ kênh thị trường trái phiếu đến các giải pháp cho vay đồng tài trợ, thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn và thời gian đầu tư dài.

Tuy nhiên, điều chỉnh chiến lược cho vay và cập nhật các quy trình cùng hệ thống công nghệ thông tin quản lý rủi ro tín dụng là những điều các ngân hàng cần lưu ý khi thực hiện quy định này.

Nâng cao tiêu chuẩn xét duyệt cấp tín dụng tiêu dùng

Trong bối cảnh tài chính tiêu dùng ngày càng trở thành lĩnh vực kinh doanh trọng điểm đối với các ngân hàng bán lẻ, song phải đối diện với những thách thức lớn về nợ xấu trong những năm gần đây, việc tăng cường thu thập thông tin khách hàng, đặc biệt là việc cung cấp thông tin chi tiết về khả năng tài chính, phương án và mục đích sử dụng vốn theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đề ra một chuẩn mực mới cho việc phê duyệt tín dụng tiêu dùng.

Cùng với việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong phê duyệt tín dụng, các ngân hàng có thể đảm bảo rằng, các khoản vay tiêu dùng được cấp đã được thông qua một quy trình thẩm định tín dụng đáng tin cậy. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro tín dụng, mà còn tăng cường sự tiện lợi và hiệu quả trong quá trình phê duyệt khoản vay tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngân hàng và nền kinh tế.

Lúc này, thách thức lớn nhất đặt ra cho các ngân hàng là làm thế nào để thu thập và xác minh thông tin một cách chính xác, nhanh chóng và đáng tin cậy từ phía khách hàng. Điều này đòi hỏi một hệ thống quản lý thông tin và công nghệ vững chắc, cũng như cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đối phó với các trường hợp thông tin gian lận, đảm bảo tính minh bạch của quyết định phê duyệt tín dụng.

Tóm lại, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 mở ra một trang mới cho ngành ngân hàng Việt Nam, đặt nền móng cho sự minh bạch, quản trị rủi ro hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Để thích ứng và phát triển trong bối cảnh mới, các ngân hàng cần tiếp cận các quy định ban hành một cách sáng tạo, tập trung vào chuyển đổi trên cơ sở tăng cường năng lực số hóa và tối ưu hóa quy trình. Sự linh hoạt và đổi mới sẽ là nền tảng vững chắc để tăng trưởng bền vững cho từng tổ chức ngân hàng nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

Đinh Hồng Hạnh - Lê Phương Ngọc
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục