
“Điều quan trọng nhất là niềm tin của CB-CNV trong Bệnh viện (BV) Bình Dân về chủ trương của Nhà nước đã bị giảm sút” - ông Nguyễn Công Thọ, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) BV Bình Dân, nhận xét.
Từ từ rồi tính!
Chị T., người đã mua quyền mua 2.000 cổ phần (CP) BV Bình Dân, cho biết bên bán là đồng nghiệp với em ruột của chị. Khi hay tin ngưng cổ phần hóa (CPH) BV này, chị hy vọng sẽ được trả lại số tiền 110 triệu đồng, nhưng người bán đủng đỉnh: “Từ từ rồi tính”. Chị T. than: “Giao dịch này coi như đã thua đậm. Nếu bên bán hẹn khi nào tiền có mới trả lại, bên mua cũng không làm gì được họ”. Tôi thắc mắc, tại sao chị không gửi thư đến lãnh đạo BV nhờ can thiệp? Chị T. đắn đo: “Để xem bên bán trả lời thế nào đã, chưa đến mức độ phải làm to chuyện. Nếu bên bán dây dưa, tôi sẽ tập hợp thêm một số trường hợp tương tự, nhờ BV can thiệp”.
Chị M., nhà ở quận 10, cũng cho biết bên bán đã đồng ý trả lại tiền quyền mua 1.500 cổ phần trị giá 75 triệu đồng, nhưng bớt đi 20% tiền và trả làm 2 đợt. “Bên bán đã xài hết tiền nên phải đi vay mượn để trả nợ” - chị M. cho biết. Sau nhiều ngày chờ đợi, đến nay chị M. mới chỉ nhận lại 30 triệu đồng.
Tại BV Bình Dân, không khí làm việc của CB-CNV xem ra vẫn bình thường. Thế nhưng, tiếp cận một số người, chúng tôi biết được không ít y tá, hộ lý... đã bán quyền mua CP đang trong tâm trạng lo lắng như ngồi trên đống lửa. Điều mà họ quan ngại nhất lúc này là danh tánh người bán có thể sẽ đến tay ban giám đốc BV, khi đó không biết họ sẽ bị xử lý như thế nào. Bởi cách nay khoảng 2 tháng, đã có thông tin lãnh đạo BV sẽ kỷ luật nặng nếu phát hiện nhân viên “léng phéng” mua bán “lúa non”. Một nhân viên hành chánh than thở: “Phần lớn bên bán là người cần tiền, nhưng đã đến tình thế này phải lo chạy tiền bạc để trả lại cho bên mua. Trường hợp cơ quan phát hiện ra chuyện mua bán và xử lý kỷ luật thì đó là điều không ai muốn”.
CĐ sẵn sàng hòa giải
Theo ông Thọ, mặc dù chưa có trường hợp nào người mua đến tận BV đòi lại tiền mua CP như có báo đã thông tin, nhưng cách nay 2 ngày, một điều dưỡng viên đã đề nghị CĐ BV bảo lãnh cho vay 30 triệu đồng để trả nợ cho bên mua. BV chưa có chủ trương bảo lãnh cho CB-CNV vay tiền trả nợ. Ông Thọ cho rằng, nếu bên mua và bên bán không thỏa thuận được về phương thức trả nợ thì nên công khai việc mua bán với lãnh đạo BV. CĐ sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải. Ông Thọ cũng khẳng định, nếu Đảng ủy và ban giám đốc BV đồng ý, CĐ sẽ tham gia bảo lãnh cho CB-CNV vay tín chấp để trả nợ, tránh tình trạng đòi nợ theo kiểu xã hội đen có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc BV Bình Dân, xác nhận đến thời điểm này chưa có cá nhân nào gửi thư hay đơn thưa tới BV về việc mua CP. Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh: “Nếu các cơ quan chức năng đến làm việc với BV Bình Dân về những khiếu kiện cụ thể, lãnh đạo BV sẽ có biện pháp xử lý thích hợp đối với nhân viên của mình”.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều bác sĩ, y tá đều bày tỏ thất vọng khi UBND TPHCM ngưng CPH BV Bình Dân. Một bác sĩ ở khu kỹ thuật cao nói: “Đây là một cú sốc với chúng tôi”. Đồng tình với nhận xét này, ông Thọ cho rằng việc thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động một BV cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả dự liệu những phản ứng gay gắt của xã hội. Nếu chính sách cứ thay đổi liên tục, không những gây lãng phí về vật chất mà còn làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
Bên mua có quyền khởi kiện
Theo luật sư Vũ Đình Quyền, nguyên chánh Văn phòng Viện Tâm lý và Giáo dục pháp luật, mua bán quyền mua CP chưa có của BV Bình Dân bằng giấy tay là hợp đồng dân sự. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, bên mua có quyền khởi kiện bên bán đến cơ quan pháp luật. Tòa án dân sự sẽ có quyết định buộc bên bán trả tiền lại cho bên mua.