Tình cờ, anh Hà - cán bộ tín dụng ngân hàng - nhận được đề xuất thu xếp nguồn vốn giá rẻ từ một công ty tư vấn tài chính. Trong lúc chỉ tiêu huy động vốn chưa đạt được, Hà rất quan tâm cơ hội này.
Sau khi tìm hiểu, anh được biết, công ty tư vấn tài chính này có khả năng thu xếp một lượng tiền gửi đáng kể cho ngân hàng từ một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty G. Dưới sự dàn xếp của công ty tư vấn tài chính, Công ty G sẽ gửi một khoản tiền lên đến 800 tỷ đồng, thời hạn 1 tháng vào ngân hàng.
Vậy là anh Hà phối hợp với Khối nguồn vốn của ngân hàng thực hiện các giao dịch với Công ty G qua sự dàn xếp trung gian của công ty tư vấn tài chính. Ngân hàng anh không gặp trực tiếp Công ty G, mọi thủ tục ký kết hợp đồng tiền gửi giữa hai bên được thực hiện qua trung gian là công ty tư vấn tài chính.
Hợp đồng tiền gửi được ký kết, Công ty G chuyển khoản 800 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng. Đến hạn, ngân hàng anh thanh toán đầy đủ tiền lãi, gốc vào tài khoản của Công ty G. Phần lãi ngoài được ngân hàng anh trả cho Công ty G thông qua công ty tư vấn tài chính. Với giao dịch này, anh Hà đã đạt mọi chỉ tiêu về huy động vốn.
Vài tuần sau, công ty tư vấn tài chính này lại đến ngân hàng anh Hà đặt vấn đề thu xếp để Công ty G tiếp tục gửi 300 tỷ đồng, thời hạn 4 tháng. Lần này, theo công ty tư vấn tài chính, công ty G gửi tiền có điều kiện đi kèm. Cụ thể, sau khi gửi tiền, ngân hàng phải cho một công ty khác vay cùng số tiền này trong thời hạn 2 tháng. Tài sản bảo đảm sẽ là cầm cố hợp đồng tiền gửi của Công ty G.
Có rủi ro gì ở đây không? Khoản vay giá trị lớn thật, nhưng có tiền gửi của Công ty G rồi. Hơn nữa, Công ty G gửi tiền xong, nhận bảo đảm xong, ngân hàng mới giải ngân tiền vay. Nghĩ vậy nên anh Hà đã triển khai thủ tục cho vay. Hồ sơ cho vay cũng đầy đủ các văn bản, nghị quyết của Công ty G về việc dùng số tiền gửi làm tài sản bảo đảm.
Sau khi giải ngân tiền vay, đến hết thời hạn 2 tháng, doanh nghiệp vay nợ không trả tiền vay. Theo nguyên tắc xử lý tín dụng, ngân hàng đã khấu trừ 300 tỷ đồng tiền gửi cầm cố của Công ty G để thu nợ.
Sự việc tưởng chừng rất yên ả nếu như không có chuyện Công ty G đến ngân hàng làm um chuyện. Công ty này cho biết, họ không hề giao dịch với doanh nghiệp vay nợ và không ký bất kỳ cam kết bảo đảm nào với ngân hàng bằng tiền gửi của họ.
Ngân hàng thấy vô lý và đưa cho Công ty G xem các hợp đồng tiền gửi, hợp đồng cầm cố, văn bản giao dịch mà họ đã ký, đóng dấu. Đến lúc này Công ty G cũng ngạc nhiên và đưa ra những hợp đồng tiền gửi họ lưu giữ bấy lâu. Điểm khác thường là chữ ký, con dấu của mỗi bên hoàn toàn khác nhau.
Sự việc dần sáng tỏ như sau: Ngay từ lần giao dịch đầu tiên, người của công ty tư vấn tài chính đã đến Công ty G tự xưng là nhân viên ngân hàng của anh Hà, mời chào gửi tiền vào ngân hàng. Được Công ty G đồng ý, họ mang hợp đồng tiền gửi đóng dấu sẵn của ngân hàng đến giao dịch tại trụ sở doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực chất đây là các bản hợp đồng tiền gửi mang chữ ký giả và dấu giả của ngân hàng.
Sau khi bản hợp đồng đó được Công ty G ký và đóng dấu thật, bên công ty tư vấn tài chính đã giữ lại. Họ xử lý chữ ký giả, con dấu giả của Công ty G lên bản hợp đồng tiền gửi có chữ ký, con dấu thật của ngân hàng đã đưa cho họ trước đó. Sau đó họ giao cho ngân hàng bản hợp đồng đã nhận với chữ ký giả, con dấu giả của Công ty G.
Vậy là ngay từ lần đầu tiên, ngân hàng và Công ty G đã giao dịch thật với nhau mà không hề biết hồ sơ giao dịch có yếu tố giả mạo. Qua công ty tư vấn tài chính trung gian, hóa ra mỗi bên đang nắm giữ hợp đồng, tài liệu giao dịch có chữ ký, con dấu thật của mình và chữ ký, con dấu của đối tác là giả. Thủ đoạn lừa đảo của tội phạm nhằm giăng bẫy để ngân hàng mắc phải được thực hiện vào lần thứ hai.
Trong lần này, hợp đồng cầm cố tiền gửi, cam kết bảo đảm cùng các tài liệu liên quan của Công ty G cũng là chữ ký và con dấu giả. Nhận diện các tài liệu này trùng với chữ ký giả và dấu giả trong các hợp đồng tiền gửi mà ngân hàng giữ. Anh Hà không nhận thức được nội dung này vì đã không tiếp xúc với Công ty G.
Có thể thấy, tạo dựng sự tin tưởng để người bị hại rơi vào cạm bẫy là bản chất giống nhau của mọi thủ đoạn lừa đảo. Tuy nhiên, cần nhìn nhận yếu tố cho vay qua trung gian chính là khoảng trống tạo nên sự sơ hở trong phòng ngừa rủi ro của cán bộ tín dụng và ngân hàng.
(Trích Bài học nghiệp vụ số 9, sách Hiểu nghề Giữ nghiệp cuốn 1 - 26 bài học pháp lý Nghiệp vụ dành cho nghề Tín dụng ngân hàng của LS. Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico)