Cho vay có cần thẩm định ngành nghề kinh doanh?

(ĐTCK) Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực kể từ giữa năm 2015, nhưng cho đến nay vẫn còn khá nhiều điều mới mẻ đối với giới ngân hàng. Đơn cử, trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn thông tin về ngành nghề kinh doanh, nên có quan điểm cho rằng, khi cho vay, ngân hàng không cần thẩm định ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần thận trọng với hiện tượng có nhiều cán bộ ngân hàng cũng đồng tình với quan điểm này.
Cho vay có cần thẩm định ngành nghề kinh doanh?

Nên hiểu đúng quy định về ngành nghề kinh doanh

Trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp phải ghi nhận tối thiểu 9 loại thông tin, bao gồm: tên doanh nghiệp; mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; thông tin người đại diện theo pháp luật, thông tin thành viên hoặc cổ đông sáng lập hay chủ sở hữu; vốn điều lệ, vốn cổ phần đã góp và chào bán, vốn đầu tư ban đầu doanh nghiệp tư nhân; vốn pháp định; ngành, nghề kinh doanh; địa chỉ chi nhánh, văn phòng đại diện.

Trong số các thông tin bắt buộc đăng ký có thông tin về ngành nghề kinh doanh. Đây là điểm chú ý trọng tâm của ngân hàng khi xem xét thẩm định hồ sơ pháp lý doanh nghiệp. Căn cứ vào các thông tin ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngân hàng đối chiếu mục đích xin vay với ngành nghề kinh doanh của khách hàng. Nếu có sự khớp đúng, hợp lý thì ngân hàng sẽ cấp khoản vay cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2014 đã thay đổi cách làm này của ngân hàng. Theo Điều 29 của Luật, trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ còn ghi 4 loại thông tin gồm: tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; thông tin người đại diện theo pháp luật, thành viên công ty, chủ doanh nghiệp và vốn điều lệ. Không có thông tin về ngành nghề kinh doanh, vậy ngân hàng có phải thẩm định nội dung này khi xét cấp tín dụng cho doanh nghiệp?

Trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng, việc bảo đảm khách hàng vay sử dụng vốn đúng mục đích được ghi nhận như một nguyên tắc bất di bất dịch trong nhiều văn bản pháp quy chuyên ngành. Doanh nghiệp vay vốn nhằm phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Do vậy, đúng mục đích trước hết được hiểu là đúng với chức năng, lĩnh vực, phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ cần xem xét nguyên tắc nghiệp vụ này, câu trả lời cho việc cần thiết phải thẩm định ngành nghề kinh doanh của khách hàng đã khá rõ ràng.

Thêm vào đó, cần phân biệt rằng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không còn ghi nhận ngành nghề kinh doanh, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp không cần phải đăng ký ngành nghề kinh doanh. Với cách quy định về ngành nghề kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, hóa ra đăng ký rõ ràng ngành nghề kinh doanh là trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp.

Theo Điều 24, Luật Doanh nghiệp hiện hành, khi một doanh nghiệp mới được thành lập, nội dung đăng ký kinh doanh phải thể hiện nhiều thông tin bắt buộc như tên doanh nghiệp, địa chỉ, vốn điều lệ,... Trong số các thông tin bắt buộc đó, nổi bật chính là thông tin phải đăng ký về ngành nghề kinh doanh.

Như vậy, mặc dù Luật quy định, Giấy chứng nhận không ghi thông tin ngành nghề kinh doanh, nhưng hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp bắt buộc phải có thông tin về ngành nghề kinh doanh. Không chỉ vậy, nếu doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, sau đó có sự thay đổi ngành nghề kinh doanh, thì phải tiến hành đăng ký nội dung thay đổi trong thời hạn 10 ngày.

Vậy nên, hiểu đúng thì Luật Doanh nghiệp vẫn bắt buộc mọi doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh và ngân hàng phải có trách nhiệm thẩm định ngành nghề kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp.

Nhìn nhận sự hạn chế, bất cập để tìm giải pháp

Trước đây, ngân hàng có thể cho phép mình sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như một bằng chứng pháp lý về tính hợp pháp của ngành nghề kinh doanh mà khách hàng đang triển khai. Bởi lẽ, cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh khi cấp giấy tờ pháp lý này cho doanh nghiệp đã có quá trình thẩm định, xem xét.

Thậm chí, đối với những doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện, cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh chỉ cấp Giấy chứng nhận sau khi doanh nghiệp đã chứng minh được mình đủ điều kiện triển khai kinh doanh.

Chẳng hạn, cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh chỉ cấp Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sau khi chứng minh được đã đáp ứng điều kiện về vốn pháp định bằng xác nhận phong tỏa từ ngân hàng.

Nay với cải tiến của Luật Doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh đã được gỡ bỏ trách nhiệm thẩm định ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Trách nhiệm đó được tự động mặc nhiên chuyển giao sang các đối tác giao dịch, nhất là hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng sẽ phải lùi lại một số bước nghiệp vụ trong toàn bộ khâu quy trình nghiệp vụ cho vay để tìm ra giải pháp ứng phó với vấn đề pháp lý nêu trên. Ngân hàng cần bảo đảm trong hồ sơ tín dụng vẫn có những chứng từ có thể chứng minh được sự thẩm định về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Đó có thể là một bản in thông tin tra cứu từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn), hoặc một bản phụ lục thông tin đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh. Mức độ chặt chẽ và hợp lý sẽ tùy vào sự tìm tòi và quản trị rủi ro pháp lý của mỗi ngân hàng.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục