Nhiều nạn nhân sập bẫy
Nhớ lại câu chuyện của mình, bà Nguyễn Thị Thái (Kim Giang, Hà Nội) vẫn hú hồn vì suýt bị lừa mất tiền. Khoảng 22h ngày 21/5, bà nhận được điện thoại video từ em gái đang sống tại Đức. Cả khuôn mặt và giọng nói đều là của em gái, nên bà không hề nghi ngờ. Mới nói được vài câu thì cuộc gọi bị ngắt, người gọi nhắn là mạng yếu không nghe rõ và đề nghị bà chuyển sang nhắn tin. Sau đó, đối tượng giả danh em gái nhờ bà chuyển 500 triệu đồng tới tài khoản mang tên Nguyễn Văn Linh.
Do các thông tin khá trùng với những trao đổi của hai chị em trước đó (tài khoản em gái bà Thái đã bị hack và đối tượng đã nắm được thông tin trao đổi trước đó của hai chị em), nên bà Thái không hề nghi ngờ và lập tức đến ngân hàng vào sáng sớm hôm sau để chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản mà “em gái” cung cấp.
Tại ngân hàng, dù đã được cảnh báo lừa đảo và đề nghị kiểm tra kỹ một lần nữa, song tin tưởng vì cuộc gọi video đã nhìn rõ mặt và nghe đúng giọng nói em gái, nên bà Thái vẫn quyết định chuyển tiền. Giao dịch xong, bà gọi điện thoại cho em gái thì không liên lạc được, lập tức bà nghi ngờ bị lừa và nhanh chóng đến Công an phường Kim Giang trình báo.
Ngay khi nhận được tin báo, nhận định nạn nhân đã sập bẫy lừa, Công an phường Kim Giang đã chỉ đạo tổ công tác đến ngân hàng cách đó hơn 500 m, nơi nạn nhân đã chuyển tiền, phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài khoản, chặn giao dịch, phía ngân hàng cũng đã phối hợp, nên may mắn số tiền trên đã được bảo toàn.
Trong tháng 6/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) nhận được đơn trình báo của anh T. về việc bị lừa đảo hơn 600 triệu đồng qua mạng xã hội Telegram. Theo đó, anh T. được mời tham gia nhóm “Tình 1 đêm”. Để có được “thẻ hẹn hò”, anh đồng ý đăng ký tài khoản, truy cập đường link và nộp tiền theo hướng dẫn của hệ thống để hoàn thành nhiệm vụ và nhận hoa hồng.
Sau nhiều lần thực hiện nhiệm vụ và nạp số tiền lớn, hệ thống thông báo “sai dữ liệu, tài khoản bị khóa”, thành viên phải nộp thêm tiền để phục hồi dữ liệu, mở khóa tài khoản để được cấp thẻ thành viên hẹn hò. Sau khi chuyển thêm tiền, hệ thống vẫn thông báo lỗi và đưa ra nhiều lý do để dụ người tham gia nộp tiền thêm nhiều lần với giá trị ngày càng cao để chiếm đoạt. Chỉ trong vòng 2 ngày, anh T. đã chuyển hơn 600 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ (CTO) Công ty NCS cho hay, các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi và khó lường trong 6 tháng đầu năm. Nổi bật nhất là các vụ lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” đã chuyển dịch “địa bàn” hoạt động từ Zalo sang Telegram.
“Ngoài ra, các cuộc lừa đảo bằng cuộc gọi qua Zalo, Facebook Messenger ngày càng tinh vi, với sự xuất hiện của công nghệ Deepfake khiến các nạn nhân dễ bị mắc lừa hơn vì được mắt thấy tai nghe trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh. Không chỉ giả mạo người thân, bạn bè, những đối tượng lừa đảo còn giả mạo cả công an khiến nạn nhân không biết đâu là thật, đâu là giả”, ông Sơn cho biết.
Làm sạch dữ liệu sẽ hạn chế dần lừa đảo
Theo các chuyên gia công nghệ, hiện chưa có giải pháp để ngăn chặn các cuộc gọi lừa đảo Deepfake. Tuy vậy, có một số dấu hiệu có thể nhận ra được nếu người dùng tỉnh táo, như thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây, sau đó bị ngắt giữa chừng, khuôn mặt thiếu cảm xúc, thiếu tự nhiên, màu da trong video bất thường, âm thanh có nhiều tiếng ồn hoặc mất âm thanh…
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Trần Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, cùng các công ty công nghệ lớn đang chung tay tìm cách ngăn chặn Deepfake. Việc làm sạch dữ liệu sẽ hạn chế được phần nào tình trạng này.
Nguyên nhân là khi tình trạng lừa đảo xảy ra, cơ quan chức năng sẽ truy vết dòng tiền. Hiện tại, các tài khoản lừa đảo thường là tài khoản ảo (các đối tượng lừa đảo bỏ tiền ra mua các tài khoản ngân hàng không chính chủ với giá rẻ để làm tài khoản nhận tiền lừa đảo). Hệ thống ngân hàng và các nhà mạng đang tăng cường làm sạch tài khoản rác. Việc chặn các tài khoản không chính chủ bằng cách đồng bộ thông tin tài khoản ngân hàng, cùng thuê bao điện thoại với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm giảm các vụ lừa đảo trực tuyến.
Ông Vũ Ngọc Sơn dự báo, 6 tháng cuối năm, các hình thức lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong loại bỏ tài khoản ngân hàng rác, đặc biệt nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực sẽ là cơ sở để hy vọng tình trạng lừa đảo sẽ giảm dần.
Ngoài ra, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân tăng cường cảnh giác với lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là người cao tuổi. Các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhắm vào đối tượng người cao tuổi hiện nay là lừa đảo “combo du lịch” giá rẻ; cuộc gọi video Deepfake; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm ngân hàng; giả danh công an, kiểm sát viên, cán bộ toà án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng…
Lừa đảo trực tuyến tăng gần 65%
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để phòng ngừa các nguy cơ trên, các chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng cần quan tâm bảo vệ thông tin cá nhân, không tiết lộ thông tin cá nhân quan trọng như số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai trên mạng xã hội hay qua các tin nhắn không xác định nguồn gốc…