Tổng cục dự trữ Nhà nước vừa ban hành quyết định số 164 về kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện 196 gói thầu, mua 220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2024 tại các cục dự trữ nhà nước khu vực.
Giá gói thầu đã bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng, có cả bao bì và gạo giao trên phương tiện bên bán tại cửa kho thuộc cục dự trữ nhà nước các khu vực.
Đáng chú ý là gạo phải là gạo hạt dài, loại 15% tấm, được thu hoạch từ vụ đông xuân năm 2024 ở vùng Nam bộ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi, trong nước, qua mạng. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu là trong tháng 4/2024. Thời điểm đóng thầu là 9 giờ sáng 2-5. Việc mở thầu phải được hoàn thành trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm đóng thầu.
22 Cục dự trữ nhà nước các khu vực gồm Hà Nội, Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng, Nam Trung bộ, bắc Tây Nguyên, TP.HCM, Đông Nam bộ, Cửu Long…được giao thực hiện gói thầu này.
"Cục trưởng các cục dự trữ nhà nước khu vực tính toán, quy định giá trị căn cứ trên giá gói thầu. Đối với các gói thầu có giá trị trên 10 tỷ đồng, giá trị đảm bảo dự thầu cho từng gói thầu bằng 3% giá gói thầu. Đối với các gói thầu có giá trị có giá trị không quá 10 tỷ đồng, giá trị đảm bảo dự thầu cho từng gói thầu bằng 1,5% giá gói thầu", theo Tổng cục dự trữ Nhà nước.
Trước thời điểm đóng thầu, Tổng cục trưởng Tổng cục dự trữ Nhà nước sẽ ban hành quyết định phê duyệt dự toán của từng gói thầu để các cục dự trữ nhà nước khu vực thực hiện đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và làm căn cứ xét duyệt trúng thầu theo quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu giá gạo trên thị trường tăng hoặc giảm so với giá Tổng cục trưởng Tổng cục dự trữ Nhà nước quy định, Cục trưởng cục dự trữ nhà nước khu vực kịp thời báo cáo và đề nghị mức giá mua gạo để Tổng cục trưởng Tổng cục dự trữ Nhà nước điều chỉnh giá mua gạo phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đóng thầu.
Các Cục dự trữ Nhà nước khu vực: Hà Nội thực hiện 7 gói thầu mua 8.000 tấn gạo nhập kho; Tây Bắc 9 gói thầu mua 11.000 tấn gạo; Hoàng Liên Sơn 9 gói thầu mua 9.000 tấn gạo; Vĩnh Phú 8 gói thầu mua 10.500 tấn; Bắc Thái 8 gói thầu mua 10.000 tấn; Hà Bắc 10 gói thầu mua 9.500 tấn; Hải Hưng 6 gói thầu mua 9.500 tấn; Đông Bắc 7 gói thầu mua 9.000 tấn; Thái Bình 5 gói thầu mua 7.000 tấn; Hà Nam Ninh 7 gói thầu mua 10.000 tấn; Thanh Hóa 14 gói thầu mua 15.500 tấn; Nghệ Tĩnh 15 gói thầu mua mua 16.500 tấn; Bình Trị Thiên 9 gói thầu mua 12.500 tấn; Đà Nẵng 8 gói thầu mua 10.500 tấn; Nghĩa Bình 10 gói thầu mua 11.500 tấn; Nam Trung Bộ với 9 gói thầu mua 10.500 tấn; Bắc Tây Nguyên 7 gói thầu mua 7.000 tấn; Nam Tây Nguyên 9 gói thầu mua 8.000 tấn; TP. Hồ Chí Minh 10 gói thầu mua 9.500 tấn; Đông Nam Bộ 9 gói thầu mua 8.000 tấn; Cửu Long 11 gói thầu mua 7.500 tấn; Tây Nam Bộ 9 gói thầu mua 9.500 tấn.