“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ II): NVT “chìm vào hố sâu” vì gánh nặng tài chính

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp "trống dong, cờ mở" khi chào sàn niêm yết với những kỳ vọng và kế hoạch tăng trưởng khả quan. Nhưng sau khi niêm yết, tất cả đã thành dĩ vãng khi bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc vào diện kiểm soát. Nhiều nhà đầu tư đã ngậm ngùi vì thua lỗ khi "đầu tư nhầm mã" hoặc là nạn nhân của việc "đua mua theo tin đồn".
“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ II): NVT “chìm vào hố sâu” vì gánh nặng tài chính

KỲ II: NVT "CHÌM VÀO HỐ SÂU" VÌ GÁNH NẶNG TÀI CHÍNH

Lỗ nặng vì chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp

Sở hữu hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng từ Bắc vào Nam như Six Senses Saigon River, Emeralda Ninh Bình, Emeralda Hội An, LacViet New Tourist City, Khu du lịch sinh thái Đông Anh, Công ty TNHH MTV Câu lạc bộ kỳ nghỉ Ninh Vân Bay…, Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) quyết định đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HOSE với tham vọng trở thành thương hiệu hàng đầu trong nước và khu vực về lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, kể từ ngày lên sàn ngày 7/5/2010, kết quả kinh doannh của Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT - HOSE), NVT có lãi ròng trong 4 năm 2010 (15,4 tỷ đồng), 2013 (40,6 tỷ đồng), 2014 (22,3 tỷ đồng) và 2016 (15,6 tỷ đồng), còn lại đều bị lỗ nặng.

Cụ thể, năm 2011, NVT lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng, năm 2012 lỗ tiếp hơn 81 tỷ đồng, năm 2015 lỗ sau thuế tới 126 tỷ đồng. Do đó, tới cuối năm 2016, lợi nhuận chưa phân phối của 209 tỷ đồng.

Năm 2017, tình hình kinh doanh của NVT còn bết bát hơn khi lỗ sau thuế hợp nhất tới 456 tỷ đồng và công ty mẹ lỗ 479 tỷ đồng.

“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ II): NVT “chìm vào hố sâu” vì gánh nặng tài chính ảnh 1

Chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp của NVT luôn trong tình trạng căng thẳng.   

Với tình trạng kinh doanh bết bát trên, từ ngày 3/4/2018, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã đưa cổ phiếu NVT vào diện kiểm soát.

Theo giải trình của NVT, nguyên nhân lỗ khủng trong năm 2017 là do các khoản chi phí tiếp tục leo cao mà lớn nhất vẫn là chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Cụ thể, chi phí tài chính lại tăng vọt từ 34,8 tỷ đồng của năm 2016 lên tới 291 tỷ đồng do bị lỗ khi chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty con là Công ty TNHH Hai Dung (Dự án Six Senses Saigon River - NVT sở hữu 90%) là 255 tỷ đồng;  lỗ từ thanh lý công liên kết 28 tỷ đồng và lập thêm dự phòng khoản đầu tư vào CTCP Du lịch Tân Phú 10 tỷ đồng (Dự án Emeralda Ninh Bình). 

Còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 311 tỷ đồng là do chủ yếu đến từ khoản lỗ từ chuyển nhượng công nợ phải thu về cho vay đối với CTCP Tân Phú là 246 tỷ đồng…

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên cổ phiếu này bị rơi vào diện kiểm soát. Trước đó, với việc thua lỗ 2 năm liên tiếp 2011-2012, cổ phiếu NVT đã bị tạm ngừng giao dịch từ 4/4/2013 và
chỉ được giao dịch trở lại từ 11/4/2013 dưới dạng kiểm soát.

Từng thoát hủy niêm yết nhờ phao cứu sinh

Như đã đề cập, từ 4/4/2013, NVT từng bị ngừng giao dịch, sau đó được giao dịch trở lại từ 11/4/2013 dưới diện kiểm soát do 2 năm thua lỗ liên tiếp (2011 và 2012). Giai đoạn này, NVT gặp muôn vàn khó khăn, không chỉ thua lỗ làm bào mòn vốn chủ sở hữu, Công ty còn có khoản nợ trên dưới 500 tỷ đồng, trong khi khoản tiền mặt chỉ khoảng 20 tỷ đồng, khiến NVT không có vốn để triển khai các dự án.

Với tình hình đó, tưởng chừng NVT sẽ tiếp tục thua lỗ trong năm 2013 và sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc, nhưng bất ngờ công ty này có được phao cứu sinh từ cổ đông lớn ReCapital Investments Pte. Ltd.

Cụ thể, ReCapital Investments Pte. Ltd đã bỏ ra 225 tỷ đồng để mua 30 triệu cổ phiếu NVT phát hành riêng lẻ với giá 7.500 đồng/cổ phiếu để nâng sở hữu lên 32,465 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 35,87%. Trong giai đoạn này, thị giá cổ phiếu NVT trên sàn chỉ trên dưới 5.000 đồng/cổ phiếu.

Số tiền thu được từ đợt phát hành này, NVT sử dụng 140 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại và tái cấu trúc tài chính tại Dự án Emeralda Ninh Bình, cùng với đó là trả khoản vay 2 triệu USD đã vay cho chính dự án này (43 tỷ đồng).

“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ II): NVT “chìm vào hố sâu” vì gánh nặng tài chính ảnh 2

Kết quả kinh doanh của NVT từ 2010 đến 2017.   

Phao cứu sinh này giúp NVT có lãi trong 2 năm 2013 - 2014 và thoát “án” hủy niêm yết, nhưng bức tranh tài chính của NVT vẫn không có gì sáng sủa khi nợ lớn, hơn 400 tỷ đồng, trong khi khoản tiền mặt chỉ hơn 10 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là NVT sử dụng đòn bẩy tài chính để tài trợ cho các công ty con. Cụ thể, cho CTCP Tân Phú vay hơn 204 tỷ đồng và Công ty TNHH Sinh thái Cồn Bắp vay gần 14,5 tỷ đồng. Các khoản cho vay này cũng đều trở thành khoản nợ khó đòi. 

Trước áp lực nguồn vốn để triển khai các dự án, một lần nữa, NVT sử dụng đòn bẩy tài chính lớn khi phát hành 230 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ không chuyển đổi, kỳ hạn 3 năm vào cuối năm 2014 và lại có mạnh thường quân là một nhà đầu tư tổ chức đứng ra mua hết lượng trái phiếu này.

Theo phương án, toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành này được NVT dùng để đầu tư Dự án Six Senses Sai Gon River sau thời gian dài dự án này đắp chiếu. Tuy nhiên, dòng vốn giải ngân vào dự án này cũng nhỏ giọt, không như kế hoạch khi nm 2015, NVT chỉ dự toán đầu tư khoảng 9 tỷ đồng cho Six Senses Saigon River.

Chờ tiếp phao cứu sinh?

Kịch bản huy động vốn để cho công ty con, công ty liên kết vay lại tiếp tục được NVT sử dụng khi theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 dự kiến tháng tổ chức vào tháng 4 này, HĐQT NVT dự kiến sẽ trình cổ đông việc huy động vốn và tăng vốn đầu tư, cấp các khoản vay cho Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Cồn Bắp để đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Bắp (NVT hiện đang nắm giữ 40,29% vốn của Công ty Cồn Bắp).

Không biết, liệu lần này có thêm mạnh thường quân nào ra tay cứu giúp NVT nữa hay không? Nếu không, nhiều khả năng NVT sẽ bị rơi khỏi sàn nếu kết quả kinh doanh năm bết bát của năm 2017 không được khắc phục. 

Bởi theo Nghị định 58/2012, chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét...

Nhiều nhà đầu tư khóc ròng vì đua theo sóng

NVT lên sàn HOSE ngày 7/5/2010 với giá tham chiếu 25.000 đồng/cổ phiếu. Với kết quả kinh doanh quả quan năm 2009 và kế hoạch kinh doanh đầy triển vọng với hàng loạt dư án, ngay khi lên sàn, cổ phiếu NVT được rất nhiều nhà đầu tư đón nhận khi tăng trần lên mức 30.000 đồng với 642.490 cổ phiếu được khớp và lên mức 33.000 đồng/cổ phiếu 2 phiên sau đó.

Tuy nhiên, đây là mức đỉnh của cổ phiếu này, bởi sau đó, cổ phiếu NVT tụt dốc dần về mức giá 14.000 đồng cuối năm 2010. Với những nhà đầu tư đua sóng lên sàn, chỉ trong 7 tháng đã mất hơn 50% giá trị.

Sang năm 2011, với kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục theo từng quý, cổ phiếu NVT cũng tuột dốc không phanh và về mức 1.900 đồng/cổ phiếu cuối năm 2011 và lình xình quanh ngưỡng 2.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2012. Như vậy, sau hơn 1 năm rưỡi chào sàn, cổ phiếu NVT đã “bay” mất 95% giá trị.

Sau khi hồi phục dần trong năm 20013 - 2014 nhờ kết quả kinh doanh và có mạnh thường quân, cổ phiếu NVT tăng mạnh hơn 300%, trong 2 năm này, lên mức 9.000 đồng vào giữa tháng 4/2014.

Tuy nhiên, sau đó, kết quả kinh doanh đì đẹt của 2 quý tiếp theo khiến giá cổ phiếu NVT cũng giảm trở lại, chốt năm 2014 ở mức 5.200 đồng.

“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ II): NVT “chìm vào hố sâu” vì gánh nặng tài chính ảnh 3

 Diễn biến giá cổ phiếu NVT từ ngày lên sàn đến nay.

Tận dụng đà hồi phục này, các cổ đông nội bộ của NVT đã đồng loạt thoát thân. Đáng chú ý là tháng 8-9/2014, Công ty Quản lý quỹ Kỹ thương, cổ đông lớn, đồng thời là tổ chức có liên quan tới thành viên HĐQT của NVT đã thoái toàn bộ 6 triệu cổ phiếu NVT, tương đương 6,63% vốn của NVT.

Ngoài ra, ông Hoàng Lê Việt, con ông Hoàng Anh Dũng, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc NVT và bà Lê Thị Thu Hà, Phó chủ tịch HĐQT NVT cũng đã bán toàn bộ hơn 3,45 triệu cổ phiếu NVT nắm giữ.

Việc tháo cháy này được xem là hành động sáng suốt khi trong giai đoạn 2015 - 2017, giá cổ  phiếu NVT lao dốc lùi về cùng giá trì mức 2.000 - 3.000 đồng, bất chấp nhóm cổ phiếu bất động sản khác thăng hoa trong năm 2017.

Trong những tháng đầu năm 2018, cùng với đà tăng mạnh của nhóm bất động sản và VN-Index liên tiếp leo dốc, cổ phiếu NVT cũng được cải thiện khi tăng lên mức trên dưới 5.000 đồng. Đặc biệt, trong đó, trong 2 phiên cuối tuần trước và đầu tuần này, NVT liên tiếp tăng trần, lên 5.120 đồng trong phiên 9/4, trước khi chốt phiên hôm qua ở mức 5.000 đồng. Tuy nhiên, với mức giá này, “mạnh thường quân” ReCapital Investments Pte Ltd cũng đã lỗ 75 tỷ đồng.

Có thể nói, việc cổ phiếu NVT tăng điểm trong những phiên vừa qua bất chấp Công ty có kết quả kinh doanh bết bát cho thấy nhà đầu tư ưa mạo hiểm vẫn thích lướt sóng các cổ phiếu theo kiểu “distressed”, loại cổ phiếu của các công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu, hoặc bên bờ vực phá sản với hy vọng sẽ mua được các cổ phiếu này với giá thấp và bán lại khi công ty phục hồi.

Tuy nhiên, việc đua mua theo các cổ phiếu dạng nay luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với cổ phiếu có thanh khoản thấp như NVT, bởi khi có biến, nhà đầu tư sẽ khó tìm cửa thoát ra.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ