Lỗ nặng
Theo báo cáo tài chính quý II/2017 do NVT vừa công bố, kết thúc quý II/2017, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu tăng tới 41,5%, lên mức 55 tỷ đồng, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 27,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn lên tới 248,4 tỷ đồng, khiến NVT báo lỗ đến 296 tỷ đồng. Trong khi quý II/2016, NVT vẫn có lãi 3 tỷ đồng.
Giải trình về khoản dự phòng, NVT cho biết, theo Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐQT ngày 16/6/2017, HĐQT Công ty ước tính giá trị có thể thu hồi tối thiểu của phần góp vốn tại Công ty TNHH Hai Dung cùng toàn bộ các khoản cho vay cộng với lãi vay tại công ty này và toàn bộ các khoản cho vay cộng với lãi vay tại Công ty cổ phần Du lịch Tân Phú là 245 tỷ đồng.
Còn theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐQT ngày 22/6/2017, NVT chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương đương 29,15% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt và chuyển nhượng toàn bộ khoản cho vay của Công ty tại Công ty Danh Việt với giá trị tối thiểu là 7 tỷ đồng.
Do vậy, NTV đã phải trích lập dự phòng giá trị phải thu khó đòi là phần chênh lệch giữa giá trị ước tính thu hồi và giá gốc các khoản cho vay, cùng lãi phải thu với Công ty Hai Dung, Công ty Tân Phú và Công ty Danh Việt, khiến chi phí tăng, dẫn đến NVT chịu lỗ nặng.
Cụ thể, chi phí tài chính tăng do lỗ từ các khoản thanh lý đầu tư vào công ty liên kết 28 tỷ đồng và lập thêm dự phòng khoản đầu tư khác vào Công ty Tân Phú là 10 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu do lập dự phòng các khoản phải thu từ Công ty Tân Phú là 246 tỷ đồng.
Trong khi đó, thu nhập tài chính giảm do NVT ngừng trích lãi cho vay các khoản phải thu từ Công ty Tân Phú do ước tính không thu hồi đủ nợ gốc, làm giảm doanh thu tài chính khoảng 9 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NVT từ mức lỗ 12 tỷ đồng trong quý II/2016 đã lên mức lỗ 293 tỷ đồng trong quý II năm nay. Ngoài ra, do quý II năm trước, Công ty có ghi nhận thu nhập khác 20 tỷ đồng, đã đem về khoản lãi ròng 3 tỷ đồng, song cùng kỳ năm nay không phát sinh khoản này dẫn đến mức lỗ ròng quý II/2017 chạm ngưỡng 296 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 125 tỷ đồng doanh thu, lỗ ròng 281 tỷ đồng.
Lay lắt kế hoạch hồi sinh
Cần nhắc lại rằng, cách đây 3 năm, NVT đã đối mặt với nguy cơ phải rời sàn niêm yết sau khi trải qua 2 năm thua lỗ nặng nề trước đó (2011 lỗ 77 tỷ đồng, 2012 lỗ 70 tỷ đồng) với lý do là do nền kinh tế suy thoái và gánh nặng chi phí lãi vay lớn. Đồng thời, NVT cũng rơi vào tình thế bí vốn khiến cho việc triển khai dự án Emeralda Hội An và thanh toán các khoản nợ đến hạn gặp khó khăn.
Lúc đó, sự xuất hiện của Recapital Investments Pte.Ltd (Singapore) khi mua 30 triệu cổ phiếu NVT, trở thành cổ đông chiến lược nắm 35,87% vốn của Công ty là phao cứu sinh của NVT. Đợt chào bán này cũng giúp vốn điều lệ của NVT tăng lên 905 tỷ đồng. Nhờ có số tiền 225 tỷ đồng từ Recapital Investment Pte.Ltd rót vào, NVT đã có nguồn tiền để thực hiện dự án Emeralda Hội An, dự án Six Senses Saigon River và thanh toán một phần nợ vay, giúp giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp.
Với "phao cứu sinh" đó, năm 2013, dù doanh thu của doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ 2 tỷ đồng, đạt 207 tỷ, nhưng chi phí tài chính giảm mạnh từ 73 tỷ đồng xuống 2 tỷ đồng, đã giúp NVT có lợi nhuận ròng 21 tỷ đồng, thoát nguy cơ hủy niêm yết do 3 năm liên tiếp lỗ nặng.
Tuy nhiên, kế hoạch hồi sinh lại lay lắt, bởi ngay năm tiếp theo, dù doanh thu tăng trưởng, nhưng lợi nhuận của NVT đã sụt giảm mạnh chỉ còn hơn 5 tỷ đồng do nợ sắp đến đáo hạn của NVT cao gấp nhiều lần tài sản có thanh khoản. Cuối năm 2014, hơn 170 tỷ đồng bao gồm nợ vay sắp đáo hạn, tuy nhiên Công ty chỉ còn gần 8 tỷ tiền mặt, trong khi hơn 220 tỷ đầu tư tài chính ngắn hạn chủ yếu lại là các khoản cho vay tín chấp với các công ty thành viên có thời gian đáo hạn giữa năm 2015 (Công ty cổ phần Du lịch Tân Phú vay hơn 204 tỷ và Công ty TNHH Sinh thái Cồn Bắp vay gần 14,5 tỷ đồng).
Khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường đầu tháng 8/2014, HĐQT đã trình cổ đông và được thông qua phương án phát hành tối đa 230 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi kèm chứng quyền thay cho nội dung phát hành tối đa 40 triệu USD trái phiếu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4/2014. Mục đích phát hành nhằm cơ cấu các khoản nợ tại NVT và các công ty con.
Hợp đồng đặt mua trái phiếu đã ký ngày 11/11/2014 và 230 tỷ đồng trái phiếu đã được Công ty phát hành cho Công ty TNHH Nam Thành. Sau đó, Nam Thành đã chuyển nhượng lại toàn bộ cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Cũng cần lưu ý rằng, trong số các khoản nợ đến hạn trong cuối 2014 - đầu năm 2015 của NVT, số nợ của Techcombank tổng cộng hơn 114 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn của NVT vẫn chưa dừng lại tại đó.
Năm 2015, NVT ghi nhận kết quả kinh doanh bết bát nhất kể từ khi niêm yết với doanh thu thuần chỉ đạt hơn 96 tỷ đồng, giảm hơn 54% so với năm 2014, trong khi kế hoạch đề ra là gần 213 tỷ đồng. Công ty lỗ ròng tới gần 128 tỷ đồng, tụt xa so với năm 2014 (lãi gần 6 tỷ đồng) và cách quá xa so với kế hoạch (hơn 9 tỷ đồng). Theo đó, tính đến ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế của Công ty ghi nhận con số gần 212 tỷ đồng.
Đến năm 2016, kết quả kinh doanh của NVT cải thiện đôi chút với doanh thu hợp nhất 191 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2015 và tương đương 97% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 15,6 tỷ đồng, vượt 56% chỉ tiêu đề ra. Tính đến 31/12/2016, NVT có 1.319 tỷ đồng tổng tài sản, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm 72% cơ cấu, với hơn 951 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn hơn 426 tỷ đồng nằm tại dự án Six Senses Saigon River (hơn 362 tỷ đồng).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, NVT đã xác định sẽ đẩy mạnh việc chuyển nhượng các dự án Emeralda Ninh Bình, Six Senses Saigon River để tái cơ cấu tài chính, bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu và giải quyết tình trạnh khó khăn do thiếu vốn.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng chất vấn làm rõ các vấn đề liên quan đến khoản vay đối với các công ty con, công ty liên kết và kế hoạch thu hồi khoản vốn đầu tư vốn cho vay tại Công ty cổ phần Du lịch Tân Phú.
Nếu hoàn thành các mục tiêu đặt ra, NVT có thể hoàn thành chỉ tiêu doanh thu hợp nhất ở mức 219 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 17 tỷ đồng, tăng 9%, lãi ròng 16,5 tỷ đồng, tăng trưởng 6%. Tuy nhiên, với kết quả lỗ ròng trong quý II/2017 vừa công bố, không biết kế hoạch trở lại của NVT sắp tới sẽ ra sao?
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com