Lớn lên từ áp lực hội nhập

Sau WTO là các hiệp định thương mại ASEAN+1, Việt Nam - EU và sắp tới là TPP..., doanh nghiệp Việt  Nam đang từng bước trưởng thành dưới ánh sáng của thị trường tự do.
Lớn lên từ áp lực  hội nhập

Vượt qua sự tự ti

Là doanh nhân có kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường quốc tế, ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam cho rằng, con đường duy nhất để doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn nội tại và phát triển bền vững là đưa hàng hóa,  dịch vụ Việt Nam hội nhập sâu với thị trường thế giới..

Ông Phương chia sẻ điều này sau chuyến cùng đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Big 5 Dubai 2013 (tháng 11/2013) - hội chợ vào hàng lớn nhất thế giới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, dịch vụ xây dựng và sản phẩm trang trí nội ngoại thất diễn ra tại Dubai, thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.

"Sức ép cạnh tranh của thị trường quốc tế rất lớn nhưng cơ hội cho sản phẩm Việt tham gia thị trường rất rộng mở. Cái được lớn nhất khi doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường thế giới là nâng cao được năng lực phát triển sản phẩm và học hỏi được kinh nghiệm kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế. Lâu nay, doanh nghiệp Việt chủ yếu chỉ làm ăn loanh quanh ở thị trường nội địa; chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, sản phẩm sơ chế và xuất khẩu sức lao động thông qua hoạt động gia công lắp ráp trong nước và đưa lao động ra nước ngoài, trong khi thị trường thế giới có vô vàn cơ hội”, ông Phương tâm sự.

Chương trình xúc tiến thương mại theo mô hình “Đàn chim bay” do Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam khởi xướng mới đây gồm 18 doanh nghiệp có uy tín như: Gạch ốp lát Prime, Gạch trang trí Vĩnh Cửu, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Đạt Hòa, tấm chống nóng Cát Tường, ống nước DEKKO...

Nhiều doanh nghiệp tham gia Chương trình có chung cảm nhận, gian hàng Việt Nam tại Big 5 Dubai 2013 đã gây nhạc nhiên cho khách hàng quốc tế, bởi thiết kế ấn tượng, cách tiếp cận thị trường chuyên nghiệp và chất lượng các sản phẩm của Việt Nam được đánh giá cao. Kết thúc Hội chợ, sản phẩm tiếp tục được trưng bày tại showroom VChoice Dubai, tổ chức Xúc tiến thương mại - kết nối kinh doanh trực thuộc Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam, để sản phẩm được tiếp cận sâu và liên tục với khách hàng.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cố vấn mô hình “Đàn chim bay” của Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam, cũng chỉ ra điểm yếu của đội ngũ doanh nhân Việt là sự tự ti rất lớn. Nhiều doanh nhân có thể bỏ ra vài chục ngàn USD đưa gia đình, vợ con đi du lịch quốc tế, nhưng mang sản phẩm ra thị trường thế giới bán thì rất ít người dám. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều sản phẩm của Việt Nam được thị trường thế giới đón nhận và đánh giá cao.

Giải “bài toán” hội nhập

Là người nhiệt tình cổ vũ cho hành trình vươn ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2006, ký Hiệp định thương mại ASEAN + 1 (Trung Quốc), đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN + 6 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp và doanh nhân Việt không còn con đường nào khác là phải học cách tồn tại, phát triển dưới sức ép hội nhập và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài trên quê hương mình và trên thị trường toàn cầu.

"Doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tiếp cận được các chuỗi giá trị quốc tế bằng cách lựa chọn đối tác chiến lược để tham gia các chuỗi giá trị này, bán cổ phần cho họ. Cách làm này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt bổ sung được nguồn vốn, mà còn giúp cải thiện năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế", ông Lộc phân tích.

Theo Chủ tịch VCCI, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, những doanh nghiệp Việt Nam thành công đều không đứng một mình, mà thường có sự tham gia cổ phần và quản trị của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. “Những doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp chơi được với các đối tác toàn cầu. Tôi nghĩ đấy là một giải pháp tốt để Việt Nam hội nhập. Chúng ta chơi với các đối tác toàn cầu không chỉ để họ khai thác thị trường Việt Nam mà còn để chúng ta khai thác thị trường thế giới", ông Lộc nói.

Theo TS. Trần Đình Thiên, khó khăn hiện nay có nguyên nhân rất lớn từ việc không tiếp cận được với thị trường, nguồn vốn và quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Bài học thành công của Vinamilk, Viettel, Thiên Minh, Vingroup, TH True Milk, Nutifood... đều cho thấy, yếu tố nước ngoài là động lực không nhỏ để doanh nghiệp Việt Nam vươn tới thành công.

Bản lĩnh doanh nghiệp

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, trong sự đổ vỡ của hàng loạt doanh nghệp Việt vài năm trở lại đây, vẫn có những điều để lạc quan. Thay thế cho trên 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thương trường năm 2013 là đội ngũ hơn 70.000 doanh nghiệp khác.

"Đội ngũ này sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn, nhưng tôi tin, rất nhiều trong số họ sẽ bước qua khó khăn và thành công trong tương lai", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, những doanh nhân hiện nay còn trụ vững có chất lượng cao hơn đội ngũ doanh nhân thời kỳ Đổi mới. Mặc dù phải đối mặt với điều kiện cạnh tranh hội nhập vô cùng khốc liệt, chất lượng của đội ngũ doanh nhân đang vật vã với thương trường hôm nay chắc chắn có chất lượng tốt hơn 10 năm về trước.

Giám đốc Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam Nguyễn Liên Phương chia sẻ, những doanh nhân đang trụ lại được, dám tiếp tục mở rộng doanh nghiệp, dám đầu tư, họ có năng lực kinh doanh cao hơn hẳn các đồng nghiệp đã rời thương trường. Tuy nhiên, so với yêu cầu hội nhập thì vẫn còn một khoảng cách khá xa.  Hội nhập không phải là cuộc đọ sức theo quy mô, theo phong trào, mà là cuộc chơi khẳng định đẳng cấp trong kinh doanh.

"Doanh nhân thời hội nhập đừng kêu ca khó khăn. Khó khăn chỗ này ta ra chỗ khác; địa phương này không thuận lợi, ta ra địa phương khác; nước này không thuận lợi, ta ra nước khác, sao lại chỉ kêu khó khăn? Thế giới rộng lớn, không đi được là mình kém,  chứ không phải do thị trường không có chỗ cho sản phẩm của mình. Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Dubai đã đạt 4,4 tỷ USD (tăng trưởng 91 % so với năm 2012) và UAE được Bộ Công Thương xếp hạng là thị trường xuất khẩu tỷ USD,  đứng hàng thứ 7 trong số 15 thị trường xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.

Nếu doanh nghiệp Việt dám và biết cách tiếp cận thị trường hơn nữa, thì mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu hàng chục tỷ USD qua cửa ngõ marketing toàn cầu này", ông Phương tâm sự!

Hà Quang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục