Lợi suất TPCP tiếp tục tăng

(ĐTCK) Nguồn cung dồi dào trên thị trường sơ cấp gây áp lực tăng lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP), khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 và 5 năm tăng mạnh. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường thứ cấp tuần thứ 3 liên tiếp, do ảnh hưởng của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Những yếu tố làm tăng lợi suất vẫn không thay đổi nên tuần này (8 - 12/12), lợi suất trái phiếu tiếp tục được dự báo tăng.
Lợi suất TPCP tiếp tục tăng

Thị trường sơ cấp

Trong tuần đầu tiên của tháng 12 (1 - 5/12), có 9.000 tỷ đồng trái phiếu gọi thầu, trong đó 2.650 tỷ đồng được huy động thành công, tỷ lệ trúng thầu 29,4%, cải thiện so với tuần trước đó ở mức 5%.

Cụ thể, 2.000 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) kỳ hạn 3 năm được huy động ở mức lợi suất 5%/năm, tăng 40 điểm cơ bản; 650 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm được huy động ở mức lợi suất 5,85%/năm, tăng 55 điểm cơ bản so với tuần cuối tháng 11. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) huy động 5.000 tỷ đồng trái phiếu cho ba kỳ hạn 3, 5 và 10 năm, nhưng không có khối lượng nào đấu thầu thành công. Tín phiếu chính phủ không có phiên đấu thấu nào trên thị trường sơ cấp.

Như vậy, tính đến hết ngày 5/12, có 207.402 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) và Chính phủ bảo lãnh được đấu thầu thành công, gồm: 192.853 tỷ đồng trái phiếu KBNN (đạt 79% so với kế hoạch mới nhất), 10.047 tỷ đồng trái phiếu VDB và 4.502 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tuần này (8 - 12/12), KBNN, VDB và Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tham gia chào thầu trái phiếu với khối lượng lần lượt là 5.000 tỷ đồng (kỳ hạn 3 và 5 năm), 5.000 tỷ đồng (kỳ hạn 3, 5 và 10 năm) và 1.000 tỷ đồng (kỳ hạn 5, 10 và 15 năm). 

Thị trường thứ cấp

Tuần từ 1 - 5/12, giá trị giao dịch TPCP đạt 29.874 tỷ đồng, trung bình 5.975 tỷ đồng/phiên, giảm 22% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là giá trị giao dịch ở mức cao. Giao dịch thông thường (outright) chiếm 65%; khối lượng giao dịch mua bán lại (repos) chiếm 35% tổng giá trị giao dịch.

Trái phiếu kỳ hạn dưới 1 năm chiếm 10% tổng giá trị giao dịch outright và repos. Giá trị giao dịch trái phiếu kỳ hạn còn lại từ 1 đến 3 năm, từ 3 đến 5 năm và trên 7 năm chiếm lần lượt 44%, 22% và 24%. Trái phiếu kỳ hạn từ 5 đến 7 năm không có giao dịch.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trái phiếu với giá trị 2.813 tỷ đồng thông qua các giao dịch outright, trong đó 88% là trái phiếu có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng. Đây là tuần thứ ba liên tiếp, khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường trái phiếu do ảnh hưởng của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và là một nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn dưới 1 năm tăng mạnh.

Theo số liệu từ Bloomberg, lợi suất trái phiếu tuần qua tiếp tục tăng trên hầu hết các kỳ hạn, ngoại trừ kỳ hạn 15 năm giảm 10 điểm cơ bản so với tuần trước đó. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1, 2 và 3 năm tăng tương ứng 25, 17 và 8 điểm cơ bản, lên 4,62%/năm; 4,9%/năm và 5,16%/năm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 và 7 năm tăng lần lượt 18 và 12 điểm cơ bản, đóng cửa tuần giao dịch tại 6,03%/năm và 6,37%/năm. Lợi suất trái phiếu 10 năm tăng 19 điểm cơ bản, lên 7,1%/năm. 

Thị trường mở

Thị trường mở tuần qua không có giao dịch reverse repo đáo hạn và giao dịch reverse repo được thực hiện. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành 23.256 tỷ đồng tín phiếu các loại, tăng 41% so với tuần trước đó. Tín phiếu kỳ hạn 128 ngày và 91 ngày chiếm lần lượt 6,74% và 0,98%, tương đương với 1.567 tỷ đồng và 228 tỷ đồng. Tín phiếu 28 ngày chiếm 36,25% khối lượng giao dịch, đạt 8.430 tỷ đồng. Tín phiếu 182 ngày và tín phiếu 56 ngày chiếm 28,18% và 27,85%, đạt 6.554 tỷ đồng và 6.477 tỷ đồng.

Lãi suất trúng thầu của tín phiếu các kỳ hạn tiếp tục tăng so với tuần trước đó. Cụ thể, lãi suất tín phiếu kỳ hạn 91 ngày và 56 ngày tăng 20 điểm cơ bản, đạt 3,7%/năm và 3,2%/năm. Lãi suất tín phiếu 28 ngày tăng 30 điểm cơ bản, đạt 3,2%/năm. Lãi suất tín phiếu 182 ngày là 4,2%/năm.

Trong tuần qua, có 30.099 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tính chung, NHNN bơm ròng 6.843 tỷ đồng trên thị trường mở và là tuần bơm ròng thứ 4 liên tiếp. 

Thị trường liên ngân hàng

Tính đến hết ngày 27/11, tín dụng toàn hệ thống đạt 10,22%, cao hơn nhiều so với mức 8,2% vào cuối tháng 10. Điều này cho thấy, nhu cầu về vốn vẫn ở mức cao trong giai đoạn cuối năm, khiến lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn trong xu hướng đi lên.

Trong tuần đầu tiên của tháng 12, lãi suất liên ngân hàng tăng từ 40 - 50 điểm phần trăm so với tuần trước đó và tăng gấp đôi so với tháng 11. Theo Bloomberg, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng như sau: qua đêm (3,7%/năm, +50 điểm cơ bản theo tuần), 1 tuần (3,8%/năm, +40 điểm cơ bản theo tuần), 2 tuần (3,8%/năm, +40 điểm cơ bản theo tuần), 1 tháng (3,8%/năm, +40 điểm cơ bản theo tuần).

CTCK VPBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục