Mặc dù kết quả kinh doanh năm qua của nhiều ngân hàng, nhất là với những ngân hàng quy mô nhỏ không đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhưng thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát tại các ngân hàng này vẫn được duy trì ở mức cao.
SouthernBank là ví dụ điển hình. Kết thúc năm 2014, Ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 82.000 tỷ đồng, hoàn thành chưa đến 60% so với kế hoạch đề ra. Nguồn vốn huy động tăng trưởng 5,7%, đạt hơn 76.600 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng gần như không tăng trưởng (chỉ tăng 0,08%), đạt trên 43.300 tỷ đồng. Mặc dù dư nợ tín dụng không tăng, nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên mức 5,89% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 (sau trích lập dự phòng rủi ro) chỉ là 1,2 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch.
Với kết quả kinh doanh như vậy, SouthernBank quyết định không chia cổ tức 2014 cho cổ đông. Đây không phải là năm đầu tiên Ngân hàng không chia cổ tức, 3 năm trước đó, cổ đông của nhà băng này cũng không nhận được đồng cổ tức nào. Điều này đã khiến nhiều cổ đông của SouthernBank tỏ ra bức xúc.
Đáng chú ý là dù không đạt chỉ tiêu lợi nhuận, song HĐQT vẫn đề xuất được giữ nguyên mức thù lao cho HĐQT, Ban kiểm soát đã được ĐHCĐ thường niên 2014 thông qua là… 13,7 tỷ đồng.
Năm 2015, HĐQT và Ban Kiểm soát SouthernBank tiếp tục xin cổ đông tăng mức thù lao lên mức 14,17 tỷ đồng. Theo lý giải của HĐQT SouthernBank, lý do xin tăng thù lao là do hoạt động ngân hàng khó khăn, đòi hỏi hoạt động quản trị và điều hành phải tăng cường để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. HĐQT của Southern Bank hiện có 9 thành viên và Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên. SouthernBank đặt chỉ tiêu tăng tổng tài sản năm 2015 tăng lên 93.000 tỷ đồng, (tăng 13,3%); huy động vốn tăng 13,83%; dư nợ cấp tín dụng tăng 5%; lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần của 2014; tỷ lệ nợ xấu dưới 5%.
Trong khi đó, tại ĐHCĐ Sacombank sáng ngày 21/4, HĐQT nhà băng này vẫn trình cổ đông thông qua khoản thù lao và chi phí hoạt động cho HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2015 duy trì ở mức 2% lợi nhuận trước thuế.
Năm 2014, Sacombank đạt 2.851 tỷ đồng trước thuế, nếu loại trừ các yếu tố bất thường do ảnh hưởng từ các khoản nợ bán cho VAMC thì con số này là 3.445 tỷ đồng. Nhưng theo ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, Ngân hàng vẫn giữ nguyên tỷ lệ 2% như đã trình cổ đông thông qua tại kỳ ĐHCĐ năm trước. Tuy nhiên, theo tỷ lệ này, mức thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát của Sacombank nhận được trong năm 2014 vẫn lên tới trên 53,5 tỷ đồng.
Còn với HDBank, HĐQT ngân hàng này đã trình cổ đông thông qua mức thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2015 ở mức 12 tỷ đồng. Đồng thời, HĐQT Ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua việc trích 20 tỷ đồng lợi nhuận năm 2014 (700 tỷ đồng) cho Quỹ hoạt động của HĐQT trong năm 2015.
Tại Eximbank, năm 2014, lợi nhuận giảm mạnh sau trích lập dự phòng, chỉ còn 56 tỷ đồng sau thuế, nhưng HĐQT, Ban Kiểm soát Ngân hàng vẫn nhận mức thù lao và phụ cấp chuyên trách là 1,5% của khoản lợi nhuận này. Được biết, đến nay, Ngân hàng đã chi hơn một nửa khoản thù lao này cho một số thành viên trong HĐQT.
Năm 2015, theo tờ trình ĐHCĐ, HĐQT Eximbank dự kiến xin cổ đông giữ nguyên mức thù lao 1,5% lợi nhuận sau thuế như năm 2014. Tuy nhiên, Eximbank đã bất ngờ hủy ĐHCĐ vào chiều ngày 20/4/2014.
Còn đối với Techcombank, dù lợi nhuận năm qua tăng hơn 60% và vượt 20% kế hoạch, nhưng HĐQT và Ban Kiểm soát đều không nhận thù lao. Dù đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2015 cao hơn năm 2014, song các nhân sự cao cấp này của ngân hàng này cũng tiếp tục giữ quan điểm đó.
Với một số ngân hàng lớn, lợi nhuận thu về ở mức cao trong năm qua, nhưng thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát vẫn giữ nguyên. Cụ thể, với Vietcombank, mức thù lao cho hai cơ cấu nhân sự cao cấp nói trên vẫn giữ tỷ lệ 0,35% lợi nhuận sau thuế.
Trong khi đó, tại BIDV, với nền tảng kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2014 (lợi nhuận sau thuế 6.297 tỷ đồng), HĐQT Ngân hàng đã đề xuất và được thông qua mức thù lao 2015 tăng đáng kể. Cụ thể, mức thù lao cho hai cơ cấu lãnh đạo cao cấp nói trên của BIDV được nâng từ 0,38% lên mức 0,44%, cao hơn các nhà băng cùng quy mô.